Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sân khấu cải lương vẫn đang chờ tài năng

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc 2023 tại tỉnh Bạc Liêu vừa khép lại với 21 giải thưởng chính và nhiều giải thưởng phụ khác. Dù lực lượng biểu diễn cải lương qua cuộc thi này có thể thấy vẫn khá đông đảo nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn.

Lực lượng ổn định 

Với 60 thí sinh từ 23 đơn vị nghệ thuật trên cả nước, cải lương luôn là loại hình nghệ thuật thu hút được nhiều thí sinh hơn hẳn các cuộc thi tài năng dành cho chèo, hát bội, dân ca kịch, kịch nói. Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thanh Tuấn cho biết, điều làm ông xúc động nhất khi tham gia hội đồng giám khảo cuộc thi năm nay là nhìn thấy lực lượng biểu diễn đông đảo và đầy đam mê với nghề. Trong đó, có không ít diễn viên tự do phải tự túc từ kinh phí thực hiện tiết mục, đi lại, ăn ở trong thời gian dự thi.

Thí sinh Nguyễn Văn Khởi đã tiến bộ rất nhiều với vai Lê Hồng Phong (trích đoạn Câu hò đất mẹ) và đạt giải Nhất cuộc thi

Thí sinh Nguyễn Văn Khởi đã tiến bộ rất nhiều với vai Lê Hồng Phong (trích đoạn Câu hò đất mẹ) và đạt giải Nhất cuộc thi

Nhìn chung, lực lượng dự thi năm nay khá đồng đều và phần lớn đã có kinh nghiệm “chinh chiến” qua nhiều cuộc thi. Điều đáng ghi nhận là các thí sinh đều chọn vai diễn mới, thậm chí chấp nhận thử thách khó khăn hơn. Có thể kể Nhật Nguyên (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) thử sức với loại hình cải lương tuồng cổ với vai Nguyễn Phục trong trích đoạn Bức ngôn đồ Đại Việt. Nguyễn Văn Khởi (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) mạnh dạn vào vai diễn nặng ký là Lê Hồng Phong (trích đoạn Câu hò đất mẹ). Với vai Thắng trong vở Đường đua trong bóng tối, Võ Thành Phê (Hội Sân khấu TPHCM) cũng thử thách bản thân với một vai diễn nặng tâm lý, vốn không phải là thế mạnh của anh…

Theo NSND Giang Mạnh Hà – Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, việc đổi mới quy chế từ cuộc thi dành cho “tài năng trẻ” (dưới 35 tuổi) thành cuộc thi cho các “tài năng” (đến 45 tuổi) cũng tạo điều kiện mở rộng và đa dạng đối tượng dự thi. Đáng mừng hơn là phần lớn thí sinh đều đang là lực lượng biểu diễn nòng cốt tại các đơn vị nghệ thuật và được quan tâm bồi dưỡng. Số thí sinh tự do cũng năng động, chủ động bám nghề và sống được bằng nghề hát.

Vẫn cần trau dồi thêm

Theo Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ca Lê Hồng – Chủ tịch Hội đồng giám khảo – cuộc thi lần này quy tụ nhiều diễn viên có chất giọng đẹp. Trong đó, có những giọng ca từng đạt danh hiệu “Chuông vàng vọng cổ” và nay đã thể hiện bước tiến rõ trong nghề (trong 7 thí sinh đạt giải Nhất của cuộc thi có 2 “chuông vàng” là Nguyễn Văn Khởi và Phương Cẩm Ngọc).
Về chuyên môn, NSND Thanh Tuấn cho rằng các thí sinh phải có những sáng tạo riêng biệt trong cách ca để cuốn hút người nghe: “Các em ca vẫn còn an toàn, hạn chế luyến láy, ngân nga, chưa biết cách phát huy giọng ca sở trường để tạo điểm nhấn”.

Trao giải cho 7 thí sinh đạt giải Nhất cuộc thi (Ảnh: ban tổ chức)

Trao giải cho 7 thí sinh đạt giải Nhất cuộc thi. Ảnh: ban tổ chức

NSND Giang Mạnh Hà nhận định cuộc thi chưa tìm ra những tài năng thực sự nổi trội, đủ sức thuyết phục khán giả cả về giọng ca, diễn xuất lẫn sắc vóc. Là người theo sát nhiều cuộc thi, ông cho rằng, nhiều thí sinh đã có sự tiến bộ trong động tác hình thể, vũ đạo, thành thạo cách sử dụng đạo cụ, binh khí hơn so với cuộc thi trước. Ở cuộc thi này, nhiều thí sinh mạnh dạn chọn vai diễn cổ trang, lịch sử hơn. “Tuy nhiên, sự phối hợp nhịp nhàng giữa động tác vũ đạo và tính cách, nhân thân của nhân vật còn nhiều lúng túng, nhất là khi thể hiện nhân vật lịch sử. Các bạn chưa làm bật được khí chất của người anh hùng, thậm chí nhiều khi động tác không ăn nhập gì với tâm trạng nhân vật” – ông nói.

Theo NSƯT, đạo diễn Nguyên Đạt, cuộc thi lần này vẫn chưa có nhiều sáng tạo mới trong cách nghĩ, cách làm, thậm chí có sự trùng lắp, vội vàng, đơn giản ở một số tiết mục. Rõ nhất là ở một số đơn vị xã hội hóa, vì kinh phí hạn hẹp nên bối cảnh sơ sài, lạm dụng màn hình LED. Đáng ngại nhất là vẫn còn những tiết mục dự thi thiếu bàn tay đạo diễn nên thí sinh gặp khó khăn trong việc thể hiện nhân vật.

Chia sẻ về định hướng tiếp tục phát triển nguồn nhân lực từ cuộc thi, NSƯT Nguyên Đạt đề xuất: “Cải lương vẫn đang chờ đợi một chiến lược lâu dài, hướng đến việc phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ làm nghề. Lớp nghệ sĩ trẻ cần thêm nhiều cơ hội biểu diễn, tiếp cận với khán giả để rèn luyện kinh nghiệm và bản lĩnh sân khấu. Bên cạnh đó, mỗi nghệ sĩ cũng phải tự học tập, rèn luyện nhiều hơn về ca diễn, vũ đạo, trình thức biểu diễn… để tiến bộ”. 

21 giải thưởng chính thức và 18 giải thưởng phụ được trao trong đêm bế mạc vẫn chưa đủ sức làm những người làm cải lương thực sự vui mừng. Bởi sự đổi thay, tiến bộ của những gương mặt được vinh danh vẫn chưa thực sự tạo được ấn tượng so với những gì họ đã thể hiện ở các cuộc thi trước đó.

Ông Trần Hướng Dương – Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi – cho biết: “Từ thực tế cuộc thi này, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên của loại hình nghệ thuật cải lương nói riêng, trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng của loại hình nghệ thuật cải lương truyền thống”. 

Theo Ninh Lộc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)