Năm 2014, với hàng loạt những hiệp định thương mại được ký kết cùng những sự kiện đang diễn ra dồn dập trên thị trường bán lẻ nội địa, hàng hóa sản xuất trong nước sẽ chịu nhiều sức ép từ những thương hiệu ngoại.
“Sóng” lớn trên thị trường
Mới đây nhất, việc tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan chi gần 900 triệu USD mua lại các trung tâm Metro tại Việt Nam đã khiến không ít doanh nghiệp nội địa lo ngại. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi sự kiện này diễn ra, nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị thu hẹp quy mô sản xuất do mất thị phần là có thật. Điều này càng có cơ sở khi chỉ vài tháng nữa, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Bắt đầu từ ngày 11-1-2015, theo cam kết khi gia nhập WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Theo chân những nhà bán lẻ quốc tế, rất hùng hậu về vốn và kinh nghiệm vận hành, hàng hóa nước ngoài sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam.
Mua sản phẩm tại khu vực bán hàng Tự hào hàng Việt trong Coopmart Cống Quỳnh. Ảnh: CAO THĂNG
Mặc dù lợi thế sân nhà của chúng ta cũng rất lớn nhưng nếu các doanh nghiệp không sớm liên kết với nhau thì dự báo khả năng suy yếu của hệ thống phân phối hàng hóa trong nước sẽ là điều không thể tránh khỏi. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhanh chóng xích lại gần nhau, nhà phân phối liên kết với nhà sản xuất để xây dựng một quy trình chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó tăng sức cạnh tranh lên nhiều lần.
Những lá cờ tiên phong
Điển hình nhất của việc chủ động tìm kiếm sự liên kết từ các đơn vị sản xuất, kể các các hộ nông dân, là Saigon Co.op. Sau hơn 2 thập kỷ bền bỉ trên thị trường bán lẻ nội địa, đơn vị này được biết đến như nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam với hàng loạt hệ thống phân phối đã trở thành điểm mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng: Co.opMart, Co.op Food, Co.opXtra, cửa hàng Co.op, HTV Co.op, gần đây nhất có Sense City. Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt, từ năm 1997, Saigon Co.op đã tổ chức chương trình “Người Việt Nam và hàng Việt Nam chất lượng cao” với 28 nhà cung cấp nội địa tham gia. Từ năm 2009, chương trình chính thức mang tên “Tự hào hàng Việt”, được tổ chức vào tháng 9 hàng năm với số lượng nhà cung cấp trong nước cùng các sản phẩm thuần Việt tham gia ngày càng tăng. Năm 2014, chương trình “Tự hào hàng Việt” được tổ chức tại 71 siêu thị Co.opMart, 82 cửa hàng Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra với kinh phí hơn 200 tỷ đồng.
Đơn vị này là một trong những nhà phân phối đầu tiên phối hợp với Sở Công thương và Sở NN-PTNT TPHCM và các tỉnh thành khác tham gia vào quá trình sản xuất và bao tiêu những mặt hàng nông sản đạt chuẩn VietGAP. Đây được xác định là nhóm hàng nhạy cảm do yếu tố thời vụ, có đặc tính khó bảo quản và đòi hỏi yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay khi tiến hành chuẩn bị mở rộng mạng lưới phân phối tại các tỉnh thành trên cả nước, Saigon Co.op chủ trương liên kết với các HTX, doanh nghiệp địa phương, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các HTX. Saigon Co.op chủ động đầu tư dây chuyền sơ chế đóng gói rau an toàn với liên tổ sản xuất rau an toàn Ấp Đình thuộc HTX Tân Phú Trung, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm của các đơn vị liên kết.
Bản thân Saigon Co.op cũng luôn cải tiến các quy trình quản lý, vận chuyển, lưu kho… nhằm tiết giảm tối đa chi phí đầu vào. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, hệ thống kho mát, kho đông, xe lạnh chuyên dụng phục vụ công tác cung ứng hàng thực phẩm tươi sống đảm bảo VSATTP. Với những hoàn thiện về chuỗi cung ứng, công tác kho vận như trên, các HTX, nhà vườn, hộ nông dân chỉ cần tập trung vào khâu sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, qua đó nâng cao giá trị nông sản.
Về hoạt động hợp tác của Saigon Co.op, không thể không kể đến sự liên kết chặt chẽ của đơn vị với hơn 600 nhà cung cấp nội địa để xây dựng những mặt hàng mang thương hiệu Co.opMart, SGC. Cái bắt tay này đã tạo ra lợi ích rất lớn cho những nhà sản xuất khi họ đã được giảm hẳn nỗi lo về tìm kiếm thị phần. Sự liên kết chặt chẽ trên đã mang lại những kết quả đáng khích lệ: Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối của Saigon Co.op chiếm đến 90%, riêng ngành hàng thực phẩm tỷ lệ này lên đến 95%.
Tháng 8 vừa qua, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đến thăm và làm việc tại Saigon Co.op. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Saigon Co.op trong việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời yêu cầu Saigon Co.op tiếp tục hỗ trợ các nhà sản xuất thuần Việt, đưa hàng hóa vào bày bán tại các hệ thống phân phối.
Trong giai đoạn hiện nay, không dừng lại giữa các doanh nghiệp mà việc hợp tác, liên kết đã được nâng tầm giữa các tỉnh thành với nhau. Giữ vai trò đầu tàu kinh tế, TPHCM là trung tâm sản xuất, phân phối, trung chuyển, tiêu thụ hàng hóa sôi động với quy mô thị trường chiếm hơn 25% của cả nước. Vì vậy, việc giữ ổn định thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Với nhận thức đó, TPHCM đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại với các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Kết thúc năm 2013, có 277 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa nhà sản xuất và hệ thống phân phối, lũy kế từ năm 2012 đã có tổng cộng 425 hợp đồng được ký kết. Nội dung ký kết chủ yếu là tiêu thụ hàng nông sản, đặc sản của các địa phương tại thành phố và cung ứng con giống, thực phẩm chế biến của DN TPHCM tại các tỉnh, thành.
Trong thời gian này, tại các siêu thị Co.opMart và Co.opXtra đang trưng bày hàng hóa dưới hình thức mô phỏng cột mốc chủ quyền biển đảo. “Đây là khái quát của sự gắn kết chặt chẽ giữa Saigon Co.op và các doanh nghiệp nội địa, một lòng vì sự lớn mạnh của hàng Việt và lợi ích của người Việt. Đồng hành cùng hàng Việt cũng là hành động thiết thực để tất cả chúng ta cùng chung tay góp sức xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự chủ tự cường, tăng cường tiềm lực kinh tế nước nhà trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op chia sẻ.
TRANG TRẦN
(SGGP)
Bình luận (0)