Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Sài Gòn quán: Bài cuối: Mưu sinh trong đêm

Tạp Chí Giáo Dục

Mạnh bên xe bắp xào và trứng lộn ở phố nhậu gần cầu Thị Nghè (Q.1)
Quán nhậu là nơi những phận đời tha hương mưu sinh hàng đêm với nụ cười héo hắt, lắm nước mắt đắng cay, tủi nhục.
Các phố nhậu đêm ở Sài Gòn là nơi tập trung nhiều mảnh đời tha hương mưu sinh với đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Người bán đậu phộng, bánh tráng, trái cây; người bán hạt dẻ, bắp xào, trứng vịt lộn… Cuộc mưu sinh tưởng chừng đơn giản, bình thường như màn đêm lặng lẽ trôi, nhưng không, đó là hành trình mưu sinh nghiệt ngã và đầy rẫy bất trắc.
Nhọc nhằn mưu sinh
Một buổi tối cuối tháng 12, tại một quán nhậu gần ngã tư Hàng Xanh (đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh), chúng tôi thấy một bà cụ dáng còm nhom, gương mặt hom hem mỏi mệt ngồi trên chiếc xe lăn, trên tay cầm xấp vé số dày cộm, đẩy phía sau là anh thanh niên. Họ đi thật nhanh ra khỏi quán như đang cố thoát khỏi cảnh mà họ không muốn thấy sau đó.
Khi chúng tôi hỏi có chuyện gì vậy?, bà cụ thì thào cho biết: “Người ta đuổi không cho tôi vô quán bán cậu à. Họ sợ tôi làm phiền khách nên sai người đuổi ra”. Bà tên Lành, quê huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên), bán vé số ở Sài Gòn gần chục năm rồi. Còn anh thanh niên đẩy xe là con trai út của bà, tuổi cũng tròn 40. “Khi thu hoạch mùa màng xong là nó vô đây đi bán vé số với tôi. Ít bữa nữa là nó về quê đi cắt lúa thuê”, bà Lành nói. Là đôi chân, đôi mắt của bà Lành nhưng anh con trai cũng không được khỏe mạnh, như lời bà cho biết: “Khi trái gió trở trời là thần kinh nó có vấn đề”.
Hàng ngày, buổi sáng hai mẹ con đi bán vé số ở khu dân cư Miếu Nổi, vòng qua chợ Bà Chiểu, ra Bến xe Miền Đông rồi về Thanh Đa (Q.Bình Thạnh). Chiều đến, sau bữa cơm vội, hai mẹ con lại đi bán tiếp, địa điểm bán chủ yếu là các quán nhậu đêm ở khu vực Hàng Xanh và đường Hoàng Sa – Trường Sa (Q.1). Hỏi về chuyện thu nhập, bà Lành tặc lưỡi, nói: “Bán từ sáng đến khuya, nếu gặp may cũng kiếm gần 200.000 đồng, nhưng cũng có hôm chỉ kiếm được 50.000-70.000 đồng, chỉ đủ đóng tiền nhà và lo hai bữa ăn tạm bợ cho hai mẹ con. Có nhiều cô cậu dễ thương lắm, thấy hoàn cảnh mình, họ gợi ý với bạn bè mua vé số ủng hộ nhưng cũng có không ít cô cậu xua tay, thậm chí quát mắng. Chủ quán không cho bán thì tôi vẫn vui vẻ nhưng có những người khách đáng tuổi con cháu mình đối xử vậy, tôi buồn lắm”.
Chúng tôi trò chuyện với Mạnh – bán bắp xào và trứng vịt lộn ở phố nhậu gần cầu Thị Nghè (Q.1) khi đồng hồ đã qua 0 giờ. Mạnh cho biết quê ở Thái Bình, theo nghề từ năm 15 tuổi, nay cũng ngót 13 năm. “Món này chủ yếu bán cho dân nhậu hoặc các bà, các cô đi cùng. Mỗi ngày đạp xe rong ruổi hơn 20km tìm quán nhậu để bán mới đủ sống”, Mạnh nói.
Cũng như bao mảnh đời bị cho là “sống bám” vào  quán nhậu, không ít lần Mạnh bị chủ quán đuổi thẳng thừng vì: “Quán không bán được mồi”. Mạnh tâm sự: “Nghĩ cũng phải, món bắp xào quán không bán, đúng hơn là không dám bán bởi nếu có thì những món ăn khác bán rất chậm. Em chỉ dám đứng bên kia đường, khách cần thì gọi. Cứ im lặng mà kiếm cái ăn, vậy mà họ vẫn không tha, còn cho người đuổi đánh, đập xe…”. Đó là “tai nạn” xảy ra vào cuối năm 2013 tại một quán nhậu trên quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức). “Họ hung dữ lắm, đánh bằng tuýp sắt đến chấn thương đầu, vai và lưng. May mà có mấy ông khách nghĩa hiệp đứng ra can ngăn”, Mạnh nhớ lại đêm kinh hoàng ấy.
13 năm ngược xuôi với chiếc xe ba gác, Mạnh còn bị chính những người tha hương mưu sinh như mình “xử”. Mạnh chua chát nói: “Anh em ở cùng làng. Vào Sài Gòn làm cùng nghề, sống chung khu nhà trọ nhưng vì miếng ăn mà đánh mất cái tình. Nghĩ cũng buồn nhưng cũng bởi cuộc mưu sinh ngày càng khó nhọc khiến con người ta cáu gắt, bực dọc”.
Mềm môi với khách say
Ngoài đội ngũ phục vụ, ở quán nhậu còn có các cô gái tiếp thị bia. Một lớp phấn son trang điểm ấn tượng, một bộ trang phục gợi cảm, bắt mắt nhưng ít ai biết rằng, khi trở về nhà lúc nửa đêm về sáng, các cô lại đối diện với những tình huống đáng sợ, là sự thật phũ phàng của cuộc mưu sinh.
Có ngoại hình khá bắt mắt, Hoài Thương (sinh viên năm III Trường ĐH T.) làm tiếp thị cho một hãng bia sau lần phỏng vấn khá trơn tru. Tuy nhiên, chỉ mới làm gần 2 tháng mà Hoài Thương đã gặp phải bao chuyện dở khóc dở mếu. “Công ty ép doanh số, mỗi ngày tụi em phải bán đủ số lượng bia mới có lương. Các chị có kinh nghiệm, bạo dạn hơn thì có đủ mọi cách để đạt doanh số; còn những nhân viên mới như em, đêm nào cũng về tới nhà 12 giờ đêm nhưng lương tuần có, tuần không…”, Hoài Thương cho biết.
Không như Hoài Thương, Hồng Anh – đàn chị về tuổi đời lẫn tuổi nghề – tiếp thị bia tại một quán nhậu sân vườn trên đường Nguyễn Cửu Vân (Q.Bình Thạnh) thú thật: “Dẻo mồm dẻo miệng, nói lời ngon ngọt chiều mấy anh, mấy chú tới bến là được. Khi có một bàn chịu uống rồi thì chắc chắn sẽ đủ hoặc vượt doanh số cho một ngày”.
Tuy nhiên, theo Hồng Anh, nói thì dễ nghe lắm nhưng bản thân cô, đêm nào cũng say mềm môi bởi: “Khách mời dại gì không uống để vượt doanh số, cuối tuần còn lĩnh tiền thưởng?”.
Bài, ảnh: Trần Anh
“Anh em ở cùng làng. Vào Sài Gòn làm cùng nghề, sống chung khu nhà trọ nhưng vì miếng ăn mà đánh mất cái tình. Nghĩ cũng buồn nhưng cũng bởi cuộc mưu sinh ngày càng khó nhọc khiến con người ta cáu gắt, bực dọc”, Mạnh, bán bắp xào và trứng lộn ở phố nhậu gần cầu Thị Nghè (Q.1), cho biết.
 

Bình luận (0)