Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Sân chơi cho trẻ ngày hè: Nhìn từ thành phố đến làng quê

Tạp Chí Giáo Dục

Một giờ học bơi tại bể bơi di động miễn phí cho trẻ ở Đà Nẵng

Hè đến, một năm học kết thúc, sân chơi cho trẻ từ thành phố cho đến nông thôn trở thành vấn đề đáng trăn trở…  
Trẻ thành phố đổ dồn về bể bơi
Không phải ngẫu nhiên vài năm trở lại đây bể bơi tại các trường tiểu học trên địa bàn TP.Đà Nẵng trở nên đông đúc học sinh tham gia học vào mỗi dịp hè đến. Ngay từ những ngày vừa kết thúc năm học, 12 bể bơi di động đặt tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố hoạt động gần như hết công suất để phục vụ nhu cầu của trẻ em. Đó là chưa kể một số bể bơi như Câu lạc bộ (CLB) Phan Châu Trinh, Trung tâm Bơi lội của Đại học TDTT Đà Nẵng, bể bơi Quân khu 5…
6 giờ sáng! Bể bơi di động tại Trường TH Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà) có hàng chục em tầm 7 đến 10 tuổi được bố mẹ chở tới lớp học bơi. Thầy Lê Công Hiểu, giáo viên thể dục Trường TH Nguyễn Văn Cừ cho biết: “Vào mùa hè, phụ huynh đưa con đến học rất đông. Do diện tích bể bơi di động có hạn (12 x 5m, sức chứa 60m3 nước ngọt – chỉ đủ từ 5-7 em học một lần) nên để đáp ứng được nhu cầu học của các em, chúng tôi phải tăng thêm tiết”.
Không riêng các trường tiểu học, nhu cầu lớn nên tại các bể bơi công cộng, bãi biển cũng có đông đúc phụ huynh đưa con em đến học bơi. Bình thường mỗi ngày CLB chỉ mở 1 lớp học bơi nhưng vào những ngày hè phải mở đến 8 ca với trung bình 150 em/ca.

Ngày hè của những đứa trẻ vùng cao Đông Giang (Quảng Nam)

Thống kê cho thấy, năm 2009, Đà Nẵng có 4.724 học sinh được tham gia các lớp học bơi (dưới 50%). Đến năm 2011, có 5.839 học sinh (gần 84,3%). Học sinh ở địa bàn thành phố ngày càng được tạo điều kiện để có những mùa hè bổ ích. Đặc biệt, từ tháng 5-2012, UBND TP.Đà Nẵng đã phê duyệt dự án Bơi an toàn do Hiệp hội Cứu hộ Hoàng gia Úc (RLSSA) thông qua Tổ chức Liên minh vì sự an toàn trẻ em (TASC) tài trợ với số tiền gần 5 tỷ đồng, dành cho trẻ em từ 6-12 tuổi. Theo đó, các bể bơi di động đã được lắp đặt tại 11 trường tiểu học ở 7 quận, huyện phục vụ việc dạy và học bơi miễn phí cho học sinh trên địa bàn; mở 2 điểm dạy bơi tại khu vực bãi biển ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và quận Thanh Khê… Theo đó có khoảng 6.000 học sinh tiểu học của các trường trên địa bàn thành phố được tham gia học bơi miễn phí.
Hè với trẻ vùng cao
Trong khi trẻ em ở thành phố được tạo điều kiện có nhiều sân chơi như công viên, bể bơi thì ở một số xã vùng cao thuộc huyện miền núi Hòa Vang (Đà Nẵng) và một số xã miền núi lân cận của tỉnh Quảng Nam, ngày hè của trẻ vẫn còn lắm thiệt thòi. Những cánh diều giấy và những chiếc đầu trần sau cả ngày giúp ba mẹ chăn trâu, cắt cỏ là thú vui của đa số trẻ nông thôn. “Suy cho cùng trẻ nông thôn không thiếu không gian sân chơi ngày hè nhưng điều kiện so với trẻ thành thị vẫn còn lắm thiệt thòi. Các cháu thường phải phụ giúp ba mẹ lao động cả ngày, chiều tối mới có thời gian tung tăng với trái bóng, cánh diều giấy…”, ông A Lăng Căn (67 tuổi), sống ở xã miền núi Hòa Bắc cho hay.

Những đứa trẻ vừa nghỉ hè đã ngâm mình trong dòng nước đục đào đãi vàng sa khoáng

Theo sự chỉ dẫn của ông Căn, chúng tôi cuốc bộ dọc theo những dãy rừng rậm rạp tìm đến nương rẫy cheo leo trên sườn đồi. Đang hí húi bóc những vỏ bắp ngô cho vào a chói, bé gái A Kan, học sinh lớp 4 ngước đôi mắt đen tròn nhìn chúng tôi lạ lẫm. “Mùa hè, em với các bạn thường phải lên rẫy hái ngô để mang về bán lấy tiền may quần áo, mua sách vở vào năm học mới”, xốc chiếc a chói đựng đầy bắp ngô lên vai, A Kan cho biết. Con đường rừng hun hút, bóng cô bé như chiếc nấm lọt thỏm giữa màu xanh của cây cối. Thi thoảng vì quá nặng, em nghiêng nghiêng đôi vai gầy, kí ức tuổi thơ trĩu nặng trên gánh mưu sinh thường nhật. 
Lang thang một ngày ở các xã miền núi thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam), không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tầm 7, 8 tuổi nước da cháy nắng đen nhẻm, vai mang nặng chiếc a chói đựng đầy bắp ngô, củi hoặc vài thứ rau rừng. Thậm chí có nhiều em ngâm mình trong dòng nước đục ngầu đào đãi vàng sa khoáng. Hiểm nguy rình rập tính mạng là điều được báo trước nhưng chưa có cách giải quyết. Một cán bộ văn hóa xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng) nói: “Ở thành thị, suy cho cùng, dẫu chật chội các em vẫn được tạo điều kiện để có thể vui chơi trong những ngày hè. Còn ở vùng cao xa xôi hẻo lánh này, kí ức tuổi thơ của các em là những tháng ngày lăn lộn với kế mưu sinh, trò chơi kích thích tinh thần sáng tạo, phát triển toàn diện cả về trí lực lẫn thể lực cho trẻ là câu hỏi chưa có lời đáp”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)