Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Samsung đầu tư vào startup Việt ứng dụng AI hỗ trợ giấc ngủ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ngày 21/6, hàng loạt báo quốc tế như: Yahoo Finance, Tech in Asia, Deal street Asia, The Guru… đưa tin về việc Samsung Ventures đầu tư tài chính vào Công ty Earable Neuroscience làm về ứng dụng AI hỗ trợ giấc ngủ.
Hai bên không tiết lộ số tiền đầu tư nhưng Samsung Ventures cho biết, qua lần đầu tư này, Samsung Ventures hướng tới mục tiêu sẽ hỗ trợ Earable Neuroscience mở rộng thị trường trên toàn cầu, bao gồm cả thị trường Hàn Quốc. 
Đại diện Samsung Ventures cho biết: “Chúng tôi đã nhận ra tiềm năng lớn của FRENZ® Brainband bởi công nghệ lõi tiên tiến mà công ty này đang nắm bản quyền. FRENZ® Brainband là sản phẩm tiên phong trong ngành công nghệ giấc ngủ với khả năng khai mở sức mạnh não bộ”.
Theo Yahoo Finance, việc đầu tư tài chính lần này cho thấy Samsung Ventures đã nhận ra tiềm năng của sản phẩm FRENZ® Brainband của Earable® trong việc ứng dụng công nghệ cao vào giấc ngủ. 
Yahoo Finance dẫn lời Tâm Vũ, CEO của Earable: “Từ những ngày đầu thành lập, tầm nhìn của chúng tôi là mang ứng dụng của khoa học thần kinh tới gần với cuộc sống của con người. FRENZ® Brainband là sản phẩm như vậy. Cảm biến tiến tiến của FRENZ® hiểu được chính xác trạng thái não bộ của người dùng theo thời gian thực, từ đó AI sẽ cung cấp các nội dung âm thanh được cá nhân hoá phù hợp với từng người. Thiết bị này sẽ là chìa khóa để khai mở tiềm năng não bộ, bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng giấc ngủ.”
Giáo sư Vũ Ngọc Tâm, CEO Công ty Earable® là người Việt thành danh trên đất Mỹ, từng là một trong những giáo sư trẻ nhất tại Đại học Colorado (Mỹ) và sau này là Đại học Oxford (Anh).
Trang Tech in Asia cung cấp thêm thông tin, FRENZ® của Earable có tới 15 bằng sáng chế tại Mỹ. Trước đây công ty này đã gọi vốn thành công số tiền 6,8 triệu USD từ các quỹ đầu tư đình đám như Founders Fund, Smilegate Investment, 500 Startup… Earable đang có kế hoạch gọi vốn Series A vào quý 4 năm 2023. 
Công ty Earable® được thành lập bởi Vũ Ngọc Tâm – cựu sinh viên/giảng viên Đại học Bách Khoa, sau này là giáo sư Đại học Colorado (Mỹ) và Đại học Oxford (Anh quốc). Với 9 năm nghiên cứu, phát triển và sở hữu tới 15 bằng sáng chế toàn cầu, Công ty Earable Neuroscience đang dần khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực khoa học thần kinh. 
Công ty cũng nhận được một số giải thưởng uy tín như CES Innovation in Wearables 2023, Red Dot Design Awards 2023. Thiết bị FRENZ® cũng đã được nhắc tới trên các phương tiện truyền thông nổi tiếng như BBC, Bloomberg, Mashable và Reviewed.com
Theo Hiệp hội Ngủ Hoa Kỳ (American Sleep Asscociation), đang có một đại dịch về giấc ngủ chỉ thua kém đại dịch Covid-19 về mức độ ảnh hưởng. Người bình thường nếu mất hơn 30 phút để chìm vào giấc ngủ, chứng tỏ sức khỏe giấc ngủ của người ấy đang gặp vấn đề. Các hỗ trợ y khoa sẽ phải can thiệp, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tới các cơ sở y tế.
Earable Neuroscience ra đời với mong muốn ứng dụng các nghiên cứu về não bộ vào trong đời sống hàng ngày, từ đó mang tới những lợi ích cụ thể cho cộng đồng. Sau khi phát triển và nghiên cứu, sản phẩm của Earable NeuroScience không chỉ đo lường chính xác, mà còn là một chiếc tai nghe thông minh với thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) giúp chọn lựa âm thanh phù hợp với từng trạng thái não bộ mỗi người. Lao vào giải bài toán khó, sản phẩm của Earable tập trung vào việc cải thiện giấc ngủ, hướng tới xây dựng một nền tảng công nghệ về khoa học não bộ. 
FRENZ Braindband – thiết bị thông minh giúp đo lường trong thời gian thực các chỉ số sóng não và chỉ số cơ thể, từ đó tác động trực tiếp bằng âm thanh thông qua loa truyền âm qua xương, giúp người dùng ngủ nhanh hơn, ngon hơn, sâu hơn, hoặc cũng có thể dùng cho mục đích thư giãn, tăng khả năng tập trung khi làm việc. 
FRENZ Braindband là sản phẩm đầu tay của Earable Neuroscience, phải qua 8 đợt thay đổi toàn bộ mẫu mã, thiết kế và thử nghiệm thực tế trên 1.250 người, đến nay đã bước vào giai đoạn sản xuất thương mại. Thông số kĩ thuật cho thấy, với FRENZ Braindband, 87% người thử nghiệm cải thiện được vấn đề về giấc ngủ, giúp người bệnh ngủ nhanh hơn, giảm thời gian đi vào giấc ngủ trung bình chỉ 19 phút.
Thái Khang (theo vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)