Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người quan tâm đến kỳ nghỉ hè, bởi đây là khoảng thời gian để cân bằng giữa vui chơi và học tập cho học sinh, sinh viên. Kỳ nghỉ có thể trở thành dấu mốc giúp con trẻ thêm kỹ năng, người trẻ thêm bước trưởng thành. Một sân chơi hè cho thế hệ mới cũng đặt ra nhiều yêu cầu về chất lẫn lượng.
Khu vực công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) thu hút nhiều bạn trẻ tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời
Chill
Thay những không gian của trung tâm dạy kỹ năng hay trường năng khiếu, hoạt động đường phố kết nối ngẫu hứng trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ trong kỳ nghỉ hè. Chill (tạm dịch: chỉ sự thư thái – thuật ngữ quen thuộc với giới trẻ trên mạng xã hội) với chính mình, với không gian… và với những người bạn mới khiến nhiều người trẻ say sưa.
Biết nhau qua một nhóm chia sẻ kiến thức học đàn guitar trên mạng xã hội, nhưng lần đầu tiên gặp nhau, Phạm Hoàng Minh Thư (19 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) và Trương Thị Anh Thư (20 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) khá ăn ý khi cùng đệm đàn và hát ca khúc My love cùng ban nhạc ngẫu hứng phía trước Bưu điện Thành phố.
“Cuối tuần, các thành viên trong nhóm đều hẹn nhau ra đây chơi đàn và tán dóc, nhưng có tuần bạn này bận học, bạn kia bận thi, giờ nghỉ hè nên nhiều thành viên trong nhóm mới có dịp gặp nhau. Bài hát vừa rồi, tụi em cũng đánh trật mấy nhịp đó, nhưng vui là chính, không gian công cộng như này chủ yếu để mình thư giãn cùng nhau”, Minh Thư chia sẻ.
Không gian công cộng, với sự tự do, trở thành điểm đến của những bạn trẻ yêu thích hoạt động ngoài trời và mở ra nhiều tương tác ngẫu hứng cùng nhau. Đường trượt patin từ phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) đến công viên Bến Bạch Đằng, với Trương Thanh Tuấn (15 tuổi, ngụ quận 3) thân quen như đường về nhà. “Tụi em thích ra đây chơi patin rồi canh nắng chiều ở phía công viên để chụp hình, em thích chụp, còn bạn em thích blend màu nên cả nhóm chiều nào cũng hẹn ở đây. Tới trung tâm thể thao để trượt patin cũng được, nhưng ở đây thoải mái chill hơn, mấy bạn mới vô nhóm cũng không có ngại; và không gian công cộng mà, nên tốn tiền gửi xe chứ không mất thêm phí gì nữa”, Thanh Tuấn bày tỏ.
Hoạt động đường phố gắn kết và tạo sự tự tin hơn cho nhiều bạn trẻ. Đâu đó ở không gian công cộng của thành phố như: khu vực Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) – Bưu điện Thành phố – Nhà thờ Đức Bà; công viên Bến Bạch Đằng, công viên 30-4, công viên Tao Đàn, phố đi bộ Nguyễn Huệ… hay các con hẻm graffiti như 15B Lê Thánh Tôn, 3A Tôn Đức Thắng, 144 Pasteur…, dễ dàng bắt gặp từng nhóm bạn trẻ đang say sưa vẽ tường, luyện patin, đàn hát, chụp ảnh, ký họa.
Chất
Nếu ở độ tuổi cấp 3 hay đại học, gia đình yên tâm để con trẻ tự do lựa chọn sân chơi hè thì lứa tuổi tiểu học lại cần được phụ huynh định hướng những sân chơi phù hợp, phát triển bản thân nhiều hơn.
Khác với nhiều năm trước đây – cho con tham gia khóa học hè tại các trung tâm văn hóa hay nhà thiếu nhi, nhiều phụ huynh bắt đầu chọn các sân chơi ngoài trời để rèn luyện kỹ năng sống nhiều hơn cho con.
Lên kế hoạch để cả nhà cùng nhau tham gia những trại hè ngắn ngày, chứng kiến con học leo núi, tập dựng lều, anh Nguyễn Văn Sang (43 tuổi, ngụ phường 7, quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Cho con tham gia những trại hè rèn luyện kỹ năng sống như vầy, nhiều người hỏi tôi trường hợp không may, mấy đứa nhỏ gặp chấn thương thì sao. Tôi cũng nghĩ đến tình huống này và cũng có phương án ứng phó, nhưng trước hết tôi cho con tham gia các hoạt động phù hợp với thể lực và sở thích của con nên cũng chưa có gì gọi là quá nguy hiểm để lo lắng”.
Không đăng ký học kỳ quân đội hay lớp ngoại ngữ giao tiếp, thay vào đó là chuyến cắm trại ngoài trời tại các tỉnh lân cận cho con, chị Đỗ An Thu Hương (38 tuổi, ngụ quận 8) cho biết: “Vì dịch bệnh nên tụi nhỏ học trực tuyến kéo dài, rồi giãn cách xã hội chỉ quanh quẩn ở nhà, hè này tôi với ông xã đăng ký trại hè cho con tham gia để trải nghiệm với thiên nhiên.
Kiến thức thì luôn cần, nhưng kỹ năng sống cũng rất quan trọng, đợt dịch vừa rồi cũng là một bài học để mình dạy con cách thích nghi với cuộc sống”. Và ở những gia đình có điều kiện kinh tế, khi các biện pháp chống dịch ở một số quốc gia đã nới lỏng trong năm nay, cho con du học hè (khoảng 1-2 tháng, tại các quốc gia như Singapore, Philippines) để bổ trợ ngoại ngữ cũng là lựa chọn ưu tiên.
Sân chơi hè để mang đến cho học sinh – sinh viên một kỳ nghỉ đầy hào hứng là điều ai cũng biết, tuy nhiên khoảng cách mức sống giữa nội thành và ngoại thành vẫn còn chênh lệch. Tại các nhà thiếu nhi quận, huyện vùng ven ngoại thành, các lớp năng khiếu hè như võ thuật, vẽ, đàn guitar, trống cơm… đã bắt đầu chiêu sinh, nhưng lượng phụ huynh có điều kiện cho con tham gia vẫn chưa quá nhiều.
Tùy điều kiện, mỗi sân chơi hè của con trẻ cấp 1, cấp 2 hay cấp 3, đại học sẽ có những lựa chọn phù hợp khác nhau… Nhưng có một điều chắc chắn, đây là mùa hè của vui chơi và trải nghiệm, chứ không phải dành thời gian để cõng thêm những áp lực vô hình.
KIM LOAN (theo SGGP)
Bình luận (0)