Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Sai phạm điển hình ở ngôi trường mang tên Văn Hiến

Tạp Chí Giáo Dục

Tại buổi lễ tổng kết trao bằng tốt nghiệp (ngày 25/7), nhiều em học sinh rất bất bình vì cách hành xử thiếu chữ tín của nhà trườngTừ chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, hệ thống các trường tư thục trung cấp nghề ngoài công lập phát triển khá mạnh ở các địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý trường ngoài công lập còn nhiều điều cần phải bàn.    

Khuôn viên Trường Trung cấp Văn Hiến (Ảnh Internet)

Trường Trung cấp Văn Hiến nằm ở xã Quảng Thịnh – huyện Quảng Xương, giáp thành phố Thanh Hóa. Trường được thành lập từ năm 2007, ban đầu là Trường trung cấp nghề tư thục, đến năm 2009 chuyển đổi thành Trường trung cấp Văn Hiến. Trường chuyên đào tạo về lĩnh vực y – dược, hoạt động theo mô hình ngoài công lập, chịu sự quản lý trực tiếp của Sở GD- ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Ngay từ khi là trường trung cấp tư thục, chưa được phép của Bộ GD- ĐT, không có mã ngành đào tạo, chưa chuyển đổi thành trường trung cấp  nghề chuyên nghiệp, lãnh đạo trường Trung cấp Văn Hiến đã tự ý tuyển sinh, đào tạo. Cụ thể, trường đã tự ý tuyển 563 học sinh hệ trung cấp điều dưỡng và y sỹ đa khoa, tự ra thông báo tuyển sinh, giấy báo nhập học, không báo cáo với bất cứ cấp có thẩm quyền nào.
Điều đáng nói ở đây là trường chưa ký được hợp đồng liên kết đào tạo với các trường khác như Y Phú Thọ, Cao đẳng y Hà Nội.., nhưng vẫn thông báo tuyển sinh và đưa vào chỉ tiêu, thỏa thuận đào tạo học sinh. Trong quá trình tuyển sinh, đào tạo, nhà trường còn đưa ra nhiều khoản thu không đúng quy định. Tại buổi lễ tổng kết trao bằng tốt nghiệp (ngày 25/7) mới đây, nhiều em học sinh rất bất bình vì cách hành xử thiếu chữ tín của nhà trường.
Một số học sinh xin được giấu tên cho biết: “Ban đầu trường hứa liên kết với trường Y Phú Thọ, nay phát bằng trường Văn Hiến là không đúng cam kết; Chúng em ban đầu nhập trường không biết bị thu từ 8-10 triệu đồng mới được giấy nhập học, đó là chưa tính đến các loại thu phí khác phải nộp khi vào trường”.
Được biết, trước lúc thi tốt nghiệp, nhà trường còn ép các em phải ký vào cam kết không lấy bằng liên kết với các trường khác mà phải lấy bằng của trường Văn Hiến. Trong Thông báo số 47 ngày 24/6/2011 của trường Văn Hiến gửi phụ huynh và học sinh ghi rõ: “…Học sinh nào không dự thi lần cuối cùng này sẽ phải tự chịu trách nhiệm về quyền lợi cá nhân. Việc liên kết đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp không được thực hiện ở bất cứ cơ sở nào khác.”  
Về những sai phạm trong quá trình tuyển dụng, đào tạo, ông Nguyễn Đức Tâm, Chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu phó trường Trung cấp Văn Hiến thừa nhận ngay và ông  đổ lỗi này cho đơn vị khác: “Lỗi là do Công ty SAVIVO của Trung ương Đoàn “hứa mồm” nhưưng không thực hiện được nên không liên kết được”.
Bên cạnh những sai phạm trong tuyển sinh đào tạo, để đủ tiêu chuẩn giáo viên theo quy định, nhà trường đã gian lận trong kê khai số lượng giáo viên để mở ngành Trung cấp dược sỹ. Thế mới có chuyện khôi hài là ông Nguyễn Hữu Tĩnh (em ông Tâm) chỉ là nhân viên bảo vệ ở Trường Thương mại Trung ương 5, chưa có bằng đại học vẫn làm chủ nhiệm của hai lớp. Và còn nữa, để che mắt các cơ quan chức năng cho đủ tiêu chuẩn đào tạo, nhà trường khai khống lên cả chục tỷ đồng đầu tư mua thiết bị, đồ dùng giảng dạy, thực chất mới chỉ đầu tư chưa đến 1 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra Số 237 ngày 10/3/2011 của UBND tỉnh và Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Thanh Hoá khẳng định, Trường trung cấp Văn Hiến có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm  ở trường Trung cấp Văn Hiến chỉ dừng lại ở việc nghiêm túc kiểm điểm, phạt hành chính 11 triệu đồng. Không có ai bị xử lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Lê Văn Cương Chánh thanh tra Sở GD- ĐT tỉnh Thanh Hóa nói: “Nghị định 40 xử lý quá nhẹ, chúng tôi kiến nghị  xử lý nặng hơn”.
Trong khi mọi việc nhùng nhằng chưa được giải quyết dứt điểm thì UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 4104 ngày 6/7/2011 đề nghị Bộ GD-ĐT cấp phôi bằng tốt nghiệp cho trường Văn Hiến. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã cấp 560 phôi bằng tốt nghiệp cho trường này, nhưng vẫn còn hơn 200 học sinh đã thi rồi mà chưa được cấp bằng.
Rõ ràng các em đang phải gánh chịu thiệt thòi do cách tuyển sinh tuỳ tiện, sự rêu rao bừa bãi về liên kết đào tạo, cùng thái độ áp đặt trong việc tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng của Trường trung cấp Văn Hiến./.
**Vì sao Trường trung cấp Văn Hiến làm được những điều ngang nhiên như thế? Xung quanh sai phạm của ông Chủ tịch hội đồng quản trị và Ban Giám hiệu trường Trung cấp Văn Hiến, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng còn điều gì chưa minh bạch?
Bài 2: Nhắm mắt đẩy ô-tô theo đèn
 
Theo Mạnh Phương
(VOV)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)