Sân chơi cho trẻ vào dịp hè tại TP.HCM đã được quan tâm đầu tư, xây mới khá nhiều. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại các điểm vui chơi kém an toàn.
Trò chơi thảm bay tại một điểm vui chơi thiếu nhi |
Trẻ vui, người lớn lo
Không còn cách nào khác, không ít phụ huynh “đánh cược” tính mạng của con em mình bằng sự may rủi khi cho chúng tham gia vào các trò chơi với thiết bị đã qua sử dụng. Bà Lê Thị Hạnh, chủ hộ kinh doanh trò chơi thiếu nhi trên đường Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7 thừa nhận kinh doanh trò chơi này một vốn bốn lời. “Thuê miếng đất nhỏ nhỏ, mua chừng vài thiết bị cũ về tân trang lại, thu mỗi lượt chơi (từ 5-10 phút) là 10.000 đến 15.000 đồng, mỗi đêm kiếm cũng được vài trăm ngàn sau khi trừ chi phí”, bà Hạnh nói. Khi được hỏi thủ tục kinh doanh có khó khăn không? Bà Hạnh đáp: “Dễ ợt, có ai hỏi han chi đâu”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thiết bị trò chơi thảm bay khá hoành tráng nhưng bà Hạnh chỉ mua với giá 15 triệu đồng, tức rẻ gấp 5 lần so với mua mới. Biết chúng tôi quan tâm đến thiết bị này, chị Nguyên Anh (P.Tân Thuận Đông, Q.7) lắc đầu, bỏ nhỏ vào tai tôi: “Tôi từng chứng kiến gần chục đứa trẻ bị “treo” lơ lửng cách mặt đất hơn chục mét vì bánh răng của thiết bị này bị lỗi, không quay được. Bọn nhỏ gào thét, hoảng sợ suýt ngất cho đến khi có thợ đến khắc phục”.
Tầm 6 giờ chiều, khu vui chơi trẻ em nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa Q.Bình Thạnh có rất đông phụ huynh đưa trẻ đến chơi. Ghi nhận của phóng viên, các thiết bị xe lửa, xe điện đụng, đu quay… đều rất cũ, từng lớp sơn bong tróc. Nguy hiểm hơn là hệ thống dây điện câu, nối tạm bợ có thể xảy ra sự cố điện giật bất cứ lúc nào.
Còn tại Công viên văn hóa Phú Nhuận (đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận) chỉ có một vài trò chơi như xích đu, cầu tuột… nhưng cũng đã xuống cấp. Theo đó, trò chơi làm bằng nguyên liệu nhựa thì ố màu gãy bể, sắt thì gỉ sét thiếu an toàn khi trẻ trực tiếp tiếp xúc. Công viên Tao Đàn cũng dành hẳn một góc để làm sân chơi cát cho trẻ em. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có thể được vui chơi ở sân chơi miễn phí thế này…
Tại Công viên Lê Văn Tám, ngoài các trò chơi thông thường thì còn có một không gian khiêm tốn cho trẻ chơi patin. Tuy nhiên, sân này cũng là nơi để người lớn tập thể dục, học khiêu vũ nên không gian dành cho trẻ em đã hẹp lại càng hẹp hơn. Đáng nói là lượng người quá đông, dễ gây tai nạn.
Nhiều năm trước, HĐND TP.HCM đã có nghị quyết về đầu tư, xây dựng và phát triển các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011-2015. UBND TP cũng đã bố trí vốn ngân sách đầu tư và đưa vào hoạt động các khu vui chơi tại Trung tâm Thanh thiếu niên huyện Nhà Bè; Công viên văn hóa xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh); Công viên thị trấn Cần Thạnh… Một số địa phương hoạt động hiệu quả về xây dựng và phát triển khu vui chơi từ nguồn vốn này như Q.1, Q.Phú Nhuận, Q.Tân Phú, Q.3 và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh.
Tại một số địa phương, sân chơi miễn phí cho trẻ cũng xuất hiện khá nhiều, song hầu hết đều bị xuống cấp nhanh, không được thay mới và bỏ hoang chỉ sau một thời gian ngắn. Một cán bộ phụ trách văn hóa xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè thừa nhận có doanh nghiệp đến đầu tư muốn lấy lòng địa phương thì dành một góc làm sân chơi cho trẻ. Tuy nhiên, sau đó thì bỏ mặc, chẳng có trách nhiệm gì.
Đừng để mùa hè thành mùa lo
“Thực tế lâu nay, nhiều khu vui chơi được thành lập dành cho mọi lứa tuổi, tuy nhiên việc có phù hợp với thể lực hay phát triển năng khiếu, tư duy… của người chơi hay không đều không được chú ý. Nếu không may bị tai nạn từ tham gia trò chơi, trẻ có thể bị chấn động tâm lý, rối loạn thần kinh. Đã là một sân chơi thì phải đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ”, chuyên gia tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân lưu ý.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, đại diện doanh nghiệp tư nhân chuyên cung cấp thiết bị đồ chơi ngoài trời khẳng định: “Một thiết bị có giá gần 100 triệu đồng nhưng khi mua hàng thanh lý thì chỉ có giá hơn chục triệu đồng. Các điểm kinh doanh trò chơi lựa chọn loại này để tiết kiệm chi phí đầu tư. Tuy nhiên, với thiết bị máy móc đã qua sử dụng nhiều năm, chuyện trục trặc, hỏng hóc, thậm chí gây tai nạn chết người là bình thường”.
Ông Nguyễn Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM – cho biết: Năm 2011, TP.HCM xác định là năm vì trẻ em. Từ đó, nhiều quận, huyện cũng đã quan tâm đầu tư, xây dựng khu vui chơi thiếu nhi. Như Q.6 có khu vui chơi cho trẻ sau giờ học, Nhà Thiếu nhi Q.2 có phòng chiếu phim 3D, Khu vui chơi thiếu nhi hẻm 432 Dương Bá Trạc (Q.8)… “Tuy nhiên, bên cạnh việc đầu tư xây mới khu vui chơi thiếu nhi, các địa phương cần kiểm tra, rà soát lại việc bảo quản, sửa chữa, tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”, ông Minh đề nghị.
Kỹ sư điện Nguyễn Ngọc Tri (Công ty Điện Bích Hạnh, Q.Thủ Đức) cho biết: Với các trò chơi vận hành bằng điện cần kiểm tra hệ thống điện mỗi ngày. Dây điện nguồn phải được nối âm đất, tránh hiện tượng rò rỉ để đảm bảo an toàn.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)