Hội nhậpGiáo dục phát triển

Sân chơi trí tuệ góp phần phát triển thế hệ trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Đưa robot ra sân, nhiều sinh viên xem đây là màn ra mắt với niềm đam mê và ngành nghề mình theo học
Với truyền thống trong học tập và nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM luôn chú trọng phát triển sân chơi trí tuệ cho sinh viên mang phong cách đặc trưng thông qua các sân chơi: Dancing robot, robot tìm đường mê cung, robot leo dây, đua xe năng lượng mặt trời…
Tại các giải đấu quốc tế, những nhà nghiên cứu trẻ của trường luôn giành được những vị trí nhất định bên cạnh đội tuyển của các cường quốc.
Sân chơi trí tuệ trong thời đại công nghệ xanh
Theo chiến lược phát triển, từ nhiều năm qua Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khuyến khích phát triển các trò chơi trí tuệ về công nghệ và kỹ thuật tiết kiệm năng lượng. TS. Ngô Văn Thuyên (đại diện Ban Giám hiệu nhà trường) khẳng định: “Công nghệ robot, tự động hóa là để thay thế sức người. Chưa có ý kiến nào về việc robot có liên quan đến công nghệ xanh và bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, việc những dây chuyền tự động sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường cũng có thể xem là thành tựu ứng dụng của robot. Nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi giúp sinh viên trong các sân chơi trí tuệ. Hoạt động liên kết và đào tạo góp phần quan trọng trong việc phát triển tài năng trẻ. Các sân chơi trí tuệ không chỉ là nơi phục vụ, áp dụng kiến thức mà còn nhằm mục đích rèn luyện khả năng làm việc nhóm, tinh thần hợp tác, chung tay giải quyết vấn đề”. Theo đó, sinh viên của trường thường xuyên tham gia công tác nghiên cứu khoa học và nỗ lực học tập với những ứng dụng rõ rệt trong việc đẩy mạnh tốc độ, năng suất của động cơ đồng thời tiết kiệm năng lượng. Xe tiết kiệm năng lượng và xe chạy bằng năng lượng mặt trời luôn nhận được sự quan tâm đúng mức của nhà trường.
Ngày 25-4-2014, trường tổ chức cuộc thi “Xe năng lượng SPKT lần thứ I” năm 2014 dành cho sinh viên trong trường, có 67 đội tham gia. Với nhiều biến thể về đường đua cũng như kiểu dáng, cuộc thi đua xe năng lượng mặt trời được tổ chức khắp nơi trên thế giới với nhiều hình thức và qui mô: Đường ray, đường cong dạng núi, hoặc chạy trong hầm… ThS. Đoàn Tất Linh (giảng viên chuyên ngành cơ khí chính xác) cho biết: “Lúc đầu dự kiến chỉ 20 đội, nhưng sau 1 tháng phát động có đến 67 đội tham gia. Đua đường ray được lựa chọn vì ít ma sát, vận tốc có thể đạt 15km/h. Sau cuộc thi nội bộ trong trường, chúng tôi tiếp tục phát động rộng đến đối tượng học sinh phổ thông, dự kiến tổ chức vào ngày 7-12-2014 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM”. Bỏ qua nỗi lo kinh phí, các bạn trẻ luôn nhiệt tình, đầu tư tâm sức, trí tuệ tạo nên những sản phẩm do chính mình làm, đánh dấu bước khởi đầu trên con đường nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Việc làm này rất có  ích cho quá trình học tập và thỏa mãn niềm đam mê, sáng tạo.
Bên cạnh việc phát triển sân chơi robot thể hiện sự nhịp nhàng, khéo léo cũng như tốc độ và tiết kiệm năng lượng, những cuộc thi mang ý nghĩa xã hội, phục vụ trực tiếp cuộc sống sinh viên và gia đình cũng được trường tổ chức khá đều đặn. Cuộc thi “LED CIRCUIT DESIGN” là một ví dụ – ứng dụng các hiệu ứng Led chớp tắt, Led Cube, Led quay và âm thanh để tạo ra món quà tặng gia đình. Các đội tham gia cuộc thi sẽ chuẩn bị thêm phần trình bày để giới thiệu về các tính năng và ý nghĩa của sản phẩm với chủ đề chính là gia đình. ThS. Nguyễn Thới (Khoa Điện – Điện tử) cho biết: “Cuộc thi Led Circuit Design được tổ chức lần II dự kiến vào ngày 24 đến 29-11-2014. Với cuộc thi Robot tìm đường mê cung, thời gian đăng ký từ ngày 2 đến 21-3-2015. Đây là những sân chơi đòi hỏi trí tuệ, sự phối hợp nhịp nhàng về tốc độ cũng như khả năng giải quyết các vấn đề của robot”.
Với các bạn trẻ, phần thưởng không còn là quan trọng, chủ yếu là thỏa mãn đam mê, trí tưởng tượng, ý tưởng bay bổng trong những sân chơi thử thách độ “đau đầu” về khoa học kỹ thuật.
Sân chơi trí tuệ luôn rộng mở

Robot có thể được điều khiển bằng nhiều cách
Nhiều năm qua, số lượng các cuộc thi về robot có xu hướng xuất hiện nhiều hơn với quy mô, chất lượng và mức độ hiện đại tại từng thời điểm khác nhau rõ rệt. Cuộc thi dancing robot chỉ trong 3 năm, số lượng đội tham gia đã tăng từ 20 lên 72. PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh (Phó trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy) tiết lộ: “Cuộc thi vào tháng 12 sắp tới sẽ có khoảng hơn 100 đội tham gia. Robot phải cảm nhận được âm nhạc và nhảy theo điệu nhạc. Robot nhỏ có thể tiết kiệm và linh hoạt hơn”. Ngoài ra trường còn tổ chức các sân chơi: Robo dò đường mê cung, robo sumo, robo leo dây xích cứu búp bê trên tầng cao khoảng 12m, máy bán báo tự động, máy tự tìm đường…
Ở qui mô quốc gia, tại cuộc thi “Xe năng lượng mặt trời” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng tổ chức (24-10-2011), Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM có 4 đội tham gia (3 đội Khoa Chế tạo máy, 1 đội Khoa Cơ khí động lực). Kết quả, đội Nano 1 (Khoa Chế tạo máy) do ThS. Đoàn Tất Linh hướng dẫn đã lọt vào trận chung kết. Đội phải đối mặt với hàng loạt khó khăn về động cơ, ánh nắng mặt trời lại yếu hơn so với những thời điểm trước. Do đó, đội không khỏi lo ngại về hoạt động của xe cũng như vấn đề năng lượng. Nhằm khắc phục vấn đề trên, các thành viên trong đội đã đưa ra những tính toán quan trọng về tỉ số truyền từ động cơ đến bánh xe nhằm đảm bảo vận tốc ổn định, theo đuổi cuộc thi đến cùng. Kết quả chung cuộc, đội Nano 1 đã thành công ở vị trí cao nhất, dù xuất phát sau cùng. Đây cũng là lần đầu tiên, sinh viên của trường tham gia sân chơi năng lượng mặt trời trên qui mô quốc gia.
Có thể nói sinh viên của trường luôn thể hiện tham vọng trước các đấu trường lớn. Cuộc thi lái xe sinh thái – tiết kiệm nhiên liệu Honda lần thứ 6 năm 2014 “HONDA ECO MILEAGE CHALLENGE” tổ chức tại Nhật Bản là ví dụ rõ ràng nhất. Vượt qua 131 đội ở hạng mục “Xe tự chế”, đội CKĐ MIN 10 của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã về đích với thành tích cao nhất cùng kết quả ấn tượng 1.098,286km/lít xăng. Đây cũng là câu trả lời xứng đáng trong tương lai gần của các sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trước câu hỏi: “Bạn sẽ đi được bao nhiêu km/lít xăng?”.
Bài, ảnh: Đức Thọ
 

Bình luận (0)