Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Săn” học bổng du học

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ ở Học viện Yola

Thông thường, từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm là thời điểm các trường ĐH, CĐ ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, New Zealand… tiếp nhận hồ sơ xin học bổng du học của học sinh, sinh viên (HSSV) các nước. Có rất nhiều loại học bổng được cấp cho HSSV nhưng không phải ai cũng nhận được một cách dễ dàng.
Chú trọng các kỹ năng
Hàng năm, hơn 500.000 SV quốc tế đăng ký thành công vào các trường ĐH, CĐ  Hoa Kỳ. Theo Viện Giáo dục quốc tế, khoảng 67% số SV này dựa vào ngân sách gia đình để theo đuổi việc học. Trung bình, SV quốc tế phải trả khoảng 16.000-46.500 USD cho khoản học phí và chi phí sinh hoạt một năm học ở Hoa Kỳ. Vì thế, tìm một suất hỗ trợ tài chính thích hợp đã trở thành một phần quan trọng trong quá trình đăng ký của họ. Bạn Quỳnh Nguyễn, SV năm 2 Trường ĐH Yale, cho biết để xin được một suất học bổng du học, SV cần phải có một hồ sơ thật hoàn thiện, trong đó nổi bật lên được những thông tin về quá trình đi học của bạn, một bài luận tự viết, thư giới thiệu (ít nhất là 3 thư), bảng điểm dịch sang tiếng Anh từ lớp 9 đến lớp 12 (bạn phải là HS khá, giỏi) cùng các chứng nhận hoạt động ngoại khóa của bạn… và đơn xin học vào trường mình chọn. “Tuy nhiên, học bổng tại Hoa Kỳ rất cạnh tranh. Điều này có nghĩa là nếu các bạn đăng ký xin học bổng càng sớm, bạn sẽ có nhiều cơ hội được nhận học bổng hơn so với một SV đăng ký trước ngày hết hạn. Thời gian xét duyệt hồ sơ của các trường ĐH, CĐ thường chỉ mất từ 2-3 tháng, họ luôn ưu tiên cho những người nộp hồ sơ sớm và có thiện chí muốn vào học tập tại trường. Đối với những ai đang có kế hoạch du học Hoa Kỳ trong tương lai gần, cần xác định ngay nguyện vọng của mình trường nào và nộp đơn xin nhập học kèm theo đơn xin học bổng. Đừng nên chần chừ vì mức học bổng cao nhất trường cấp thường dành cho SV mới nhập học”, Quỳnh Nguyễn bật mí.
Còn Duy Khoa, cựu SV Trường ĐH Stanford cho rằng, một trong những điểm yếu của các bạn SV Việt Nam khi xin học bổng là trình độ Anh ngữ không cao so với các SV quốc tế khác trên thế giới. Thường thì HSSV Việt Nam không đáp ứng được điểm số các kỳ thi chuẩn hóa SAT hay ACT dành cho bậc ĐH hay GMAT, GRE cho bậc cao học. Bên cạnh đó, HSSV Việt Nam mới chỉ chú trọng đầu tư cho việc học hành chứ rất ít tham gia những hoạt động ngoại khóa hay làm tình nguyện viên phục vụ cộng đồng. Trong khi đó, các trường ĐH Hoa Kỳ lại thường xét tất cả các mặt: Thành tích học tập lẫn hoạt động ngoại khóa, phẩm chất của người SV để cấp học bổng. “Môi trường học tập nhiều cạnh tranh, điều kiện sống ở nước ngoài khá khó khăn cho một du HS quốc tế. Nếu như trong hồ sơ của bạn chưa từng tham gia hoặc hạn chế tham gia các hoạt động Đoàn Đội, xã hội, tình nguyện thì khó lòng thể hiện được sức trẻ và sự năng động của bạn. Vì đó là một kênh quan trọng để kiểm tra khả năng học hỏi, giao tiếp, khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm và các tiềm năng khác của bạn. Do đó, các bạn nên tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa để vừa rèn luyện kỹ năng, lại vừa có chứng thực để viết trong hồ sơ xin học bổng”, Duy Khoa khuyên.
Chăm chút cả hình thức lẫn nội dung
Nhiều HSSV khi nộp hồ sơ xin học bổng thường ít chú trọng về hình thức mà quên mất rằng đây là điều khẳng định sự chuyên nghiệp của bạn với các trường tuyển sinh. Hải Hoàng, cựu SV Trường ĐH Franklin and Marshall chia sẻ rằng viết sai thông tin về giới tính, tuổi tác, địa điểm, khai khống điểm số… cũng khiến cho hồ sơ của bạn bị đánh rớt vì chắc chắn một điều rằng họ sẽ luôn chứng thực lại các thông tin mà bạn đã cung cấp trước khi ký giấy đồng ý cấp học bổng cho bạn du học tại Hoa Kỳ. Điều này thể hiện rất rõ tính chân thật, nghiêm túc và tôn trọng của bạn dành cho họ. “Bạn sẽ mất ngay hơn một nửa cơ hội nếu như bộ hồ sơ gửi đến tổ chức có bộ dạng nhàu nhĩ, cáu bẩn, chữ viết sai chính tả, bị tẩy xóa, trình bày lộn xộn… Điều này thể hiện sự bất cẩn và thiếu tôn trọng của bạn đối với họ”, Hải Hoàng khẳng định.
Ngoài việc chăm chút mặt hình thức, HSSV cần đầu tư kỹ hơn với các nội dung trong bộ hồ sơ. Quá trình chuẩn bị một bộ hồ sơ xin học bổng hoàn chỉnh thường kéo dài từ 6 tháng đến một năm, bao gồm thời gian tìm hiểu về học bổng, xin nhập học, viết các bài luận, xin thư giới thiệu, thi chứng chỉ tiếng Anh, dịch và công chứng các loại giấy tờ. Trong đó, thời gian thường dành nhiều nhất cho việc xin học tại trường ĐH (vì cần ít nhất một tháng để trường xét hồ sơ và trả lời ứng viên), viết luận và xin thư giới thiệu. Thường các trường sẽ yêu cầu các bạn phải viết một bài tự luận về một đề tài cụ thể nào đó. Việc này đòi hỏi HSSV phải có kỹ năng tư duy phân tích tốt (critical thinking), kỹ năng lập luận và kỹ năng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, đối với HSSV Việt Nam, mặt này còn khá hạn chế do chưa được dạy về kỹ năng lập luận vấn đề hay tự PR cho bản thân trong bài luận như thế nào. “Không ít các chương trình học bổng yêu cầu ứng viên gửi cho họ một bài luận về một chủ đề, đề tài nào đó nhằm thể hiện năng lực của bạn. Ngay cả khi bài luận của bạn dày kín trang giấy A4, đúng ngữ pháp nhưng lại không trau chuốt về ý tưởng, câu từ, tính định hướng hoặc niềm đam mê… thì nó cũng sẽ bị loại bỏ. Bạn hãy đầu tư một cách nghiêm túc vào bài luận bởi nó thể hiện tiếng nói và một phần năng lực của bạn đến tổ chức”, Hải Hoàng nói thêm.
Bài, ảnh: Tường Vy
Các trường ĐH ở Hoa Kỳ thường xét tất cả các mặt: Thành tích học tập lẫn hoạt động ngoại khóa, phẩm chất của HSSV để cấp học bổng.
 

Bình luận (0)

Ngoại ngữ - Du họcThông tin du học

Săn học bổng du học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngoài học lực, cần phải ghi điểm với các trường ĐH nước ngoài bằng hoạt động ngoại khóa, bài luận… Đó là kinh nghiệm “săn” học bổng của hầu hết các du học sinh Việt Nam.
Trần Bá Khôi Nguyên, sinh viên năm thứ 2 ngành toán ứng dụng Trường ĐH Duke (Mỹ), cho biết đã phải dành hẳn 2 năm để chuẩn bị cho quá trình du học. Vì vậy, không bất ngờ khi Nguyên nhận được hơn 10 học bổng từ các trường ĐH danh tiếng trên thế giới.
“Đánh bóng” hồ sơ
Khi còn là học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM, với thành tích học tập xuất sắc, Nguyên đã được cấp học bổng toàn phần học trung học tại Trường Anglo – Chinese Junior College (Singapore). Trong thời gian học phổ thông, Nguyên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như làm hướng dẫn viên cho một trung tâm du học, được bầu chọn là phó chủ tịch Hội Du học sinh quốc tế tại Singapore và tham gia Diễn đàn Thanh niên Đông Nam Á năm 2008.
Kết thúc bậc phổ thông, Nguyên về nước, dành hẳn 2 năm tham gia dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo ở Bến Tre, cứu trợ bão lũ ở Tây Nguyên, cứu trợ hạn hán tại Hà Giang… Sau đó, hồ sơ của Nguyên được 10 trường ĐH nước ngoài chấp nhận. Trong đó có nhiều trường hàng đầu như ĐH Cambridge (Anh), ĐH Stanford (Mỹ), SMU (Singapore)… Cuối cùng, Nguyên chọn học bổng toàn phần của Trường ĐH Duke (Mỹ).
“Trong quá trình làm hồ sơ, bạn phải chuẩn bị đầy đủ bảng điểm, thư giới thiệu, chứng chỉ đoạt các giải quốc tế, đề tài nghiên cứu khoa học, các hoạt động ngoại khóa… thì việc xin cấp học bổng sẽ dễ dàng hơn” – Nguyên tiết lộ.
Đoàn Nguyễn Duy Anh (trái) và Lê Tấn Việt được các du học sinh xem là 2 “chuyên gia” hàng đầu  trong việc “săn” học bổng du học
Được nhận vào 5 trường ĐH danh tiếng của Mỹ, Lê Tấn Việt, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Texas Chiristian, cho biết sở dĩ được các trường ĐH danh tiếng như Florida Institude of Technology, Rose Hulman, Drexel, Lafayette… chấp nhận hồ sơ là do em rất chú trọng đến việc viết bài luận. Việt cũng “bật mí” rằng khi có ý định du học thì học sinh nên chuẩn bị viết bài luận trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, tùy vào yêu cầu của từng trường, để “đánh bóng” hồ sơ thì không chỉ học lực mà còn những khả năng khác. Chẳng hạn khả năng chơi piano cùng các hoạt động ngoại khóa cũng chính là yếu tố cốt lõi để Trường ĐH Texas Chiristian (Mỹ) đồng ý tài trợ học bổng toàn phần cho Việt.
Trang bị kỹ năng
Đoàn Nguyễn Duy Anh, cựu học sinh chuyên Anh Trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM), được 8 trường ĐH hàng đầu của Mỹ gửi thư mời nhập học trong tháng 4-2012 như MIT Princeton, Columbia, Colgate…
Duy Anh cho biết trong quá trình làm hồ sơ đã gặp không ít rắc rối và bị các trường từ chối do em thiếu kinh nghiệm và kỹ năng. Vì vậy, Duy Anh đã tìm gặp các du học sinh Việt Nam để nhờ hướng dẫn làm hồ sơ, tìm hiểu các chính sách của từng trường ĐH… Sau đó, Duy Anh giữ vững mối liên hệ với cộng đồng du học sinh và có nhiều đóng góp cho tổ chức này.
Ngoài ra, thành tích học tập xuất sắc (giải nhất môn toán toàn bang Delawere, danh hiệu AP Scholar dành riêng cho học sinh ưu tú), năng nổ tham gia các hoạt động xã hội khác (dạy kèm cho các em nhỏ, tham gia các hội nghị quốc tế…) đã giúp Duy Anh gây ấn tượng với các trường ĐH hàng đầu.
Cuối cùng, Duy Anh đã chọn trường ĐH MIT danh tiếng với mức hỗ trợ học bổng lên đến 90%. “Cần linh hoạt trong việc chọn trường, chọn ngành và có chiến thuật hợp lý” – Duy Anh khẳng định. Còn Diêm Anh Thư, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), đã quyết định dành một năm sau khi tốt nghiệp THPT để tham gia các hoạt động tình nguyện và tăng cường kỹ năng sống chuẩn bị cho việc du học. Năm nay, Thư được 6 trường ĐH ở Mỹ (gồm Villanova, Franklin & Marshall, Mount Hoyoke, TCU, Cornell College, Ohio Wesheyan) chấp nhận.

 

Chia sẻ kinh nghiệm du học

Diễn đàn VietAbroader (tổ chức du học sinh Việt Nam tại Mỹ) cho biết đã mở hệ thống cho học sinh Việt Nam có ý định du học tại Mỹ đăng ký tham gia hội thảo Chuyền đuốc lần thứ 7, sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 21-7 và Hà Nội ngày 22-7.
Tham dự hội thảo, học sinh sẽ được các du học sinh Việt Nam đang học tại các trường ĐH hàng đầu của Mỹ tư vấn, giúp đỡ, giải đáp các vướng mắc trong việc làm hồ sơ xin học bổng, kinh nghiệm chọn trường, chọn ngành, làm bài luận, thảo luận các vấn đề xung quanh cuộc sống sinh viên tại Mỹ, quá trình tuyển sinh và xin visa…
 

Theo NLĐ