Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sân chơi cho học sinh ngày càng “teo tóp”

Tạp Chí Giáo Dục

 

Từ lâu lắm rồi, ngành giáo dục đã bỏ quên vấn đề “chơi” mà chỉ chú trọng vấn đề học. Cuộc vận động trường học thân thiện, học sinh tích cực được cho là “người gỡ nút thắt” cho vấn đề chơi và học của ngành giáo dục. Nhìn các em háo hức tham gia các trò chơi do mình và các thầy cô giáo “sáng tạo” ra, ai cũng nhận thấy, muốn các em học tốt phải cho các em chơi.
Các điểm vui chơi dành cho trẻ em của thủ đô Hà Nội trong mấy năm qua vẫn trong tình trạng “án binh bất động”. Hai công viên dành cho trẻ em của thủ đô là Công viên Lê-nin và Vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội) từng là biểu tượng của thiếu nhi, không chỉ thu hút các em nhỏ của Hà Nội mà vào mỗi dịp lễ Tết nó còn đón tiếp rất nhiều trẻ em ở khắp các tỉnh thành về tham quan, vui chơi. Nhưng phải đến gần mười năm nay, các loài thú quý hiếm “trưng bày” ở Vườn thú Thủ Lệ vẫn vậy, thậm chí ngày một ít đi. Choáng ngợp trong vườn thú là các trò chơi thu tiền, các hàng quán rong ăn uống la liệt. Cung Thiếu nhi Hà Nội vốn được xem là chiếc nôi đào tạo năng khiếu cho thiếu nhi thủ đô, ngoài bổ sung các môn học mới lạ cho trẻ em trong năm nay như: Trại hè xanh, Học kỳ trong quân đội, kỹ năng sống… thì cung có bổ sung thêm một số trò chơi cho thiếu nhi như lắp ráp, đu quay hào hoa, ếch nhảy, tàu hỏa trượt dốc… Do diện tích sân chơi còn chật hẹp nên đã hạn chế việc lắp đặt các trò chơi hiện đại, trò chơi lớn trong khi nhu cầu vui chơi của trẻ em đến đây tăng rất mạnh trong mùa hè.
Theo ông Lê Quang Tuấn, Phó giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội thì dù đã tận dụng tối đa cơ sở vật chất, huy động thêm 300 cộng tác viên, tăng ca học cả buổi tối cho 64 bộ môn nhưng cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu sinh hoạt hè, vui chơi, giải trí cho các cháu. Số lượng điểm vui chơi của Hà Nội ít, cơ sở vật chất xuống cấp, lỗi thời nhưng vẫn thu hút rất đông trẻ em sử dụng vì không còn chỗ nào tốt hơn.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 2.184 điểm vui chơi dành cho trẻ, trong đó chỉ có 36% số điểm có trang thiết bị, nhưng hầu hết đã hư hỏng, xuống cấp. Thường thì các khu vui chơi của trẻ chỉ là những bãi đất trống trơn, hoặc chỉ dăm ba đu quay, cầu trượt, trẻ chỉ nô đùa vài phút đã thấy chán.
Thầy Trần Đăng Hoành, giáo viên thể dục của Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội) cho biết, do điều kiện sân trường không đủ mặt bằng nên không phải trò chơi nào học sinh cũng chơi được nhất là các trò chơi động. Hoàn Kiếm là một quận trung tâm của thủ đô Hà Nội. Câu chuyện tấc đất, tấc vàng ở đây không có gì là lạ. Chính vì vậy mà nhiều trường trên địa bàn quận tuy chất lượng dạy cực tốt nhưng vẫn không thể đạt chuẩn quốc gia do thiếu mặt bằng. Trước những khó khăn này, ông Đào Hoài Văn, chuyên viên Phòng Giáo dục quận Hoàn Kiếm cho biết đưa trò chơi dân gian, sinh hoạt tập thể vào trường học là một chủ trường đúng và phù hợp. Tuy nhiên, áp dụng như thế nào là tùy điều kiện của các trường. Phòng chỉ chỉ đạo trên tinh thần chung của ngành giáo dục.
Nghiêm Huê

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)