Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

“Săn” cá sách đỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Ghe “săn” cá chìa vôi cập bến Mương Chuối, huyện Nhà Bè
Hơn chục năm trước, về huyện Nhà Bè thường được nghe các lão ngư kể những chiến tích săn cá chìa vôi. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Bây giờ, về đây chỉ được nghe và chứng kiến những chuyến đi “săn” cá lắm rủi ít may.
“Cá vàng”
Quãng ấy, tin về một lão ngư với hơn 40 năm sống bằng nghề đánh bắt và câu cá trên sông Lòng Tàu – Nhà Bè giăng lưới bắt được con cá chìa vôi nặng gần chục ký đã mở ra cánh cửa hy vọng cho nhiều người từ khắp nơi về “săn” cá khủng. Chìa vôi thuộc loài hiếm, lại nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe nên giá khá cao, từ 1,7 đến 2,2 triệu đồng/kg.Theo kỹ sư Lê Thanh Tịnh, Trung tâm Nghiên cứu nhân giống và nuôi trồng thủy sản miền Nam, cá chìa vôi sống ở sông Nhà Bè cung cấp nhiều đạm, ít chất béo, nhiều vitamin như B6, khoáng chất, sắt… giúp tạo hồng cầu và kích hoạt hệ miễn nhiễm.
Ông Nguyễn Xuân Nghị, nông dân ở thị trấn Phú Xuân cho biết cá chìa vôi chỉ sống ở vùng nước xoáy, lợ. Đó là nơi hợp lưu của sông Sài Gòn và Đồng Nai. Chính vì thế, việc săn bắt cá chìa vôi cũng được chuẩn bị rất công phu, từ trang bị xuồng, lưới và cả lương khô cho người đi “săn”. Cá nặng từ 1,5kg trở lên có giá rất cao. Nhiều năm trước đây, ở Nhà Bè có quán Sông Quê, Vườn Xoài, Sông Trăng… là địa điểm thu mua cá chìa vôi để chế biến các món gỏi, cháo… Người sành ăn có thể bỏ ra bạc triệu để được thưởng thức món bao tử cá chìa vôi luộc hoặc hấp. Đến đây vào thời điểm này, có chăng chỉ là những con chìa voi bé tẹo, cân nặng không quá 1kg nhưng giá cũng thuộc loại “khủng”. Vì giá cao nên nhiều người không gọi cá chìa vôi mà thường gọi là “cá vàng”.
Biết trước chuyến đi “săn” ít may nhiều rủi, song nhiều người vẫn hy vọng. Ông Nghị nói: “Chỉ cần bắt được một con, nằm bờ sống cả tháng”. Dù thời hoàng kim của nghề đã qua nhưng anh Trần Vinh, chủ vựa hải sản ở chợ Xóm Chiếu, quận 4 cũng mạo hiểm trang bị cho mình mớ đồ nghề “săn” cá có giá trên chục triệu đồng. Đó là chưa kể những chuyến đi “săn” phải thuê xuồng máy lớn có cả người lái thông thạo các luồng tàu bè đi qua. Đồ nghề bắt cá chìa vôi chủ yếu là lưới, loại lưới thả sâu từ 3 đến 5m nước mới bắt được cá. “Có rất nhiều người bắt được cá chìa vôi nặng từ 3-5kg nhưng họ giấu nhẹm, âm thầm đến bán cho các nhà hàng, quán ăn”, ông Vinh quả quyết.
Ông Nghị sinh ra trong một gia đình có đến 3 đời theo nghề đánh bắt trên sông Đồng Nai, Nhà Bè và Cần Giờ. Nhờ những năm tháng lênh đênh sông nước, nói đến cá chìa vôi ông rành sáu câu: “Cá chìa vôi có thân hình giống cá điêu hồng, tuy nhiên thân cá dày và vảy có màu vàng óng rất đẹp, thịt cá thơm dai. Cá chìa vôi có vũ khí tự vệ là vây lưng. Khi cá lớn, vây lưng sẽ phát triển thành xương dài và cứng, còn gọi là chìa. Ngày trước, người ăn trầu thường dùng xương này để quệt vôi ăn trầu nên có tên gọi là cá chìa vôi”. Ông Nghị lại say sưa như một nhà khoa học thực thụ: “Cá chìa vôi đực cũng có thể đẻ con. Sau khi giao phối, cá chìa vôi cái chuyển trứng đã thụ tinh sang cơ thể cá đực và nuôi dưỡng trong mạch máu đến khi chúng thành cá con”.
Cá chìa vôi “kêu cứu”

Con cá chìa vôi nặng 1,5kg

“Săn được con cá bán hơn chục triệu đồng mà ai không ham. Nếu không có cá chìa vôi thì ít ra cũng kiếm được vài ký cá khác, coi như bù lại tiền chi phí, chỉ bỏ công ra thôi. Nói thì nói vậy chứ phó thác thân mình trên sông nước nguy hiểm lắm, nhất là những ngày mưa gió. Hơn nữa, hôm nào bị tàu bè đi ngang kéo đứt hoặc mất lưới thì đi toi tiền triệu như chơi”, Nguyễn Văn Út (xã Long Thới, Nhà Bè là một thợ săn cá chìa vôi chuyên nghiệp) tâm sự.
Cách đây không lâu, con cá chìa vôi nặng tròm trèm 10kg được một ngư dân địa phương bắt được bán cho nhà hàng với giá trên 15 triệu đồng. Từ dạo ấy, ngư dân khắp nơi kéo về “săn” cá chìa vôi nhưng chỉ bắt được những con cá nhỏ, từ 1kg trở xuống. Sông Nhà Bè trở nên im ắng khi nhiều chuyến đi “săn” không thành. Ông Nghị cho biết thêm, người săn cá chìa vôi đã thưa dần từ hai năm nay nhưng mới đây, tin đồn bắt được cá gần chục ký đã khiến nhiều người quay trở lại, không chỉ ngư dân mà cả những người vì hiếu kỳ cũng lập thành nhóm thuê xuồng đi “săn”.
Ông Nguyễn Văn Chanh, ngụ tại khu phố 5, thị trấn Nhà Bè nói: “Cách đây từ 10-15 năm, việc săn bắt cá chìa vôi là không khó. Thường mỗi mẻ lưới bắt được từ một đến hai con nhưng không lớn lắm. Gần đây, sông Nhà Bè, Cần Giờ ô nhiễm nặng do tràn dầu, các nhà máy xả chất thải nguy hại trực tiếp xuống nên loài cá quý này cũng không còn khả năng sinh sản. Thêm vào đó là nạn đánh bắt bừa bãi, không ai kiểm soát nên loại cá quý hiếm này ngày càng bị tận diệt”.
Sách đỏ Việt Nam có ghi danh họ cá chìa vôi, trong đó có 8 loài cần được bảo vệ. Thông tư số 02 ngày 20-3-2006 hướng dẫn thực hiện nghị định 59 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản, ghi tên 21 loại thủy sản bị cấm đánh bắt, trong đó có cá chìa vôi. Do đặc thù chỉ sông Nhà Bè mới có cá chìa vôi, bị săn bắt ráo riết khiến loài cá này trở nên khan hiếm.
Trong khi các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đang đầu tư nghiên cứu, thuần dưỡng cá chìa vôi và tiến hành các thí nghiệm để đàn cá sinh sản nhân tạo thì hoạt động đánh bắt cá lại ráo riết trên lưu vực sông Nhà Bè. Viện cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự tận diệt cá chìa vôi tại đây nhưng xem ra vẫn không có kết quả.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)