Phóng viên ảnh đang tác nghiệp tại giải vô địch Đông Nam Á 2008. Ảnh: Dũng Phương |
Luôn có dáng ngoài xù xì, phong trần và khó gần nhưng phóng viên ảnh thể thao – những người ghi lại mọi khoảnh khắc buồn vui, hạnh phúc của thể thao… lại là những con người rất giàu tình cảm. Đam mê nghề nghiệp, hi sinh hết mình cho công việc. Họ đã viết nên những câu chuyện thú vị về nghề báo mà không kể ra, chắc hẳn những người “ngoài cuộc” không thể hình dung được.
“Người tình” của phóng viên ảnh
Dân báo chí thường truyền tụng nhau một câu nói: Phóng viên (PV) ảnh thể thao là “những anh nhà giàu chịu chơi”. Đó là vì những “người tình tri kỉ” của họ – chiếc máy ảnh – luôn được họ “gánh trên vai”, do mỗi lần ra sân chụp hình nhiều anh PV vác theo đồ nghề nặng không dưới… 30kg và tính sơ sơ giá từ… 2.000 USD trở lên. Đó là chưa kể “những đại gia” của công nghệ máy ảnh số trên thế giới như Canon, Nikon… được tích hợp đầy đủ những tính năng hiện đại nhất để cho ra những bức ảnh đẹp, thì việc chi ra trên dưới 5.000 USD, thậm chí lên đến con số hàng chục ngàn USD là “chuyện thường” đối với PV ảnh thể thao. Mà chắc chắn không có PV ảnh thể thao nào lại có 1 máy, ít nhất họ luôn trang bị từ 2-3 máy trong nhà. Những anh PV ảnh như Quang Minh (VTC News), Dư Hải (Báo Thể Thao TP.HCM), Bạch Dương (Báo Thanh Niên)… luôn được giới PV ảnh ngưỡng mộ vì các “đại gia” này anh nào cũng sở hữu từ 3-5 “em” mà không có “em” nào dưới… 3.000 USD. Thậm chí ngay thời điểm năm 1997, khi anh em PV ảnh ở các báo còn sở hữu bộ đồ nghề vài trăm USD đã khó, thì PV Dư Hải gây “choáng” cho đồng nghiệp vì anh sở hữu chiếc máy trị giá 12.000 USD. Như anh Dũng Phương (SGGP Thể Thao) gia nhập làng báo khoảng 5 năm cũng đã phải đổi máy đến 3 lần, mỗi lần lại bù thêm từ 1.000 – 2.000 USD. Và những lần “thay da đổi thịt” ấy là những lần mượn tiền cơ quan, lấy tiền của gia đình, thậm chí vay của bạn bè để rồi chỉ vài năm sau, chiếc máy đó rớt giá không phanh, có khi chỉ còn 1/2 giá trị ban đầu. “Chơi máy ảnh tốn kém lắm. Nhưng không đầu tư không được vì với nghề này để có một bức ảnh đẹp thì yếu tố máy móc đã chiếm đến 60% chất lượng ảnh, còn lại 40% chia đều cho kinh nghiệm, sự lăn xả và nhạy bén nghề. Vì thế, PV ảnh nào không đầu tư máy móc thì kể như… bó tay” – anh Dư Hải và Bạch Dương cùng chia sẻ.
Bỏ tiền ra nhiều như vậy nhưng nếu so với thu nhập của PV ảnh thể thao ngày nay vẫn còn là vấn đề đáng bàn. Nhuận bút ảnh báo chí hiện nay tại các báo trung bình chỉ từ 50 – 100 ngàn đồng/ tấm. Những tấm ảnh “độc” được ra bìa thì may ra được 300-500 ngàn đồng. Để “huề vốn” tiền máy, các anh cần có ít nhất 500-700 ảnh đăng báo. Một con số hoàn toàn không nhỏ, bởi có “oanh tạc” các báo thể thao, nhiều nhất một tuần một PV cũng chỉ có thể có từ 10-15 ảnh. Còn lại, mỗi lần tác nghiệp, chụp hàng trăm, thậm chí cả ngàn tấm chỉ để chọn được vài ba tấm đăng trên một báo. Làng báo chí đều biết “những anh nhà giàu” đó khó khăn như thế nào để “chung thủy” sánh bước cùng những chiếc máy “đỉnh” như thế. Và chẳng có lời giải đáp nào khác cho những từ ngữ chỉ có tình yêu PV ảnh mới trụ lại với những “người tình khó chịu” của mình.
Đam mê và duyên nghề
Khó khăn và tốn kém, thế nhưng làng PV ảnh thể thao tại TP.HCM và cả nước vẫn đang “dày” lên về số lượng lẫn chất lượng, từ vài PV hàng “top”, giờ đã có đến vài chục PV bước vào con đường chuyên nghiệp. Các PV đầu tư máy móc, đầu tư công sức học hỏi nghề từ đàn anh… Nghề PV ảnh đầy sức hút, bởi đã gắn bó rồi thì khó mà dứt ra được. Các anh Dư Hải, Bạch Dương, Minh Quốc… là những người đã gắn bó với nghề ảnh gần như nửa đời người đều cho biết ở cái tuổi tứ tuần, ngũ tuần, nhưng các anh chưa bao giờ thấy mình muốn “dừng bước giang hồ”. Hôm nay nghe Minh Quốc ở Sài Gòn, ngày mai điện thoại đã thấy anh ở Vũng Tàu chụp đội bóng nữ tập huấn… PV ảnh Minh Quốc (TTXVN) cho biết: “Nghề chụp ảnh cũng như nghề đạo diễn, bạn cần có trái tim nóng, nhạy cảm để cảm được hình ảnh muốn chụp. Ngoài ra, bạn cần tập để có cái nhìn bao quát, đánh giá chọn lựa được những góc chụp đẹp nhất. Ngoài ra, cái đầu lạnh sẽ giúp bạn không bị run tay trước một hình ảnh đầy xúc động như chiến thắng của đội nhà, thất bại của các cầu thủ… PV ảnh sáng tạo bằng ảnh để giúp mọi người hiểu được từ nó là cả một hệ thống thế giới quan và nhân sinh quan về cuộc đời, về con người, về tâm tư tình cảm của tác giả. Mỗi bức ảnh là cả một câu chuyện, một vấn đề của xã hội…”.
Nghề nào cũng có những khó khăn, vui buồn của nó và nghề của những “thợ săn” lại gặp nhiều nguy hiểm, cực khổ. Chẳng ai lại quên hình ảnh PV Minh Quốc bị hành hung trong lần chụp ảnh ở cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2008 tại Nha Trang. Và rồi những trận đấu bóng đá kéo dài 90-120 phút, cầu thủ chạy thì PV cũng không ngồi nghỉ được phút nào. Càng lao động, càng nhạy bén, chạy nhiều thì PV ảnh lại càng nhiều cơ may có được ảnh đẹp. Không ít lần khi tác nghiệp, gặp phải các cổ động viên quá khích ném bao nhiêu là chai lọ, cóc ổi, giày dép bay vèo vèo… trúng đầu, trúng máy móc các anh chỉ còn cách chịu trận. Anh Hoàng Hùng (SGGP Thể Thao) tâm sự: “Chính đam mê là cầu nối PV ảnh với nghề, chẳng có điều gì có thể thay thế niềm đam mê. Đam mê làm chúng tôi quên mọi mệt nhọc. Đam mê giúp chúng tôi không quản ngại những chuyến rong ruổi mọi miền. Đam mê giúp chúng tôi bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ cả những cơ hội kiếm tiền để đầu tư cho máy móc, cho việc tác nghiệp…”.
H.Quang
Bình luận (0)