Cầu Ghềnh sập, Sài Gòn không còn tàu lửa ra vào hằng ngày. Nhiều nhân viên gác chắn bỗng dưng rãnh rỗi, 'bất đắc dĩ' vì không biết phải làm gì. Còn dân xóm đường tàu bỗn đâm "nhớ cái tiếng rầm rầm' đinh tai bao lâu nay.
Sự cố sà lan đâm sập Cầu Ghềnh đã để lại hậu quả nặng nề nhất là đường sắt Bắc – Nam bị gián đoạn, Ga Sài Gòn bị cô lập và phải dùng xe trung chuyển.
Nhiều chuyện bi hài cũng phát sinh từ đó khi hai ngày nay, Sài Gòn không còn tàu lửa ra vào. Nhiều nhân viên gác chắn ở Sài Gòn bỗng dưng khỏe hơn vì không biết phải làm gì trong ca trực.
Sung sướng nhưng… chán lắm
Anh Trần Kim Châu, gác chắn An Lạc, đoạn giao nhau giữa đường Kha Vạn Cân và đường Hiệp Bình (quận Thủ Đức) vừa nhâm nhi ly trà vừa nói: “Công việc bình thường của mình, nắng mưa gì cũng đứng ra kéo chắn mà giờ ngồi không tự nhiên thấy thiếu thiếu. Nhưng vẫn đi làm bình thường sau đó hết ca trực rồi đi về”.
Anh Châu cũng cho biết bình thường công việc gác chắn rất căng thẳng, ngoài việc nhận danh sách giờ tàu chạy còn phải luôn trực điện thoại để kéo chắn kịp thời. Tuy nhiên, hiện tại anh Châu lại nhàn rỗi vì lý do “bất đắc dĩ”. “Giờ ngồi uống trà nói chuyện với mấy ông xe ôm vầy thôi chứ biết làm gì hơn?”, anh Châu tâm sự.
Anh Nguyễn Đức Thêm, gác chắn chốt Chùa Ưu Đàm thì thở dài ngao ngán: “Bình thường có nắng có mưa gì cũng ra kéo chắn, giờ ngồi không thì nhàn thật, sướng thật nhưng chán lắm!”.
Cô Nguyễn Thị Thế, 45 tuổi, nhân viên chắn chốt trên đường Trường Sơn chia sẻ: "Bình thường đến giờ là ra làm việc, giờ không có tàu nhưng muốn đi đâu cũng không được, sợ ban quản lý có thông báo khẩn lại không có người trực".
Nằm trong chốt online
Sáng 22.3, Thanh Niên ghi nhận tại nhiều chốt chắn đường sắt ở Sài Gòn đều có một cảnh chung: các nhân viên bị… thất nghiệp bất đắc dĩ vì không còn cảnh tàu chạy hằng ngày.
Tại một gác chắn ở quận Thủ Đức, nhân viên nằm bên trong sử dụng điện thoại online để đọc tin tức, đặc biệt là thông tin về vụ sập cầu Ghềnh.
Theo chị trưởng kíp trực, mọi ngày gác chắn này có 4 nhân viên trực/ca, hôm nay chỉ 3 người ở đây. Theo chị H., tàu không có nhưng nhân viên cũng không được nghỉ vì phải trông coi cơ sở vật chất.
Tại gác chắn trên địa phận quận Gò Vấp, nhân viên cũng… ở không và không biết làm gì hơn ngoài việc nằm không và online điện thoại.
Người dân nhớ tiếng tàu
Ông Nguyễn Thanh Long (54 tuổi), người chạy xe ôm gần gác chắn An Lạc từ khi chưa lập chốt cho biết mới vắng tàu hỏa hai ngày nhưng cảm thấy rất trống vắng. Ông Long tâm sự: “Một ngày có gần 20 chục chuyến đi ngang qua đây, nghe tiếng xình xịch với tiếng còi tàu hú quen rồi riết ghiền, hai bữa nay vắng tàu tự nhiên thấy thiếu thiếu”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Như Nguyệt (47 tuổi), nhà gần gác chắn Bình Triệu thì chia sẻ, bình thường gác chắn kéo lại đợi tàu là quốc lộ 13 đoạn giao nhau với Kha Vạn Cân sẽ kẹt xe, giờ không có tàu nên không thấy kẹt xe, nhưng vẫn nhớ tiếng tàu. |
Vũ Phượng – Thanh Lan (TNO)
Bình luận (0)