Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Sai lầm khi chăm sóc trẻ sốt

Tạp Chí Giáo Dục

Sốt là biểu hiện thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, việc chăm sóc không đúng khi trẻ sốt có thể khiến tình trạng sức khỏe trở nên xấu hơn.

Không được ủ ấm!

Khi trẻ sốt không được ủ ấm; nếu trẻ sốt cao gây co giật phải đưa vào viện ngay – ảnh: T.Tùng

“Rất nhiều trẻ sốt được cha mẹ ủ ấm bằng chăn. Đó là thói quen không đúng, bởi vì khi đó trẻ rất cần được mặc quần áo thoáng mát, nằm trong phòng thông thoáng” – bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) nói. Hiện tượng chân, tay lạnh và trẻ kêu rét chính là thời điểm đang tăng nhiệt độ, đang sốt cao nhất, nhưng lúc này, rất nhiều cha mẹ lấy chăn đắp cho con. Nếu ủ ấm trẻ sẽ khó cho quá trình hạ thân nhiệt. Vì cơ thể giảm nhiệt qua da, nên để hạ sốt, bề mặt da trên toàn cơ thể cần được thở dễ dàng. Cũng vì cơ chế hạ nhiệt như vậy, nên nếu chỉ đắp khăn lạnh ở trán cũng không thể hiệu quả cho việc giảm nhiệt khi sốt cao.
Những cái sai khi dùng thuốc
Việc đo nhiệt độ đúng khi trẻ bị sốt rất quan trọng, nhằm giúp hạ sốt phù hợp, phòng co giật khi sốt cao. Nhiều người sai lầm vì muốn dự phòng sốt cao, nên khi thấy trẻ nóng hâm hấp (khoảng 38 độ C) đã cho uống thuốc chặn. “Hạ sốt như vậy là rất nguy hiểm. Vì khi hết thuốc, lập tức nhiệt độ sẽ tăng rất nhanh và trẻ có thể bị co giật. Và thông thường, ở 38 độ C, cơ thể có thể tự điều chỉnh được. Do đó, chỉ cho trẻ uống hạ sốt khi 38,5 độ C trở lên”, bác sĩ Dũng lưu ý.
Các bác sĩ khuyên, cần đo nhiệt độ chính xác bằng nhiệt kế đo tại nách, trong khoảng 3 phút. Nhớ lau khô sạch vùng nách trước khi cặp nhiệt độ. Đây là cách đo phản ánh thân nhiệt chính xác nên làm. Nhiều cha mẹ thấy trẻ khóc nên chỉ sờ tay lên trán. Cách đo nhiệt độ kiểu ước lượng sẽ không phản ánh đúng tình trạng sốt của trẻ. Bác sĩ Dũng lưu ý: “Trẻ sốt cao có thể bị co giật. Khi đó, nên bế trẻ nằm nghiêng, lau sạch miệng khi có nước dãi để tránh trẻ bị sặc. Lúc này (khi chưa kịp đưa trẻ đến bệnh viện) nếu hạ nhiệt, cần hạn chế dùng thuốc đường uống, vì cũng dễ làm trẻ bị sặc. Tuyệt đối không dùng thuốc an thần để dự phòng co giật do sốt cao, vì chưa có thuốc nào dự phòng được sốt cao co giật như… quảng cáo cả!”. 
Tại thời điểm này, trẻ bị sốt vi-rút đang tăng. Thông thường, với trẻ khỏe mạnh có thể khỏi sau 3 – 5 ngày. Trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt, uống nước hoa quả, giữ vệ sinh cá nhân, hạ sốt đúng hướng dẫn. Cha mẹ cũng cần biết các triệu chứng bất thường để phòng trường hợp sốt do những nguyên nhân khác và có thể gây nguy hiểm, như: trẻ đau đầu (đặc biệt là đau sau khi đã giảm sốt), vật vã, nôn mà không giải thích được lý do (vì, khi sốt trẻ ăn không ngon miệng có thể nôn trớ khi ăn, do thức ăn không phù hợp). Cũng cần theo dõi khi trẻ ho quá nhiều, khó thở vì có thể biến chứng viêm phổi. Sốt kèm theo tiêu chảy nhiều hoặc ngay cả khi trẻ sốt không ho, không nôn, không tiêu chảy nhưng mệt lả cũng rất cần được khám sớm…
Nam Sơn (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)