Sự kiện giáo dụcTin tức

Sân chơi cho trẻ: Chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Trường dạy lái xe tại KizCiti giúp trẻ hiểu được cơ bản khi tham gia giao thông và đây cũng là một sân chơi cho trẻ

TP.HCM hiện có khoảng 1,7 triệu người thuộc độ tuổi dưới 16. Trong đó, trẻ em bậc tiểu học (từ 6-12 tuổi) rất cần sân chơi. Tuy 24 quận, huyện của thành phố đều có nhà thiếu nhi với chức năng tổ chức các hoạt động vui chơi nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Nhiều nhưng vẫn thiếu
TP.HCM được xem là đô thị có nhiều cơ sở văn hóa, thể thao và địa điểm vui chơi, giải trí nhất nước. Thế nhưng trên thực tế vẫn tồn tại khá nhiều bất cập. Trong khi các điểm vui chơi cho trẻ ở khu vực nội thành bị “dồn” vào những không gian “khiêm tốn” thì ở ngoại thành, đa phần sân chơi chưa được đầu tư chu đáo về cơ sở vật chất và thiếu người tổ chức, hướng dẫn.
Vì sự phát triển toàn diện của trẻ, các trường học trong nội thành luôn cố gắng tạo sân chơi cho học sinh nhưng diện tích thường rất eo hẹp vì quỹ đất không có. Một số trường mầm non còn tận dụng những hành lang nhỏ hẹp để trẻ luân phiên chơi trong giờ giải lao.
Dễ thở hơn về diện tích, đến lượt các khu vui chơi ở ngoại thành “nhăn mặt” vì đa phần chỉ được trang bị những đồ chơi đơn giản như: cầu trượt, đu quay… nên không đủ sức thu hút trẻ. Những loại đồ chơi giúp phát triển trí tuệ, khơi dậy sự sáng tạo, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sống được liệt vào danh sách “xa xỉ” bởi thiếu vốn đầu tư. Vì thế mà trong khi các bậc phụ huynh loay hoay đủ cách mới tìm được cho con một địa điểm vui chơi đúng nghĩa hoặc phải chi ra tiền triệu để các em tham gia vào những kỳ sinh hoạt hè thì nhiều chương trình hoạt động ở các nhà văn hóa quận, huyện vẫn lay lắt do thiếu người hưởng ứng. Sở dĩ hoạt động ngoại khóa của các nhà văn hóa kém hấp dẫn vì chương trình từ năm này qua năm khác vòng vòng chỉ là các lớp bồi dưỡng năng khiếu, luyện chữ đẹp, một vài cuộc thi văn nghệ… với nội dung không có gì mới. Hơn thế nữa, khi tham gia vào các lớp học này các em phải thi đầu vào và đầu ra. Phụ huynh cứ nghĩ con em mình sẽ được thư giãn đầu óc nhưng đâu ngờ các em đang bước vào học kỳ thứ ba, thứ tư tại đây.
Chính vì thiếu những sân chơi lành mạnh, bổ ích mà nhiều trẻ em thành phố chỉ biết giải trí bằng các trò chơi trên máy tính. Chị Nguyễn Ái Phương, phụ huynh em Trần Công Trọng (Trường THCS Trần Quốc Toản – Q.9) tâm sự: “Tôi rất muốn cho con đến nhà văn hóa để tham gia những trò chơi vận động và mang tính giáo dục. Nhưng đáng buồn là các sân chơi gần như vắng bóng. Ngoài những lớp học đàn, vẽ, hát… bọn trẻ chẳng còn gì để tham gia khi rảnh rỗi”. Trăn trở của chị Phương cũng chính là nỗi lo của rất nhiều bậc làm cha mẹ hiện nay.
Tín hiệu đáng mừng
Hưởng ứng Chương trình hành động vì trẻ em năm 2011, TP.HCM đã cho triển khai xây dựng 10 khu vui chơi, giải trí mới. Tính đến cuối tháng 10-2011, đã có 5 công trình hoàn thành, được đưa vào hoạt động bao gồm: Công viên Phú Lâm (Q.6); Trung tâm sinh hoạt Thanh thiếu niên huyện Nhà Bè; Công viên Văn hóa xã Bình Chánh; Nhà Thiếu thi huyện Cần Giờ, và khu vui chơi thiếu nhi trong Công viên 23-9 (Q.1). Ngoài ra có 4 công trình khác đang được khẩn trương xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm nay. Đó là những khu vui chơi trong các công viên: Tao Đàn (Q.1), Gia Định (Q.Phú Nhuận), Lê Thị Riêng (Q.10) và Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố tại Q.Gò Vấp.
Một sân chơi nữa của thành phố dự kiến cũng sẽ được khai trương vào tháng 12 này. Nằm trong Khu công viên Khánh Hội (Q.4) với tổng diện tích gần 20.000 m2, KizCiti – sân chơi hướng nghiệp đầu tiên tại Việt Nam – được ví như một thành phố thu nhỏ, hiện đại và an toàn dành cho các bạn nhỏ từ 3-15 tuổi.
Đến với KizCiti, các em sẽ được hóa thân thành người lớn để khám phá điều thú vị của những ngành nghề mà mình mơ ước như bác sĩ, kỹ sư, phi công, người mẫu… Những hoạt động này giúp trẻ phát huy tính sáng tạo, tính kỷ luật, tinh thần đoàn kết và nhiều kỹ năng “mềm” khác trong cuộc sống.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Bình luận (0)