Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Sân chơi” mới cho tác giả, đạo diễn trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 20/5 đến 1/6, hơn 500 nghệ sĩ từ 32 đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập và xã hội hóa trên cả nước sẽ tề tựu tại tỉnh Hà Nam dự Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc 2023.

Liên hoan do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam tổ chức, nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch Hà Nam năm 2023.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà – Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam – liên hoan lần này có thế mạnh là lần đầu tiên, gần như đủ loại hình sân khấu truyền thống lẫn hiện đại, gồm: hát bội (tuồng), chèo, cải lương, dân ca kịch (bài chòi, ca Huế, ví giặm…), kịch nói, xiếc cùng hội tụ với hơn 100 trích đoạn sân khấu. Sự đa dạng của các loại hình sẽ tạo cảm giác phong phú, mới mẻ cho người xem.

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dự thi 3 tích đoạn Lụy tình vương nữ (ảnh), Bình Lệ Nguyên và Dòng sông đỏ

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dự thi 3 tích đoạn Lụy tình vương nữ (ảnh), Bình Lệ Nguyên và Dòng sông đỏ

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về tiêu chí cho một “trích đoạn hay” và giữa những trích đoạn kinh điển như Xúy Vân giả dại, Thị Mầu lên chùa (chèo), Đổng Kim Lân qua đèo, Phàn Định Công đề cờ (hát bội) hay Othello, Vua Lear, Medea, Lôi vũ (kịch nói)… thì liệu có cơ hội cho những sáng tác mới?

Chia sẻ về vấn đề này, Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà khẳng định: “Diễn kịch Shakespeare mà nhân vật vô hồn, thoại không chuẩn thì cũng không ích gì. Trích đoạn cũ hay mới, kinh điển hay không không thành vấn đề. Quan trọng là nghệ thuật trình diễn của nghệ sĩ có thuyết phục, có chạm được đến cảm xúc của công chúng hay không”.

Nhiều người trong giới chuyên môn nhận định, liên hoan lần này nhằm tìm tòi những sáng tạo mới, tinh túy trong mảng miếng hay nhất của vở diễn, từ xây dựng, kết cấu kịch bản đến thủ pháp dàn dựng, kỹ năng biểu diễn để đúc rút những kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật sân khấu. Vì thế, đây là sân chơi thiết thực, không chỉ cho nghệ sĩ biểu diễn thể hiện tài năng mà còn tạo cơ hội để những tác giả trẻ, đạo diễn trẻ có thể tỏa sáng.

TPHCM có các đơn vị dự liên hoan là: nhà hát cải lương Trần Hữu Trang với 3 trích đoạn Dòng sông đỏ, Bình Lệ Nguyên  Lụy tình vương nữ; Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM với 3 trích đoạn Miền nhớ, Độc thoại đêm và Thị Mầu bỏ con; cùng 2 đơn vị xã hội hóa là sân khấu Đại Việt với trích đoạn Cám dỗ vương quyền và sân khấu Sử Việt với 2 trích đoạn Yêu là thoát tội  Vụ án cậu trời. 

Được nhà hát cải lương Trần Hữu Trang giao dàn dựng 1 tiết mục dự liên hoan, nghệ sĩ Điền Trung cho biết, anh đã nhờ tác giả trẻ Phạm Văn Đằng viết trích đoạn mới Bình Lệ Nguyên về trận đánh lớn đầu tiên của vua tôi Nhà Trần chống quân xâm lược Mông Cổ. Ngoài nghệ sĩ Trọng Nghĩa có nhiều kinh nghiệm trên sân khấu cải lương tuồng cổ, Điền Trung cũng tạo cơ hội cho 2 nghệ sĩ trẻ Nguyễn Văn Hợp và Nguyễn Văn Mẹo có vai diễn ấn tượng.

Nghệ sĩ trẻ Hoàng Hải cũng mạnh dạn đầu tư 1 tiết mục hoàn toàn mới là Cám dỗ vương quyền về nhân vật lịch sử ít được nhắc đến là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân – vị phế đế của Triều Lê. “Tôi đặt tác giả Nguyệt Hà – cũng là một cây bút rất mới – viết trích đoạn này đã khá lâu, chờ cơ hội phù hợp để thực hiện. Với nghệ sĩ trẻ chúng tôi, những cuộc thi, liên hoan này rất bổ ích, giúp mình được cọ xát để xem lại năng lực đến đâu mà tiếp tục phấn đấu, củng cố hướng đi mình đã chọn” – Hoàng Hải chia sẻ.

Theo Ninh Lộc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)