Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sài Gòn quán: Bài 2: Ăn uống thời “chà, vuốt”

Tạp Chí Giáo Dục

Khó có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi nếu không có wifi. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Hầu hết quán xá ở TP.HCM đều được đầu tư, trang bị đường truyền internet (wifi) miễn phí để phục vụ “thượng đế”. Nhiều người kinh doanh khẳng định: “Thời buổi công nghệ “chà, vuốt” mà không có wifi thì chẳng ai thèm ghé”.
Khi cuộc sống đã tạm đủ đầy, hiểu theo nghĩa chẳng phải vắt giò lên cổ lo cơm áo gạo tiền mỗi ngày, người dân Sài Gòn lại quan tâm hơn đến những thứ khác, trong đó có thế giới ảo. Họ dành thời gian cho thế giới ảo nhiều hơn qua việc mua sắm điện thoại, iPad thời thượng và tất nhiên là có sự đòi hỏi: Nơi mà họ làm việc hay la cà hàng giờ phải có… wifi.
Quán cóc cũng phải có… wifi
Cách đây vài năm, tìm được một quán cà phê, hay quán nhậu có wifi chẳng dễ tí nào nhưng gần đây, hầu như mọi quán đều được phủ sóng phục vụ khách hàng. Thậm chí cũng chẳng cần trương bảng “có wifi” như một hình thức quảng cáo cho quán như trước.
Thời công nghệ thay đổi trong tích tắc, nếu không đầu tư sẽ lỗi thời, thua kém trước mắt là quán không có khách. Quán cóc, từ cà phê đến quán nhậu cũng thưa dần theo quy luật cạnh tranh và phát triển. Thế nên không ít người bảo, chính cái công nghệ hiện đại giết-chết-một-Sài Gòn quán cóc vỉa hè đã ít nhiều ăn sâu vào tâm trí của người dân từng sinh sống và làm việc ở đây.
Bà Võ Thị Lành, bán cà phê trên vỉa hè, đoạn giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Kiệt (Q.1), nói: “Tôi già sắp xuống lỗ rồi, có biết quai phai (wifi), quai phiếc chi đâu, khách đến chưa cho xe lên lề đã hỏi “có wifi không bà?”. Ban đầu tôi không biết cứ ú ớ. Sau nghe mấy cô cậu làm văn phòng gần đây nói mới biết. Những lần sau, nghe hỏi, tôi trả lời nhanh gọn: “Không có”, thế là họ quay đi”.
Thực tế không ít quán cà phê vỉa hè tồn tại được là nhờ “ké” wifi của các công ty, văn phòng gần đó. Tuy nhiên, khi bị phát hiện xài ké, người ta lại thay đổi mật khẩu. “Khách có lỡ kêu nước rồi thì ngồi nhưng chưa chắc lần sau họ ghé lại”, anh Tùng, nhân viên đại lý bảo hiểm Manulife, thú thật.
Từ đầu năm 2014, anh Tiến (ngụ đường Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình) bỏ ra gần 20 triệu đồng để “tút” lại mặt bằng nhà cho hợp với quán cà phê. Xác định khách hàng chỉ là người trong hẻm nhưng không thể thiếu wifi, thành ra tiền đầu tư cho khoản này còn tốn kém hơn các khoản khác. “Bản thân mình ra quán cà phê cũng đòi hỏi phải có wifi, ngồi vỉa hè cũng chọn quán nào truy cập mạng được nên hiểu tâm lý khách hàng”, anh Tiến nói.
Khách uống cà phê cóc đã vậy, dân nhậu có nhu cầu còn cao hơn nữa. Thời buổi công nghệ, dân làm ăn chỉ làm việc qua văn phòng ảo hay trên… bàn nhậu và ứng dụng công nghệ vào việc chỉ đạo từ xa. Do đó, hầu như quán nhậu nào – gọi là tàm tạm ở Sài Gòn – cũng được trang bị wifi. Và tất nhiên, từ quản lý, tiếp tân đến phục vụ đều thuộc nằm lòng mật khẩu để sẵn sàng trả lời khách khi cần.
“Không wifi, làm ăn gì?”
Dịch vụ 3G của các nhà mạng tiện lợi, giá cước cũng không cao nhưng hay trục trặc vì nhiều lý do khi sử dụng dịch vụ khiến không ít người chẳng mấy mặn mà.
Câu này không chỉ đúng cho những người kinh doanh hàng ăn uống thời nay mà còn đúng với các “thượng đế”. Có thể khách vào quán để giao dịch, làm ăn với đối tác. Cũng có không ít khách vào quán vừa lai rai vài chai bia hoặc nhâm nhi ly cà phê vừa chơi game online, làm tỷ điều với thế giới ảo… Hơn nữa, hai từ “miễn phí” vẫn có giá trị, chí ít cũng là tiêu chí phục vụ “thượng đế” và “thượng đế” cũng mãn nguyện vì uống cà phê ngon, giá rẻ lại được ngao du khắp thế giới nhờ có wifi.
“Quán nằm ở trung tâm thành phố thế kia, sang trọng thế này mà không có wifi thì làm ăn cái quái gì. Bây giờ, quán cóc trong hẻm cũng có wifi chạy phà phà”, chị Võ Thị Thanh Ly, quản lý quán cà phê, cơm văn phòng ở đường Nguyễn Thị Thập, P.Tân Quy, Q.7, kể lại lời ông khách nói như mắng nhiếc. “Đó là thời điểm quán đã lắp đặt wifi nhưng do sự cố đang sửa chữa lại chứ mở quán thế này mà không có wifi thì có ma nào vào?”, chị Ly cho biết.
Hiện nay, giới kinh doanh hàng ăn uống còn cạnh tranh nhau bằng cách lắp đặt đường truyền cáp quang phục vụ nhu cầu ngày càng cao của “thượng đế”, đặc biệt là giới trẻ. Cụ thể là các quán cà phê phim HD một thời thu hút khá đông khách. Đến nay, dịch vụ này gần như bão hòa, và để giữ lượng khách ổn định, chủ quán mở thêm nhiều dịch vụ kèm theo, trong đó có dịch vụ cho thuê chỗ… nằm hàng giờ cho nam nữ thanh niên với giá nước chấp nhận được.
Bài, ảnh: Trần Anh
 
Chuyện cái password (mật khẩu) wifi cũng có nhiều tình huống “dở khóc dở cười”. Nhắc đến quán nhậu nằm trên trục đường dẫn về bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), dân nhậu nhớ ngay đến mật khẩu không đụng hàng, nghe rất tục mà người viết không tiện nêu ra. Nhiều người góp ý mật khẩu nghe “tỏm” quá, ông chủ quán vỗ vỗ cái bụng bia, khề khà: “Cho kiêu, cho “độc””. Những quán có password kiểu đánh lừa khách như: “Không có pass”; “hỏi làm gì” hay “có đâu mà hỏi”… bây giờ chẳng còn lạ nữa. 

Bình luận (0)