Nhóm Sao Rua đang sinh hoạt kỹ năng tại Công viên Tao Đàn
|
Mỗi khi hè về, các bậc phụ huynh nên tạo điều kiện để trẻ đến các sân chơi sinh hoạt, giúp trẻ vừa có điều kiện thư giãn lại được rèn luyện sức khỏe và các kỹ năng sống.
Đa dạng các loại hình vui chơi
Mới khoảng 7 giờ sáng, khắp Công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM) đã đông đảo các đội Sao Rua, Sao Thủy, Sao Bắc Đẩu… (thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Tao Đàn) nhanh chân tập trung bên lán trại của mình. Mỗi đội như thế khoảng 20 em, em nào cũng phấn chấn, háo hức chuẩn bị cho buổi sinh hoạt mới. Ở độ tuổi mầm non, tiểu học các em được học những kỹ năng: Giao tiếp với bạn bè, anh chị em, ông bà cha mẹ, chơi các trò chơi dân gian như âm u, bịt mắt bắt dê, ô quan… đến kỹ năng công việc như: Học cách phụ giúp công việc gia đình, cách thắt nút, dựng lều, xếp lều… Còn các em ở độ tuổi lớn hơn thì học về cách làm bàn ghế, lều trại, sửa đồ dùng bị hỏng; kỹ năng khi đi dã ngoại…
Nguyễn Ngọc Hồng Trâm (lớp 2/6, Trường TH Lương Định Của (Q.3) hứng khởi: “Được các anh chị dạy bảo, con đã biết dựng lều, xếp lều khi đi cắm trại; biết thắt nút dây, tháo dây, sơ cứu thương và con giao tiếp tốt hơn với bạn bè, cha mẹ, ông bà. Các bạn trong đội cũng hòa đồng vui vẻ khiến con rất vui khi tham gia hoạt động này. Hè này con sẽ rủ thêm bạn khác trong lớp cùng tham gia”.
Ngồi ở ghế đá chờ con, chị Thục Đoan (phụ huynh em An Nguyên (lớp 3/1) và An Trương (lớp 2/1), Trường TH Lê Ngọc Hân, Q.1) không rời mắt khỏi các con, thậm chí tỏ ra vui mừng, hạnh phúc khi thấy cậu con thứ đã hòa nhập vào đội Sao Rua. Trước đó vài tiếng, An Trương khóc nhiều, không rời mẹ, không hòa nhập vào đội vì quá nhút nhát. Chỉ khi mẹ và các bạn động viên thật lâu, An Trương mới hết khóc và chịu sinh hoạt.
Vốn yêu thích môn bơi lội, hơn nữa bơi lội là môn thể thao tốt cho sức khỏe vì thế anh Đinh Hoàng Minh đăng ký ngay một khóa học bơi dịp hè này tại hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm Q.1 cho con là Đinh Ngọc Khánh Vân, lớp 3/4 Trường TH Đuốc Sống (Q.1). Vậy là chiều thứ hai, tư, sáu hàng tuần, anh chở con đến hồ bơi luyện tập. Anh chia sẻ: “Mặc dù trên lớp đã học nhưng hè đến được đi bơi cháu nó vui lắm. Lúc nào cháu cũng bảo mai này lớn lên làm vận động viên bơi lội. Tôi hy vọng bơi làm cháu khỏe và vui vẻ hơn”.
So với những khu vui chơi, tập luyện khác thì tại các nhà thiếu nhi quận – huyện, thành phố, những ngày này đông đảo phụ huynh dắt con cái đến đăng ký học các lớp năng khiếu như: Hội họa, võ, bóng rổ, cầu lông, thanh nhạc, thể dục nhịp điệu, bóng đá… Chỉ tính riêng tại Nhà Thiếu nhi Thành phố, ngày thường khoảng 300-500 lượt em tham gia, thứ bảy, chủ nhật từ 1.500-2.000 lượt em thì vào những ngày hè này, trung bình từ 2.000-3.000 lượt em tham gia. Bé nào bé đó đều tỏ ra thích thú khi được ba mẹ dẫn đến vui chơi.
Không khó tìm sân chơi cho trẻ
Ông Nguyễn Thành Nhân, (Chuyên viên tư vấn tâm lý Trung tâm Đào tạo Tài năng trẻ châu Á Thái Bình Dương) cho biết: “Các sân chơi giúp trẻ có nhiều sức khỏe, hay đúng hơn trưởng thành về thể lực, trí tuệ, tinh thần. Song song với rèn luyện, trẻ học được cách làm việc, chia sẻ công việc, tự chăm sóc bản thân; học được những kỹ năng ứng xử trong môi trường tập thể, biết cách chia sẻ với bạn bè, người thân xung quanh, biết suy tính cẩn thận trước các hành động, lời nói của bản thân… Với các kỹ năng tổng hợp như thế, trẻ khỏe mạnh hơn từng ngày, sống tốt hơn khi lớn lên và sống có trách nhiệm với bản thân, người xung quanh. Khi ra ngoài xã hội cũng dễ thích nghi với môi trường mới, dễ vượt qua khó khăn nếu gặp phải”.
Các em đang tham gia bơi lội tại Nhà Thiếu nhi Thành phố |
Tuy nhiên ông Thành Nhân cũng cho rằng, vẫn còn không ít ông bố bà mẹ chưa thực sự xem trọng 2 tháng hè của trẻ. Nhiều phụ huynh vẫn ép con cái học thêm hết môn này đến môn khác, biến trẻ thành những con mọt sách yếu kỹ năng sống. Nhiều gia đình bận bịu đến độ không quan tâm khi hè về cần nên cho trẻ đi chơi. Suốt ngày trẻ không biết làm gì ngoài việc quanh quẩn ở nhà xem ti vi, chơi với người giúp việc. Hoàn cảnh này dễ khiến trẻ tìm đến những sân chơi không lành mạnh như: Game, nghiện ti vi, dễ sa đà ăn chơi, tụ tập vô bổ, hoặc tìm tới những sân chơi nguy hiểm đến tính mạng như kênh rạch, sông suối…
Để trẻ có được mùa hè vui vẻ, thoải mái hoàn toàn không khó. Ông Nhân cho rằng phụ huynh chỉ cần quan tâm, dành ra chút thời gian thì vẫn có thể thu xếp, đưa con đến các khu vui chơi giải trí sinh hoạt. Nếu không đến được các sân chơi ở xa nhà thì có thể cho con tham gia sinh hoạt Đoàn Đội ngay khu vực mình ở. Hoặc có thời gian thì cố gắng cho trẻ nghe các báo cáo chuyên đề của các chuyên gia cũng góp phần nâng cao kỹ năng thực hành xã hội cho trẻ rất nhiều.
Chia sẻ về kinh nghiệm chọn sân chơi cho trẻ, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng bộ môn tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Phụ huynh học sinh nên chọn những sân chơi thể dục thể thao ở các sân vận động, trung tâm văn hóa; sân chơi văn hóa, văn nghệ ở các nhà thiếu nhi; các chương trình du lịch hè gồm: Du lịch rèn luyện sức khỏe, kỹ năng, tâm lý… được thiết kế chuyên biệt do các tổ chức từ thiện – xã hội, tôn giáo; chương trình về quê, về nguồn, du lịch xanh, thử thách, khám phá… Nên tránh những sân chơi có thể tham gia nhưng chất lượng, hiệu quả giáo dục không cao; các chuyến đi quá xa, nguy hiểm, không đảm bảo sự an toàn, thoải mái về tâm lý, không tạo sự cân bằng cho HS mà còn dễ dẫn đến những tác động ngược; chương trình mang nặng tính kinh doanh, không được đầu tư kỹ lưỡng, thiếu tính chuyên nghiệp, nghiêm túc, vụ lợi cá nhân quá lớn, mang tính cờ bạc, cá cược và cả những sân chơi phục vụ cho một nhóm đối tượng đặc thù mà không định hướng rèn luyện”.
Theo khảo sát của chúng tôi, hè đến có không ít sân chơi bổ ích, phù hợp mọi lứa tuổi của trẻ từ mầm non đến trung học được mở ra. Tại nhà thiếu nhi các quận – huyện, Nhà Thiếu nhi Thành phố, tổ chức các lớp hè với trên 20 bộ môn: Hội họa, thanh nhạc, thể dục thể thao, múa, võ, bóng rổ… Vào cuối tuần còn có các trò chơi cộng đồng, dân gian, khoa học, văn nghệ, múa rối, vườn chơi nhi đồng. Học phí tùy thuộc vào môn học, không phân biệt hè hay ngày thường, dao động từ 200.000-280.000 đồng/môn/ khóa 2 tháng. Hay tại các hồ bơi Kỳ Đồng (Q.3), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), Lam Sơn (Q.5), Cung Văn hóa Lao động… cũng mở nhiều lớp dạy bơi, tập trung vào dạy theo lớp và dạy kèm, học phí dao động từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/kiểu bơi…
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Bình luận (0)