Nếu mặc định thế giới “chân dài” nằm ở… kinh đô thời trang hay điện ảnh thì bạn đã bỏ lỡ những “chân dài” một thế giới khác.
Ở thế giới ấy, không ồn ào sôi nổi bằng, nhưng cũng chẳng kém phần lặng lẽ, họ – “những cô gái chân dài” âm thầm toả sáng để trở thành “những cô gái vàng”, mang vinh quang về cho đất nước. Nhưng, đó là kết quả của cả một quá trình gian nan rất nhiều, và thử thách cũng lắm…
Thầy – gian nan công sức
Khi xem một trận bóng chuyền hay bóng rồ, hẳn bạn cũng âm thầm ngưỡng mộ những đôi chân dài, mạnh mẽ và thoăn thoắt trên sàn tập. Nhưng không ai biết rằng, để có được đội hình đẹp như mơ ấy, các huấn luyện viên (HLV) phải vất vả đi “săn” bằng chính khả năng thuyết phục của mình…
Một HLV bóng chuyền khi vừa thoáng thấy một “kẹp tóc” cao kều cỡ 1m73 thong thả chạy bộ ở trung tâm TDTT Tân Bình, vội vàng chạy đến với nhã ý mời vào đội năng khiếu. Sau một hồi nói “ráo nước miếng”, anh chỉ nhận nụ cười nhoẻn kèm cái lắc đầu: “Em chỉ chạy bộ cho khoẻ, còn theo bóng chuyền gia đình em không chấp nhận đâu, vì bố mẹ chỉ muốn em sau này làm tiếp viên hàng không thôi”.
HLV Ngọc Linh (trưởng bộ môn bóng chuyền Tân Bình) than thở không nơi đâu nhiều “kẹp tóc” có chiều cao lí tưởng như ở TPHCM nhưng thuyết phục các em vào đội rất khó, vì đa số các “chân dài” chỉ tập thể thao nhẹ nhàng với mục đích… giữ “phọt” để sau này làm… diễn viên hoặc người mẫu. Chưa kể “Nhiều lúc, người đi đường không hiểu, thấy mình đuổi theo “ngắm nghía” các em kĩ quá nên nói bóng gió xỏ xiên cũng quê ghê lắm”. Các anh tâm sự.
Khó khăn là thế nhưng các HLV “lò” bóng chuyền Tân Bình, “lò” bóng rổ sân Tao Đàn chẳng hề nản chí. Các anh xuống tận các trường học trong TP, rải “ăng -ten” khắp nơi với hi vọng “biết đâu nhân tài đang lẩn khuất đâu đó”. Chưa hết, khi “chân dài” Sài Gòn đã bắt đầu khan hiếm, các HLV quyết định chuyển hướng về vùng sâu, vùng xa như Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang….
HLV Nguyễn Văn Phi (Q.1) kể lần đầu đi tuyển ở Hậu Giang, mặc dù được người quen “khuyến cáo” từ trước nhưng anh vẫn “tự ái một cục” suýt bỏ về khi bị các phụ huynh “quay như dế”. “Căng” hơn nữa khi một phụ huynh “cảnh giác” nói thẳng: “Ai mà biết mấy ông đem con tui đi đâu. Có khi… bán không chừng!”.
Với những tình huống khá “nhạy cảm” như thế, các HLV phải vận động từ chiêu năn nỉ, đến chiêu tình cảm, cả những lời hứa bảo đảm “chịu hoàn toàn trách nhiệm về tương lai và chuyện học hành các em”, các phụ huynh mới “mềm lòng”. Sau khi được gia đình chấp nhận rồi, các HLV còn bao xe, đưa gia đình các bạn lên trung tâm để tận mắt xem xét nơi ăn chốn ở và điều kiện tập luyện đến chừng nào phụ huynh “ưng cái bụng” mới thôi.
Cuối cùng thì công sức của các HLV đầy tâm huyết với bóng chuyền bóng rổ TP cũng đã được đền bù xứng đáng.
Giờ đây, CLB bóng rổ Tao Đàn rất tự hào với dàn “chân dài” mười lăm bạn chỉ mới 15-16 tuổi nhưng có chiều cao trung bình trên 1m70, đặc biệt có những bạn trên 1m75! Còn các HLV Tân Bình thì vừa vui mừng “chào sân” một đội hình mười sáu “kẹp tóc” 15 tuổi cao “như tre miễu” khiến ai thấy cũng phải …ngước nhìn !
Các HLV Hảo, Linh tâm sự: “Đưa các em xa vòng tay gia đình để lên phố thị theo nghiệp thể thao, chúng tôi gánh một trách nhiệm rất lớn, vừa làm thầy vừa thay cha mẹ để các em sau này không chỉ thành danh mà còn nên người”.
Trò – Thử thách đam mê
Với trò, hầu hết đang ở “tuổi ăn, tuổi lớn”, chấp nhận rời xa vòng tay cha mẹ để khăn gói lên Sài Gòn theo nghiệp thể thao là cả một sự hi sinh lớn. Đến từ ấp Vĩnh Tường (Vị Thuỷ, Hậu Giang), đôi bạn Huỳnh Thị Ngoan và Huyền Trang khi về đầu quân cho CLB Tao Đàn đã lo lắm, vì TP đông đúc đến ngạt thở còn bước ra sân tập cũng “choáng” vì chưa biết …bóng rổ là gì. Nhiều đêm cả hai ôm nhau khóc rấm rứt vì nhớ nhà. Ở quê, cả hai đều là con út nên rất được cưng và cũng chưa từng bước ra phố thị. (Có một điều trùng hợp thú vị, trong đội bóng rổ CLB Tao Đàn mười sáu bạn thì có hơn một nửa là con út). HLV Phong Hảo tiết lộ những ngày đầu các anh cực kì vất vả vì đụng chuyện gì hơi “tế nhị” một chút thì y như rằng các “cục cưng” thi nhau …khóc nên các HLV phải sử dụng hết các “chiêu” từ động viên đến ..năn nỉ các bạn mới biết cười trở lại.
Ở đội bóng chuyền Tân Bình, thương nhất là cô bạn mới tròn 16 tuổi Lê Hồng Phượng Quí. Là con Út trong gia đình nông dân ở huyện Càn Long, Trà Vinh, Quí chẳng biết bóng chuyền là gì, nhưng ba mẹ xem tivi thấy các chị đội tuyển Việt Nam chơi hay, giành nhiều thành tích nên gạt nước mắt khuyên con đi để sau này có tương lai hơn.
Theo con gái lên trung tâm được vài lần, khi trở về chỉ mấy hôm, bất ngờ mẹ Quí mất. Trở lại trung tâm, Quí đã khóc rất nhiều nhưng được bạn bè và các thầy động viên, bạn đã không buông xuôi mà càng cố gắng lao vào tập luyện để nguôi ngoai nỗi đau. Quí tâm sự: “Tụi mình ở đây đều xa gia đình nên thương nhau lắm, động viên nhau tập thật tốt, học thật giỏi để sau này có được tương lai như mong ước của mẹ lúc còn sống”.
Không phải “chân dài” nào cũng có sức chịu đựng và quyết tâm như Quí đâu. Không ít bạn chỉ sau một thời gian chịu không nổi áp lực tập luyện, học hành, kỉ luật như “lính” nên nằng nặc đòi về quê. Cách đây không lâu, một “chân dài 1m75” khác sau khi bị bạn lên thăm, hỏi “sao đen quá vậy?” cũng …tự ái xách gói về quê khiến các HLV “đứt từng khúc ruột”.
Niềm vui từng… centimet
Bạn Huyền Trang kể, vừa rồi về quê, bạn bè bà con trong xóm kéo tới nhà hỏi han: “sao mà cao lên dữ vậy”? Lúc mới vào đội bóng rổ CLB Tao Đàn, bạn chỉ khoảng 1m70 thì hiện nay giữ kỉ lục “chân dài” nhất đội với chiều cao 1m76! HLV Phong Hảo tiết lộ nhờ chế độ dinh dưỡng đầy đủ cùng với chế độ tập luyện, ngủ nghỉ hợp lí nên “chân dài” nào cũng “vọt” lên chỉ sau một thời gian ngắn.
Các “chân dài” bóng chuyền Tân Bình cũng thế, chỉ chưa đầy hai tháng, ai cũng “nhổ giò” thêm vài cm! HLV Ngọc Linh bảo, không chỉ theo dõi các em tiến bộ về chuyên môn, mỗi lần đo “chân cẳng”, thấy học trò cao lên thì HLV “mừng như trúng số”, vì các bạn càng “nhổ giò”, con đường trở thành vận động viên chuyên nghiệp càng rộng mở.
Và giấc mơ đổi đời
Bên cạnh việc tập luyện hàng ngày, giữ đúng lời hứa, các HLV tạo điều kiện tối đa cho các bạn ăn ở và học văn hoá. Bạn nào muốn học buổi tối thì được sắp xếp vào ở trung tâm Giáo dục thường xuyên, còn học chính qui thì mỗi sáng vẫn cắp sách đến trường công lập. HLV Ngọc Linh tâm sự: “Chúng tôi thương các em còn hơn con ruột. Ví như em nào không theo nổi nghiệp thể thao thì cũng phải tìm hướng ra sao cho có tương lai hơn trước…”.
Rảnh lúc nào, các “chân dài” lại nhảy lên cân đo rồi “hê” lên cho bạn bè cùng chia sẻ niềm vui cao thêm từng… cm.
Các chân dài khoe: “Bây giờ tụi mình không chỉ trưởng thành lên rất nhiều bằng cuộc sống tự lập mà nhiều bạn còn chắt chiu số tiền bồi dưỡng hàng tháng cho vận động viên năng khiếu trọng điểm để gửi về nhà giúp bố mẹ nữa đó”. “Chân dài” Huyền Trang tâm sự, tháng trước khi nhận được số tiền dành dụm của bạn, ba mẹ cảm động đến rơi nước mắt.
Mới đây, fan bóng rổ nhà thi đấu Q.4 đã ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được chứng kiến dàn “chân dài” CLB Tao Đàn trẻ măng, cao nhồng “thử giò” cùng những đội đàn chị mạnh nhất nhì TP tranh giải Giải vô địch bóng rổ Q.4 mở rộng -2008. Với lối chơi được mọi người khen ngợi “hết sức chuyên nghiệp, các “chân dài” CLB tao Đàn đã lên ngôi vô địch.
HLV Phong Hảo cười sung sướng: “Thế hệ “chân dài” mà chúng tôi nhọc công tìm kiếm và dốc hết tâm huyết chính là những hạt giống tốt góp phần đưa thể thao TP tiến xa hơn.”. Còn các “chân dài” cười toe: “Thể thao TP đã giúp tụi em trưởng thành nên càng phải ráng khổ luyện hơn nữa vì tương lai phía trước…”.
Theo Hiếu Nghĩa – Mực Tím
Bình luận (0)