Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sân chơi khoa học của học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trình bày ý tưởng nghiên cứu với khách tham quan gian hàng

47 đề tài nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học; gần 200 giáo viên và học sinh (HS) đến từ 11 tỉnh/ thành trong khu vực là con số khá ấn tượng ở cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho HS trung học (ViSEF) năm 2013.
Tại buổi lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc tổ chức cuộc thi ViSEF năm 2013 ngoài mục đích mang lại cho HS một hình thái học tập mới, giúp các em sáng tạo, thể hiện niềm đam mê nghiên cứu khoa học… còn là dịp để giáo viên, HS các tỉnh/thành có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy và học tập.
Đề tài mang tính ứng dụng cao
So với cuộc thi được tổ chức năm 2011, các đề tài nghiên cứu của HS ở cuộc thi năm nay rất đa dạng thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật… như hóa học, sinh học, máy tính, vật liệu, thiên văn, tâm lý… Hầu hết các đề tài thực hiện đều có sự đầu tư nghiêm túc trong khoảng thời gian dài về kết quả. Các em đã biết trăn trở trước những hiện tượng, thực trạng của đời sống để tìm ra giải pháp tháo gỡ. Với các sản phẩm phế thải từ nhựa, HS Trường THPT Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) đã tạo ra mô hình “Vườn rau đô thị tự tưới từ sản phẩm nhựa phế thải” giúp cho việc trồng rau ngắn ngày tại các đô thị trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm đáng kể về diện tích và thời gian chăm sóc. “Kết quả thử nghiệm với cà chua, cà tím, rau muống và xà lách cho thấy cây phát triển tốt, cho thu hoạch lần đầu sau 30 ngày gieo hạt”, em Võ Đăng Đức Huy – thành viên nhóm thực hiện đề tài – cho biết. Tương tự, HS Trường THPT  chuyên Bến Tre (tỉnh Bến Tre) cũng sử dụng chai nhựa và vỏ dừa khô để chế tạo ra một loại “áo phao” có thể sử dụng cho cả người lớn lẫn trẻ em với sức nặng tối đa lên đến 90kg. Điều đáng nói, dự án này được xuất phát từ thực tế đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều sông, kênh rạch và số vụ tai nạn chết đuối đã xảy ra, nhất là vào mùa nước lũ.
Cũng nghiên cứu về ứng dụng của các vật liệu phế thải, nhóm HS Trường THPT Gia Định (TP.HCM) cho ra đời sản phẩm xà phòng được điều chế từ dầu thải. Lý giải điều này, em Nguyễn Huỳnh Thùy Giang, thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người do chứa nhiều hợp chất độc hại có khả năng gây ra các mầm bệnh, kim loại nặng và vi khuẩn. “Qua việc thu thập dầu ăn đã qua sử dụng ở các hộ gia đình, nhóm đã nghiên cứu và điều chế thành công mẫu xà phòng và đem đi kiểm nghiệm tiêu chuẩn, xét nghiệm hàm lượng kim loại nặng, sự kích ứng da và khả năng diệt vi khuẩn. Tất cả đều nằm trong chỉ số an toàn cho phép của các cơ quan y tế. Không chỉ thế, theo kết quả tra cứu thông tin của Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI), đề tài “Điều chế xà phòng từ dầu thải” của chúng em là đề tài đầu tiên được nghiên cứu ở Việt Nam”, Thùy Giang hào hứng nói.
Mang đậm tính giáo dục, nhân văn
Không chỉ gói gọn trong các đề tài mang tính ứng dụng, các vấn đề mang tính vĩ mô cũng được khá nhiều HS thử sức và cho ra những mô hình táo bạo. Đó là mô hình “Xây dựng thành phố trên biển đảo trong tương lai” được xây dựng hoàn toàn trên biển đảo bao la với 2 cao ốc, 1 khách sạn, 1 trung tâm thương mại, 1 nhà máy xử lý chất thải với 1 hệ thống nền móng vững chắc, 1 hệ thống cung cấp năng lượng cùng với những công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu đời sống hằng ngày. Theo nhóm nghiên cứu, nếu mô hình này được áp dụng thành công sẽ tiết kiệm được diện tích đất đai khi nước ta gia tăng dân số và diện tích đất đang bị thu hẹp, nâng tầm kiến trúc Việt Nam sánh vai với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Mô hình “Hệ thống lọc nước sạch cho bà con nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long” bằng cách kết hợp hệ thống xử lý nguồn nước với các loại cây như lục bình, rau ngổ… có khả năng hấp thụ các kim loại nặng trong nước của đoàn HS tỉnh Bến Tre cũng được nhiều người đánh giá cao.
Một điều đáng ghi nhận ở cuộc thi năm nay là có nhiều đề tài mang đậm tính giáo dục, nhân văn, hướng tới một số góc cạnh trong đời sống thực tế. Mô hình “Xe đạp chạy bằng năng lượng mặt trời cho người khuyết tật” của HS tỉnh Đồng Nai sử dụng pin năng lượng mặt trời thay thế các năng lượng truyền thống nhằm giảm chi phí cho người khuyết tật. Mô hình “Nghiên cứu ảnh hưởng của chất điều hòa sinh trưởng GA3 đến sức khỏe con người” của đoàn HS TP.HCM…
Trong khi đó, đoàn HS tỉnh Vĩnh Long có một cuộc khảo sát nghiên cứu để đưa ra mô hình “Một góc nhìn về gia đình của HS từ 15 đến 18 tuổi” nhằm mang đến một cái nhìn tổng quan về hiện tượng, nguyên nhân, xu hướng thực tế của HS hiện nay. Bên cạnh đó, đoàn cũng đưa ra giải pháp nhằm đưa hình mẫu gia đình đa thế hệ trở thành hình mẫu gia đình có thể hội nhập với xã hội hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Chiều 21-3, Bộ GD-ĐT đã tổ chức trao giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học (ViSEF) năm 2013 khu vực phía Nam. Với 47 dự án nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khoa học, hội thi đã chứng tỏ khả năng vận dụng kiến thức trong nhà trường, sự am hiểu của các em học sinh đối với các vấn đề trong khoa học và thực tế. Tuy đây chỉ là bước đầu tiếp cận với quá trình nghiên cứu khoa học nhưng rất nhiều em đã tỏ ra rất chững chạc, trình bày logic, mạch lạc vấn đề của mình bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Kết quả, đã có 5 giải khuyến khích, 5 giải ba, 2 giải nhì và 1 giải nhất được trao cho các đội thi. Đoàn TP.HCM thắng lớn với 2 giải nhì được trao cho đề tài “Tác phong công nghiệp, thái độ tích cực và tư duy chủ động ở người lao động trí thức TP.HCM” do học sinh Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý thực hiện, đề tài “Màn hình cánh quạt ba chiều” của học sinh Bùi Quang Minh, Truờng THPT chuyên Lê Hồng Phong. Giải nhất thuộc về Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với đề tài “Hệ thống trồng rau nuôi cá tự động tại gia”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)