Phụ huynh cần có kiến thức giúp con cầm chảy máu cam tại nhà. Ảnh: T.L |
Nếu được trang bị đầy đủ kiến thức thì các bậc cha mẹ vẫn có thể chữa trị tại gia cho con mình một số căn bệnh nhẹ, thông thường. Còn nếu thiếu kiến thức, chữa bệnh không có cơ sở khoa học rất dễ dẫn đến sai lầm, đôi khi lại gây nguy hiểm cho con.
Do thiếu hiểu biết…
Cháu Vũ Văn Chấn (14 tuổi) HS Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – con trai đầu lòng của chị Lê Thị Hương rất khỏe mạnh, ít khi bị đau ốm. Thế nhưng gần đây, thỉnh thoảng lại hay bị chảy máu cam. Có hôm đang ngồi học bài thì Chấn cảm giác có nước chảy từ trong mũi ra. Lúc đầu Chấn cứ nghĩ là nước nhầy, nhưng khi đưa tay quệt lên miệng và soi vào gương thì mới hoảng hốt thấy đó là máu tươi. Thấy con bị như thế, chị Hương lo sợ nên vội vàng lấy cục bông gòn từ trong tủ thuốc gia đình nhét vào mũi Chấn để cầm máu lại. Tuy nhiên, sau khi thấm đủ cục gòn, máu từ trong mũi Chấn vẫn tiếp tục chảy xuống miệng. Lo sợ máu không cầm và ướt quần áo, chị Hương khuyên con ngồi ngửa đầu ra phía sau nhưng máu vẫn không chịu “nghe lời”. Theo BS. Lê Hoàng Kầm – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thì trong trường hợp này, chị Hương nên cho Chấn ngồi cúi đầu xuống phía trước và lấy ngón tay ép sát cánh mũi của con. Sai lầm của chị Hương là cho con ngồi ngửa cổ ra đằng sau, vì như thế vẫn không ngăn được sự ra máu từ điểm mạch trong mũi. Nguy hại hơn cách xử lý này làm cho máu chảy ngược vào bên trong mũi nên không thể kiểm soát được. Có thể sau đó, máu sẽ chảy xuống cổ họng làm cho người bệnh bị sặc và nôn ói. Một lần trên đường đi học về, em Nguyễn Thị Khánh Băng (HS Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) bị té xe đạp. Sợ Băng bị đau và mong vết thương ngưng chảy máu nên chị Thu đã lấy đá trong tủ lạnh ra chườm trực tiếp vào chân cho con. Đây là một cách chữa bệnh sai lầm vì chính đá lạnh làm cho vết thương thêm ướt và khó lành hơn. Tốt nhất là dùng nước muối có khử trùng hay ôxy già để rửa vết thương cho sạch, sau đó dùng bông băng hoặc một miếng gạc để tránh vi khuẩn xâm nhập vào. Lúc này mới có thể dùng nước đá chườm gián tiếp lên vết thương để làm giảm đau.
Không có kinh nghiệm
Như bệnh thủy đậu vào mùa nắng nóng cũng vậy, nếu không biết cách chữa trị thì “cái sảy nảy cái ung”. Mặc dù phải kiêng nước kiêng gió nhưng nói như vậy không có nghĩa là không cho trẻ tắm, không được đánh răng, rửa mặt. Đó là một sai lầm vì nếu không vệ sinh hàng ngày, các móng tay dơ bẩn gãi vào các vết hình tròn phồng rộp sẽ làm cho chúng lây lan nhanh hơn trên cơ thể. Không tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ gây ra ngứa ngáy, mà trẻ càng ngứa ngáy thì lại phải gãi. Càng gãi thì càng bị nhiễm trùng vết thương. Nên cho trẻ tắm nhanh bằng nước ấm, xà bông (tốt nhất là xà bông diệt khuẩn) để giữ gìn cơ thể. Một sai lầm khác luôn được BS nhắc nhở khi chữa bệnh thủy đậu là phụ huynh thường tự mua thuốc kháng sinh về cho trẻ uống tại nhà. Thủy đậu là bệnh do vi rút gây ra và kháng sinh không có tác dụng chữa khỏi bệnh nên việc tự ý mua kháng sinh về uống sẽ đưa đến những hệ quả không tốt, làm cho bệnh kéo dài, nguy hiểm hơn. Tốt nhất là đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất và điều trị theo chỉ định của BS chuyên khoa.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)