Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức hội thảo giới thiệu khóa học kỹ sư robotics (rô bốt) cơ bản dành cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn TP. Không thể phủ nhận những tiện ích mà khóa học đem lại như bồi dưỡng cho học sinh tinh thần say mê nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm, phát biểu trước đám đông, tuy nhiên mức học phí và kế hoạch xây dựng chương trình chưa thể khiến những người trong cuộc an lòng.
Lắp ghép rô bốt thu hút học sinh tiểu học
Hoài nghi
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Mục đích của việc tổ chức khóa học kỹ sư rô bốt nhằm tạo thêm sân chơi ngoại khóa cho học sinh tiểu học, bên cạnh các hoạt động rèn luyện thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ. Học sinh có thể đăng ký tham gia trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc”. Học phí được đơn vị tổ chức đưa ra là 450.000 đồng/học sinh/khóa học kéo dài 3 tháng với 12 buổi học, mỗi buổi có thời lượng 2 tiếng. Theo nhận xét của nhiều giáo viên, mức học phí đưa ra chưa phải quá cao đối với học sinh ở khu vực nội thành, nhưng đối với các trường ở ngoại thành, trường thuộc vùng sâu, vùng xa thì đây là con số không hề nhỏ. Đó là chưa kể trong bối cảnh hiện nay bậc tiểu học không thu học phí, vậy mà chỉ tính riêng chi phí cho 2 tiếng học ngoại khóa mỗi tuần đã “ngốn” hết 37.000 đồng là một bài toán không phải gia đình nào cũng chấp nhận được.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều đại biểu có mặt ở hội trường hôm đó lo lắng nhất là tính liên tục của chương trình. Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 4 đặt câu hỏi: “Khóa học chỉ kéo dài trong 3 tháng, vậy sau khi học hết khóa kỹ sư cơ bản, học sinh sẽ làm gì để không uổng phí kiến thức đã học?”. Ngay sau đó, một thành viên trong ban tổ chức giải đáp: “Sau khi hoàn thành khóa học cơ bản, học sinh có thể tiếp tục học các khóa nâng cao và chuyên sâu để có nền tảng kiến thức vững chắc chuẩn bị cho chương trình robotics ở bậc THCS và THPT”. Nhưng nếu đặt trường hợp một học sinh lớp 2 đăng ký học khóa cơ bản ngay từ đầu năm học, nếu học liên tục không đứt quãng em này sẽ hoàn thành cả ba khóa cơ bản, nâng cao và chuyên sâu trước khi lên lớp 3. Như vậy từ năm lớp 3 đến hết lớp 5 học sinh này sẽ làm gì để những kiến thức vừa tích lũy không rơi rụng trước khi lên bậc THCS? Đó vẫn là câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng!
Một băn khoăn khác, ngay trong bảng giới thiệu thông tin khóa học, đơn vị tổ chức đã “chu đáo” đính kèm thêm bảng thống kê rất chi tiết con số lời lãi, cụ thể đến từng phần doanh thu, chi phí khấu hao sản phẩm, trả tiền điện, lương cho giáo viên… Hiệu trưởng (yêu cầu không nêu tên) một trường tiểu học ở quận 1 cho biết, trong khoảng một năm trở lại đây có rất nhiều đơn vị tư nhân đến chào mời trường đặt mua các gói thiết bị rô bốt giảng dạy cho học sinh. “Có đơn vị đài thọ luôn chi phí trang bị máy tính, có nơi chỉ đặt vấn đề hợp đồng mua rô bốt, những thiết bị khác nhà trường phải tự lo. Nhưng cũng vì thế mức học phí các đơn vị đưa ra khá chênh lệch, trong đó bài toán lời lãi luôn được đặt lên hàng đầu như một hình thức chiêu dụ các trường tham gia”. Mục tiêu giáo dục vì thế đã nhuốm màu “kinh doanh” khiến các trường vẫn dè dặt trong việc đăng ký tham gia.
Nhà trường cần có vai trò định hướng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay hoạt động robotics mới được triển khai ở hai bậc THCS và THPT. Đối với bậc tiểu học, việc trang bị kiến thức về rô bốt cho học sinh mới dừng ở mức sinh hoạt đội nhóm, câu lạc bộ và chỉ những học sinh “con nhà giàu” mới dám đăng ký tham gia vì chi phí đầu tư khá đắt đỏ. Hiện tại chỉ có Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) là trường tiểu học đầu tiên trên địa bàn TP mở ngày hội giới thiệu và chiêu sinh học sinh đăng ký tham gia các lớp kỹ sư rô bốt cơ bản. Danh sách đăng ký tạm thời tính đến thời điểm hiện tại là 150 em. Trong đó Công ty Lego Education, đơn vị chịu trách nhiệm chính về các hợp đồng mua sắm trang thiết bị cho biết sẽ cho trường trả chậm chi phí mua rô bốt trong vòng 6 tháng, hỗ trợ ban giám hiệu đẩy mạnh công tác tuyển sinh, tập huấn cho giáo viên. Tuy nhiên, chỉ tính riêng chi phí đầu tư các gói rô bốt (chưa tính chi phí điện, nước, trang bị máy tính, trả lương cho giáo viên) sau khi được nhà cung cấp ưu đãi giảm giá 20% vẫn dừng ở mức 104.960.000 đồng cho 18 lớp học trong vòng 1 năm. Đây là con số đầu tư không hề nhỏ nên nhiều trường vẫn chưa dám mạo hiểm tham gia.
Trước thực tế đó, bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, khuyến cáo các đơn vị trường học tổ chức các hình thức sinh hoạt ngoại khóa dựa trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc học sinh đăng ký tham gia. Ngoài ra, các thầy cô cần có vai trò định hướng, hướng dẫn học sinh lựa chọn môn học ngoại khóa phù hợp với năng khiếu và sở trường của từng em nhằm phát huy tối đa năng lực cũng như đam mê, sở thích của học sinh. Song song với điều đó, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và hình thành tính cách, sở thích của các “công dân nhí” . Nếu có sự phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường, hoạt động ngoại khóa ở bậc tiểu học nói riêng và các bậc học khác nói chung mới thoát khỏi tình trạng “thừa nhưng vẫn thiếu” hiện nay.
MINH QUÂN
(SGGP)
Bình luận (0)