Lấy ráy tai là thói quen không tốt, làm mất đi chức năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể, có thể làm tổn thương ống tai.
Bác sĩ Vũ Hải Bằng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết nhiều người có quan niệm sai lầm là cần phải lấy ráy tai. Thực tế ráy tai sinh ra là để bảo vệ ống tai, lót bên trong lòng ống tai giúp duy trì độ ẩm, ngăn ngừa vi khuẩn và vi nấm phát triển. Nếu lấy đi ráy tai sẽ làm mất hàng rào bảo vệ, làm trầy xước ống tai, thủng màng nhĩ, dễ khiến vi trùng, nấm mốc xâm nhập gây viêm ống tai.
"Đặc điểm viêm ống tai là gây ngứa, khi đó càng lấy ráy tai càng có cảm giác đã ngứa nên nhiều người lầm tưởng đây là việc tốt", bác sĩ Bằng chia sẻ. Việc trầy ống tai, tổn thương viêm nhiễm nếu chữa đúng cách ngay từ đầu sẽ không ảnh hưởng nhiều. Ngược lại nếu không điều trị sớm có thể gây tổn thương đến tai giữa, xương chũm…
Nhiều bệnh nhân đến khám vì đau, sưng đỏ tai, hỏi ra thì trước đó một vài ngày có đi hớt tóc lấy ráy tai ở tiệm. Theo bác sĩ Bằng, việc lấy ráy tai ngoài tiệm hớt tóc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể làm tổn thương, nhiễm trùng tai, lây lan viêm gan siêu vi, HIV… Dù nhiều người mang theo bộ ráy tai riêng ra tiệm nhưng chỉ cần tai trái bị nấm thì sẽ có khả năng lây lan qua tai phải.
Nhiều bệnh nhân đến khám vì đau, sưng đỏ tai, hỏi ra thì trước đó một vài ngày có đi hớt tóc lấy ráy tai ở tiệm. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết mỗi ngày bệnh viện có khoảng 5-10 bệnh nhi đến khám vì những khó chịu do ráy tai lấy ra. Trong đó có khoảng 2-3 trường hợp đến gặp bác sĩ vì lấy ráy tai gây rách da ống tai, nấm, nhiễm trùng, mưng mủ, rách màng nhĩ…
Bác sĩ Nguyễn Phan Nguyên, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết nhiều bà mẹ có thói quen sai lầm là mỗi ngày khi tắm xong đều lấy tăm bông ngoáy vào tai trẻ. Điều này vô tình đẩy ráy tai sâu vào bên trong, gây ra nút ráy tai bịt kín tai trẻ. Thỉnh thoảng có thể sử dụng tăm bông để vệ sinh thật nhẹ nhàng bên ngoài, tạo cửa thoáng cho ráy tai bên trong đẩy ra. Chỉ khi nào ráy tai gây ra tình trạng bệnh lý, tích luỹ nhiều quá làm bít tắc ống tai mới cần phải gặp bác sĩ để lấy ra.
Thông thường ráy tai sẽ có cơ chế tự đào thải ra ngoài không cần can thiệp nhưng đối với một số trẻ có dị tật ở ống tai như ống tai quá nhỏ, gấp khúc, lông ống tai quá nhiều, trẻ đeo máy trợ thính, đeo tai phone quá nhiều… có thể làm tích luỹ ráy tai nhiều hơn, gây bít tắc hoàn toàn. Nút ráy tai thường gây triệu chứng viêm ống tai, đau nhức, sưng, tiết dịch mủ, nếu để nặng có thể gây điếc dẫn truyền, nghe kém, chóng mặt, ù tai… Khi đó cần gặp bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám, đánh giá, điều trị phù hợp.
Bác sĩ Nguyên lưu ý thêm, nhiều người sau khi đi bơi thường dùng tăm bông lau tai. Điều này có thể làm trầy xước, tổn thương bề mặt niêm mạc ống tai, dễ khiến vi trùng phát triển, gây viêm ống tai, nhiễm trùng ống tai… Nếu tai bị ướt, nên nghiêng lỗ tai, cầm vành tai nhấc lên nhấc xuống tạo trọng lực cho nước chảy ra ngoài. Có thể dùng vải êm mềm lau nhẹ nhàng bên ngoài, dùng máy sấy tóc bật chế độ thấp để ở xa để giúp làm khô, tuyệt đối không ngoáy vào tai.
Lê Phương/vnexpress.net
Bình luận (0)