Chỉ có một vấn đề quan trọng xung quanh câu chuyện “Thánh Gióng tắm ở hồ Tây”, những người biên soạn sách giáo khoa không hiểu tâm lý của trẻ và chưa tuân thủ nguyên tắc xác định mục tiêu chính trong việc đưa ngữ liệu vào sách giáo khoa.
Cần xác định mục tiêu chính khi lựa chọn, đưa ngữ liệu vào SGK để học sinh không lúng túng khi tiếp nhận văn bản – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện sai sót kiểu này. Chính vì vậy, nếu không nhìn đúng bản chất của vấn đề mà sa vào những tranh luận kiểu nội dung văn bản đưa vào không sai, đó là cách nhìn khác, là trí tưởng tượng của tác giả về Thánh Gióng; ngữ liệu đưa vào để kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của học sinh (HS) thì dễ dẫn đến kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”. Và những sai sót kiểu này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Dạy ngữ pháp hay kích thích trí tưởng tượng, lòng nhân văn ?
Theo công văn trả lời báo chí của Nhà xuất bản Giáo dục VN và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Chủ biên sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 5), đoạn văn có chi tiết “Thánh Gióng tắm ở hồ Tây” trong cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5 của Bộ GD-ĐT, được lấy lại từ cuốn Tiếng Việt 5, tập hai (Nhà xuất bản Giáo dục, 2010, trang 86). Đoạn văn trích từ bài viết của nhà văn Nguyễn Đình Thi: “Sức sống của dân VN trong ca dao và cổ tích” (Nguyễn Đình Thi toàn tập, tập IV, Nhà xuất bản Văn học, 2009, trang 148).
Mục tiêu của bài tập là rèn luyện cho HS kỹ năng liên kết các câu trong đoạn, qua đó học hỏi cách sử dụng từ ngữ linh hoạt của nhà văn. Theo lời giải thích này và dựa vào những câu hỏi trong sách hướng dẫn, mục đích của bài tập là nhằm giúp HS biết sử dụng cách liên kết câu bằng từ ngữ thay thế. Nếu với mục đích này thì có thể lấy những ví dụ khác, văn bản khác, càng chân phương, dễ hiểu, tập trung càng tốt.
Đành rằng đây là một trích dẫn hay, có nhiều từ ngữ thay thế theo đúng yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Vỹ, chuyên gia văn học dân gian, giảng viên Khoa Văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, viết trên Báo Dân Trí, đoạn trích này có những thông tin ngữ nghĩa đặc biệt làm lu mờ mục tiêu chính của người làm SGK. Chính trí tưởng tượng bay bổng của nhà văn tạo nên ấn tượng đẹp với người đọc đã khiến người ta chỉ nghĩ đến vấn đề ngữ nghĩa mà quên đi bài học ngữ pháp. Với người lớn đã thế, làm sao tránh được sự thắc mắc, lúng túng nếu có của một HS lớp 5? Một khi HS bị lúng túng do nội dung, sẽ không chú ý đến yêu cầu thật sự của bài nữa.
Đưa ngữ liệu như thế là thất bại. Trong trường hợp này cần chọn những văn bản rõ ràng phục vụ cho một mục tiêu duy nhất, để qua một bên những mục tiêu khác như kích thích trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của HS… Bởi như đã thấy, khi lẫn lộn, xác định không rõ mục tiêu thì sẽ dẫn đến kết quả ngược.
Không thể tùy tiện khi làm ngữ liệu SGK
Trao đổi với những nhà giáo có kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu và viết SGK, chúng tôi được khuyến cáo rằng để đưa một ngữ liệu vào SGK, người biên soạn phải đọc rất nhiều và phải lựa chọn thật kỹ. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng nhớ đâu đưa đó nên dẫn đến việc sử dụng ngữ liệu không phù hợp hoặc sửa đổi tùy tiện.
Chính vì thế, trong thời gian qua đã có nhiều vấn đề liên quan đến việc đưa ngữ liệu vào SGK.
Mới tháng 11 năm trước, dư luận tranh cãi xung quanh đoạn trích bài thơ Thương ông của Tú Mỡ trong SGK Tiếng Việt lớp 2, tập 1 bị thay đổi so với bản cũ. Lúc bấy giờ, cách giải thích của người chủ biên cũng rơi vào sai lầm: lẫn lộn mục tiêu. Nếu nhằm giúp HS hiểu và tiếp nhận được ngôn ngữ thông qua một văn bản, cụ thể là một bài thơ. Vậy thì nếu bài thơ Thương ông không đáp ứng được yêu cầu đó với HS lớp 2 thì sao không chọn một văn bản khác?
Sự bất cẩn này dẫn đến những sai sót “điển hình” như bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân trích dẫn khác nhau ở 2 khối lớp. Tiếng Việt 1, tập 2, trang 163 ghi: “Quê hương là con diều biếc/Chiều chiều con thả trên đồng/Quê hương là con đò nhỏ/Êm đềm khua nước ven sông”. Trong khi đó, Tiếng Việt 3, tập 1, trang 79 ghi “Quê hương là con diều biếc/Tuổi thơ con thả trên đồng/Quê hương là con đò nhỏ/Êm đềm khua nước ven sông”. Trước đó, bài thơ Hành trình của bầy ong của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cũng bị sai một từ khá ngớ ngẩn (“chắt” hóa thành “chất”: Chất trong vị ngọt mùi hương/Lặng thầm thay những con đường ong bay).
Thật ra, nếu chịu khó đọc SGK, dễ nhận ra những sai sót, điều vô lý trong việc trích dẫn, đưa ví dụ.
Đã có lúc, các bậc phụ huynh nêu thắc mắc lên báo rằng tại sao trong sách Tiếng Việt 1, tập 1, nhiều bài đọc danh từ riêng không viết hoa? Hàng loạt ví dụ như: “bé hà có vở ô li”, “dì na đi đò, bé và mẹ đi bộ”, “chị kha kẻ vở cho bé hà và bé lê”… Giải thích điều này, những người làm sách cho rằng vì lúc này HS lớp 1 chưa học cách viết hoa. Vậy tại sao không tìm ví dụ khác không có danh từ riêng để tránh HS lúng túng? Vả lại, đối với HS lớp 1, thật khó để hiểu hết khi sau này giáo viên giải thích vì sao cũng là tiếng này nhưng những trang trước viết thường, trang sau lại viết hoa. Đối với HS bậc tiểu học, ngữ liệu cần đơn giản, dễ hiểu và nhất quán để tránh nhầm lẫn, lúng túng.
Sau năm 2015 sẽ có chương trình, SGK mới. Với chủ trương nhiều bộ SGK, hy vọng người dạy và học có cơ hội lựa chọn những bộ sách hay. Đây cũng là dịp để những người làm SGK thực hiện chỉn chu hơn, không còn tình trạng viết một lèo 12 tiếng cho xong. Cũng là cơ hội để những giáo viên đứng lớp, có nhiều kinh nghiệm, hiểu tâm lý HS tham gia viết SGK tránh tình trạng chỉ những giáo sư nổi tiếng viết nhưng HS không hiểu…
Ý KIẾN
Nên chọn một tác phẩm sáng tạo ở mức vừa phải
Hiện nay, ở tiểu học (nhất là lớp 4, lớp 5) có phần dạy học sáng tạo. HS có thể viết một bài văn mới cho truyện hoặc viết một đoạn văn tạo ra kết thúc mới cho truyện. Việc chọn tác phẩm này vào sách để hướng dẫn các em học tiếng Việt tôi cho rằng cũng phù hợp. Tuy nhiên, lứa tuổi tiểu học các em còn quá nhỏ để chúng ta áp dụng một sáng tạo quá lớn. Nếu được thì nên chọn tác phần thuần đưa vào, hoặc nếu có sáng tạo thì nên ở mức vừa phải.
(Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nghiên cứu về SGK tiểu học)
Chọn ngữ liệu có tính phổ quát, phù hợp nhận thức Trong SGK, ngữ liệu được đưa vào giúp HS nắm kỹ nội dung bài học để đạt mục tiêu giáo dục. Tuy nhiên, nhiều khi có một số ngữ liệu chưa phù hợp với thời điểm HS tiếp cận, với lứa tuổi và với đặc trưng của tiếng Việt… Vì vậy khi đưa vào SGK, người biên soạn nên chọn ngữ liệu có tính phổ biến cao, phù hợp nhận thức.
TRẦN TRỌNG KHIÊM (Phó phòng GD Q.Tân Phú, TP.HCM)
Phải có dẫn giải cụ thể khi trích dẫn Đối với ngữ liệu là trích đoạn văn học thì phải cân nhắc khi lựa chọn. Bởi nhà văn có quyền sáng tạo, có cách dùng ngôn ngữ riêng chứ không tuân thủ theo nguyên tắc ngữ pháp. Như vậy để HS không có sự nhầm lần, hiểu lầm, hiểu sai thì mọi ngữ liệu cần có dẫn giải cụ thể trích ở đâu, của ai…
(Một giáo viên tại Q.Tân Phú)
Bích Thanh – Minh Luân (ghi)
|
Nhiên An (TNO)
Bình luận (0)