Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Sai sót dễ gặp khi làm hồ sơ ĐKDT

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một số điều chỉnh trong hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tuyển sinh năm nay khiến thí sinh có thể mắc những sai sót nếu không lưu ý.


Giáo viên Trường Trần Đại nghĩa (TP.Cần Thơ) hướng dẫn học sinh làm hồ sơ ĐKDT ĐH-CĐ năm 2012.
Nhầm lẫn mã ngành
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cảnh báo: “Với thay đổi mã ngành tuyển sinh như năm nay, khả năng thí sinh (TS) dễ bị nhầm lẫn dẫn đến sai sót là rất cao. Như mọi năm, mã ngành chỉ có 3 chữ số mà rất nhiều TS vẫn gặp sai sót. Trong khi năm nay, mã ngành vừa có ký tự vừa có chữ số, lại lên tới 6 số nên việc nhầm lẫn càng dễ hơn. Do vậy, TS cần lưu ý thật kỹ chi tiết này để tránh nhầm lẫn đáng tiếc. Tôi nghĩ, bản thân các trường phổ thông cũng cần hướng dẫn kỹ cho các em học sinh”. 
Mục 2 và 3 trong hồ sơ
Cũng theo tiến sĩ Minh, một trong những sai sót mà TS dễ mắc phải khi làm hồ sơ ĐKDT là ở mục 2 và mục 3. Bình thường, TS có  nguyện vọng (NV)1 vào học tại các trường có tổ chức thi cần ghi đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi, mã ngành (hoặc mã chuyên ngành) vào mục 2 của phiếu ĐKDT, mục 3 để trống. Nhưng với TS có NV1 học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc bậc CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các ĐH cần ghi rõ cả mục 2 và mục 3. Trong đó, mục 2 ghi tên trường, ký hiệu trường và khối thi của trường mà TS dự thi (không ghi mã ngành, chuyên ngành). Mục 3 ghi đầy đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi và mã ngành (hoặc mã chuyên ngành) của trường không tổ chức thi hoặc của bậc CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các ĐH mà TS có NV học. Tuy nhiên, việc cần làm trước hết là TS phải tìm hiểu để biết rõ trường nào tổ chức thi và trường không tổ chức thi.
Các đối tượng ưu tiên
Một cán bộ đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, lưu ý: “TS rất dễ nhầm lẫn trong mục đối tượng ưu tiên do không tìm hiểu kỹ. TS hay nhầm lẫn giữa 2 loại đối tượng sau: con thương binh và bệnh binh bị mất sức lao động trên 81% sẽ thuộc nhóm đối tượng 4, dưới 81% sẽ thuộc nhóm đối tượng 6. Trường hợp khác thường nhầm lẫn giữa ưu tiên dành cho bản thân TS và cho cha mẹ TS. Nhiều TS cũng không phân biệt được giữa việc đi bộ đội và làm dân phòng…”.
Theo các chuyên gia, TS cần tìm hiểu rõ thông tin để khai đúng trong hồ sơ nhằm tránh những hệ quả đáng tiếc. Bởi lẽ, khi trúng tuyển nhà trường bao giờ cũng kiểm tra hồ sơ, nếu nhầm lẫn có khi từ đậu thành rớt, hoặc thuộc đối tượng được ưu tiên nhưng không có giấy tờ chứng minh đầy đủ thì đều bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển. Do vậy, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến thầy cô nếu chưa nắm rõ cách khai hồ sơ.
Hà Ánh 
Theo Thanh Niên
Lưu ý khi chọn khối A1
Ngoài các khối thi truyền thống, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 có thêm khối thi A1 (gồm toán, lý, ngoại ngữ). Bổ sung khối thi tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh (TS) thế nhưng nếu không thận trọng, TS rất dễ đánh mất cơ hội của mình.
TS khi có ý định thi khối A1, cần lưu ý những điều sau:
– Nếu không trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 sẽ như thế nào? TS nên tham khảo để tìm những trường có xét tuyển khối A1 trong các đợt xét tuyển tiếp theo. Vì là khối thi mới cho nên không phải  trường nào thi khối A cũng bổ sung khối thi A1. Cho nên, khi lựa chọn khối thi A1, TS hết sức cân nhắc để có thể dùng kết quả lần 1 xét tuyển vào các trường và ngành khác nếu lỡ không trúng tuyển NV 1 vào trường đã đăng ký.
– Bởi khối A1 sẽ thi cùng đợt, cùng đề với TS dự thi khối A nên chọn khối A1 chắc chắn TS sẽ không được dự thi khối A. Thay vì thi môn hóa của khối A thì TS thi khối A1 sẽ thi môn ngoại ngữ. Vấn đề không phải TS nào thi khối A cũng đủ kiến thức môn ngoại ngữ để thi khối A1.
– Nếu thấy khả năng của mình khó trúng tuyển khối A1 thì nên cân nhắc chọn thi khối A, cơ hội xét tuyển các NV tiếp theo sẽ rộng mở hơn.
Tóm lại, khi chọn thi khối A1, TS phải sáng suốt, theo dõi và tìm hiểu kỹ những thông tin về cách thức tuyển sinh của các trường để không đánh mất cơ hội của mình trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Ngô Mã Thiên
(Trường THPT Lê Thành Phương, Phú Yên)
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)