Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sàn diễn lạm dụng đề tài đồng tính

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi vở Trai mới lớn, một vở diễn khai thác đề tài đồng tính của đạo diễn Đình Hải, đang công diễn tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận (TPHCM) thì những ngày này đạo diễn Đức Thịnh đang ráo riết tập vở Hoa cúc dại (dự định đổi tên: Tôi là gay) cũng sẽ công diễn trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Đề tài đồng tính đang nóng lên trên sàn diễn khi các sân khấu cứ đua nhau khai thác loại đề tài này.

Nhận thức lệch lạc?

Hữu Nghĩa và Tiết Cương trong vở Phận làm traiVở Trai mới lớn của đạo diễn Đình Hải nhìn vấn đề đồng tính quá đơn giản. Các nhân vật xuất hiện chỉ như là cái cớ để tác giả nhấn mạnh thông điệp giáo dục rằng phụ huynh hãy quan tâm, hãy can thiệp ngay vào tình cảm của những cậu bé, cô bé mới lớn để con em mình không dính vào đồng tính. Thật sự điều chia sẻ này rất đáng quý, song người đồng tính không phải là bệnh nhân có khả năng lây nhiễm và một người bình thường dù có chấp nhận quan hệ, chung sống với người đồng tính vì mưu cầu vật chất, vì hoàn cảnh riêng thì đến một ngày nào đó họ cũng sẽ quay về với bản chất của mình. Khoa học đã chứng minh dị tính, đồng tính, lưỡng tính là do bẩm sinh.

Sàn diễn vài năm gần đây đã xuất hiện khá nhiều vở kịch khai thác đề tài đồng tính. Ban đầu khán giả nhận thấy đó là sự chia sẻ bởi rất nhiều thông điệp được đưa vào kịch, nhưng dần dà về sau một số vở đã xem đề tài này là chiêu thức câu khách. Nhân vật đồng tính bị đem ra bỡn cợt, săm soi và bi kịch của họ được mổ xẻ bằng vô số tình huống chọc cười. Xem vở Trinh nữ (Sân khấu Kịch Sài Gòn), nhân vật do nghệ sĩ Tấn Hoàng diễn là một người đồng tính, tìm đến bác sĩ để xin… vá màng trinh. Sự cợt đùa quăng bắt tiếng cười giữa Hoàng Sơn, Tấn Hoàng, Phương Dung đã thật sự xúc phạm đến những người của thế giới đồng tính. Thái độ ứng xử đúng đắn với người đồng tính ít nhiều đã thuyết phục người xem qua vở Phận làm trai trên Sân khấu Kịch Sài Gòn. Vấn đề đồng tính trong vở diễn chỉ là một lát cắt nhỏ trong chủ đề chung lên án những thanh niên lười biếng lao động, dùng “vốn tự có” để chài mồi những phụ nữ giàu có. Thế nhưng vai kịch của Hữu Nghĩa lại quá cường điệu khiến nhân vật ông giám đốc yêu trai đẹp không tìm được sự chia sẻ mà là sự giễu cợt.

Đức Thịnh cho biết anh viết kịch bản Hoa cúc dại bằng sự cảm nhận của mình về thế giới những người đồng tính hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Chưa thể nói tác động của vở kịch này như thế nào đối với bối cảnh chung của xã hội đang có những chuyển biến tích cực về cách nhìn nhận người đồng tính nhưng nếu không thận trọng, vở kịch lại một lần nữa xúc phạm đến họ.

Nghệ thuật phải là sự chia sẻ

Khi đưa ra một câu chuyện kịch và tìm hướng giải quyết có tính thuyết phục, tác giả kịch bản và đạo diễn không thể tùy tiện áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình. Đạo diễn Minh Nguyệt khi dựng vở Tiếng chim vườn Ngọc Lan đã kể: “Ban đầu tôi tiếp nhận nhiều ý kiến trái ngược nhau về cái kết của kịch. Nhân vật đồng tính tên Đạo Kinh, kết vở, giữ chặt trong tay quả nhân sâm có tẩm độc. Có ý kiến hãy để Đạo Kinh kết thúc bi kịch của mình bằng liều thuốc độc, có ý kiến nên cho Đạo Kinh thức tỉnh để trở lại là một người đàn ông. Khi đó NSƯT Thành Lộc, người thể hiện vai Đạo Kinh, đã đưa ra cái kết lửng, mang thông điệp chia sẻ. Và vở kịch đã để lại một ấn tượng đẹp nhờ cái kết đó”.

Hai vở kịch tại TPHCM đề cập vấn đề đồng tính thành công nhất là Những con thú thủy tinh (đạo diễn Đoàn Khoa, diễn tại Sân khấu nhỏ 5B) và Tiếng chim vườn Ngọc Lan (đạo diễn Minh Nguyệt, diễn tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM). Với hai tác phẩm này, rõ ràng giới làm sân khấu TPHCM đã sớm mạnh dạn nhìn thẳng vào vấn đề đồng tính bằng sự chia sẻ sâu sắc qua câu chuyện kịch và tài nghệ diễn xuất của thế hệ diễn viên kịch nói vàng: Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Quốc Thảo, Tú Trinh, Thanh Thủy…

NSƯT Thanh Điền – người đã dàn dựng vở cải lương đề tài đồng tính Tôi không yêu đàn bà (Đoàn Cải lương Sài Gòn 1) – cũng đã phân tích: “Tại sao cứ những người đồng tính trên phim, trên kịch phải xuất hiện ở các quán bar, vũ trường hay những nơi ăn chơi sa đọa. Họ cũng là con người, có hoài bão, có lý tưởng và sống tốt”.

Vở Nhà trọ tình yêu (đang diễn tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM) có cảnh nhân vật nữ, do Cát Tường thể hiện, nhìn say đắm cô bạn gái đang thay trang phục đã khiến một số khán giả xôn xao, vì vở kịch này là tác phẩm sân khấu đầu tiên đề cập đến vấn đề đồng tính nữ. Tác giả Lê Bình cho biết: “Chúng ta không nên nhìn họ là những con bệnh cần loại trừ trong cuộc sống, mà hãy để họ tìm đúng một nửa của mình trong đời. Đừng lên án, đừng bóp chết tình yêu của họ. Giới tính và người tốt là hai vấn đề khác nhau”.

Bài và ảnh: Thanh Hiệp (nld.com.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)