Theo thời gian, hát ru và quan họ đã dần trở nên xa lạ với mọi người, nhất là giới trẻ. Thế nhưng, tại TP.HCM có những sinh viên không chỉ biết hát ru, quan họ mà còn tạo ra sân chơi để bất kỳ bạn trẻ nào cũng có thể tham gia.
Các thành viên CLB Quan họ VHS biểu diễn hát quan họ tại Bảo tàng Áo dài
Đó là CLB Văn hóa Hát ru và CLB Quan họ VHS vừa được ra mắt bởi sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM.
Từ hát ru…
Nghệ thuật hát ru đã gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt. Hát ru là những bài hát nhẹ nhàng giúp các em bé dễ đi vào giấc ngủ. Lời của những bài hát ru con thường xuất phát từ ca dao, đồng dao, hay trích từ thơ hoặc hò dân gian được truyền miệng từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Những bài hát ru rất đa dạng, mang đậm tính chất địa phương. Đó chính là vốn di sản quý báu cần được trân quý, gìn giữ.
Theo dòng chảy của thời gian, hát ru dần trở nên mờ nhạt để nhường chỗ cho những loại hình nghệ thuật đương đại. Nhiều bạn trẻ dường như không biết đến hát ru. CLB Văn hóa Hát ru được thành lập đã “đánh thức” loại hình nghệ thuật bị “ngủ quên” trong giới trẻ.
Tái hiện hát ru do thành viên CLB Văn hóa Hát ru thể hiện
Tham gia vào CLB này, các bạn trẻ không chỉ được giới thiệu đến loại hình hát ru mà còn được trải nghiệm những lời ca tiếng hát mà bà, mẹ của mình từng hát để đưa mình vào giấc ngủ.
Bạn Bùi Hữu Tài (sinh viên năm 3, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, chủ nhiệm CLB Văn hóa Hát ru) cho biết, em rất may mắn khi từ nhỏ được nghe bà hát ru cho ngủ. Nhưng do còn nhỏ nên em chưa có ý thức gì về nghệ thuật này. Khi lên đại học, em nhận ra rằng bản thân phải có trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống. Với lợi thế biết hát ru, em và các bạn đã đề xuất thành lập CLB Văn hóa Hát ru để những ai có niềm yêu thích hát ru được giao lưu văn hóa, văn nghệ nhằm góp phần giữ gìn và phát huy loại hình hoạt động nghệ thuật quần chúng hát ru, khơi dậy phong trào hát ru trong từng tầng lớp xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Với CLB này, sắp tới chúng em sẽ thường xuyên tổ chức những buổi hát ru tại trường hoặc những sự kiện, lễ hội. Khi đó, chúng em sẽ có cơ hội giới thiệu loại hình này rộng rãi hơn, các bạn trẻ biết nhiều hơn”, Tài cho biết.
… đến quan họ
Bên cạnh hát ru, các bạn sinh viên còn mong muốn giữ gìn nghệ thuật hát quan họ. Quan họ là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Quan họ chủ yếu hát đối với lối hát giao duyên dân dã, thể hiện mối quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa những “liền anh”, “liền chị”. Ngày 30-9-2009, quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bạn Phan Thanh Ngộ (chủ nhiệm CLB Quan họ VHS) cho biết, càng tìm hiểu về quan họ em càng say mê và yêu thích. Vì vậy, em đã cùng các bạn có cùng đam mê thành lập CLB này. “Tại đây, các thành viên là sinh viên đến từ nhiều vùng khác nhau nhưng có chung tình yêu với quan họ, gắn bó, chia sẻ như lời người quan họ “thương nhau vì nghĩa, mến nhau vì tình, say nhau giọng hát dân ca để ai xa ai gần đem lòng thương mến”, Ngộ chia sẻ.
Các thành viên CLB Văn hóa Hát ru và CLB Quan họ VHS ra mắt công chúng
Chứng kiến CLB Văn hóa Hát ru và CLB Quan họ VHS được ra mắt bởi sinh viên, nghệ sĩ hát quan họ Bùi Viết Chiến (Trung tâm Văn hóa Q.5) cho rằng, đây là tín hiệu tích cực vì các bạn trẻ ý thức trách nhiệm của mình đối với việc bảo tồn di sản của nhân loại. “Tôi có hơn 20 năm biểu diễn và đào tạo về nghệ thuật hát quan họ nhưng thấy rất ít người trẻ quan tâm đến nghệ thuật này. Bây giờ có hai CLB Văn hóa Hát ru và CLB Quan họ VHS là một điều rất tự hào. Hy vọng từ sân chơi này, ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm, bảo tồn hát ru và quan họ”, nghệ sĩ Chiến kỳ vọng.
Theo thạc sĩ Vũ Thị Bích Duyên (giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cố vấn hai CLB trên) nhìn nhận rằng, có rất nhiều bài báo đánh giá ngày nay giới trẻ thờ ơ với nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật hát ru và quan họ. Tuy nhiên, việc thành lập CLB Văn hóa Hát ru và CLB Quan họ VHS đã phần nào khẳng định đánh giá chung đó chưa đúng, giới trẻ hoàn toàn không thờ ơ với loại hình nghệ thuật này. |
Là địa điểm chuyên trình diễn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo dài) cho biết, bảo tàng rất thường xuyên tổ chức những buổi hát quan họ, đờn ca tài tử, hát ru… nhưng chủ yếu là các nghệ nhân lớn tuổi biểu diễn.
Bà Vân nhìn nhận dù lứa tuổi các bạn còn trẻ mà đã quan tâm đến di sản văn hóa của dân tộc là điều hiếm hoi khi thời đại hiện nay, đa số giới trẻ thích thú hơn với dòng nhạc trẻ. Điều này đã khẳng định tinh thần dũng cảm, năng khiếu cháy bỏng trong tâm hồn các bạn để giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật hát ru, quan họ chắc chắn sẽ thành công. “Khi giới trẻ nghe lời bài hát về hát ru hay quan họ sẽ cảm nhận được nội dung rất triết lý, qua đó giúp các bạn học hỏi được nhiều điều từ văn hóa truyền thống dân tộc”, bà Vân chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)