Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sân khấu gian nan tìm điểm diễn

Tạp Chí Giáo Dục

Sân khấu hiện đang khó khăn nhưng các nhà đầu tư không nản chí, vẫn tâm huyết đổ sức người, sức của vào nghệ thuật. Tuy nhiên, điều nan giải nhất hiện nay không phải là vốn, mà là điểm diễn. Các ông bà bầu TP.HCM đang nháo nhào đi tìm điểm diễn trong một thành phố gọi là lớn bậc nhất của cả nước.

Nhu cầu rất lớn

Nói tình hình khó khăn nhưng thực ra vẫn còn nhiều ông bà bầu đang sôi nổi gầy dựng sân khấu, bởi cái máu nghệ thuật không bỏ được. Dù IDECAF vẫn đang hoạt động, và mỗi năm đều có vài chục suất tại Nhà hát Bến Thành, nhưng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn vẫn tìm một điểm diễn khoảng 500 – 600 ghế cho những dự án mới mẻ. Ông nói: “Đi tìm nát nước luôn. Sân khấu dứt khoát phải gần trung tâm, chứ các quận xa thì khó có khán giả. Nhưng trung tâm thì có bao nhiêu rạp?”.

Đạo diễn Ngọc Hùng cũng cho biết: “Tôi muốn làm một lúc hai sân khấu, một cho người lớn, một cho lớp trẻ, sinh viên, nhưng quần thảo khắp nơi mà tìm không ra địa điểm phù hợp, rốt cuộc chạy về Q.4. Nếu có giấy phép thì cũng phải xây dựng mới hoàn toàn chứ cơ sở vật chất chưa có gì. Như thế đã mừng lắm rồi, chờ cái có sẵn thì biết đến bao giờ”.

Nghệ sĩ Hoàng Đăng Khoa vừa ngưng hợp tác với đoàn Huỳnh Long và thành lập sân khấu cải lương riêng, cũng khổ sở khi đi tìm rạp: “Thấy mặt tôi là các anh các chú lãnh đạo cơ sở buột miệng hỏi ngay: “Đi tìm rạp phải không?”, nghĩa là tôi đi mòn chân mòn mặt luôn. Cải lương giờ còn mấy đơn vị hoạt động đâu, chỉ mong được hỗ trợ điểm diễn thôi, rồi tự chúng tôi bươn chải sáng đèn”.

Ông bầu Gia Bảo nổi tiếng với những chương trình cải lương lớn, tập hợp rất nhiều nghệ sĩ “thế hệ vàng”, nhưng gần đây cũng vất vả, có khi phải vô phòng trà, có khi diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang, số ghế hơi ít nên thu không đủ bù chi. Gia Bảo nói: “Vì nghệ sĩ hải ngoại về nước có thời gian nhất định của họ, mình không thể trì hoãn show diễn, nên kẹt quá thì rạp lớn nhỏ gì cũng lấy”.

Sân khấu gian nan tìm điểm diễn  - ảnh 1

Live show NSƯT Bảo Quốc mới đây tổ chức tại Nhà hát Trần Hữu Trang vé không đủ bán vì số ghế hơi ít

Ngoài ra, các nhóm xã hội hóa khác như nhóm Kim Tử Long, Vũ Luân, Chí Linh – Vân Hà, Bình Tinh, Thành Hội – Ái Như, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Trác Thúy Miêu, Trần Bùm, Nguyễn Quang, Kim Ngân, Buffalo, Hồng Hạc, Thế Giới Trẻ của NSND Hoàng Yến… cũng đều có nhu cầu về điểm diễn.

Rạp thiếu, kém, vướng thủ tục, giá thuê cao

Thực sự cả thành phố mười mấy triệu dân mà không có bao nhiêu rạp hát đang hoạt động. Lớn nhất là Nhà hát Hòa Bình, với khoảng 3.000 ghế, nhưng giá thuê hơn trăm triệu đồng, sân khấu đành chịu thua, chỉ các công ty làm sự kiện mới có thể kham nổi. Nhà hát TP.HCM đẹp nhất nhưng giá cũng xấp xỉ trăm triệu, mà chỉ khoảng 700 ghế thì dù bán hết vé cũng có nguy cơ lỗ. Nhà hát Trần Hữu Trang mới xây lại cũng là một lựa chọn tốt, nhưng chỉ có hơn 400 ghế (phân nửa trên lầu) thì các show lớn dễ bị lỗ, và các vở hoành tráng lại không đủ không gian. Chính vì vậy Nhà hát Bến Thành là lựa chọn tối ưu cho hầu hết các đơn vị, với khoảng 1.000 ghế và giá thuê khoảng 80 triệu đồng/đêm, thì ông bà bầu mới có hy vọng thu hồi vốn. Vậy nhưng lịch nhà hát dày đặc, nhất là mùa hè thì có mấy chục suất Ngày xửa ngày xưa, mùa tết cũng nhiều đơn vị đăng ký, chậm chân là đành ngậm ngùi.

Còn lại các sân khấu khác đang “nương náu” vào các trung tâm văn hóa quận, huyện như Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Bình Tinh, Hoàng Đăng Khoa đang diễn tại Trung tâm văn hóa các quận 10, 6, Phú Nhuận. Nhà văn hóa Thanh niên ở Q.1 cũng được các đơn vị tranh nhau đăng ký lịch, nên kín mít quanh năm. Trung tâm văn hóa thường có 300 – 400 ghế, coi như khá lý tưởng, với giá thuê dao động trong khoảng 10 – 40 triệu đồng/suất.

Sân khấu gian nan tìm điểm diễn  - ảnh 2

Vở kịch Mưa bóng mây của đạo diễn Ngọc Hùng được khen ngợi rất nhiều sau Liên hoan kịch toàn quốc 2021 nhưng chưa có nơi để diễn bán vé. Ảnh: H.K

Một yếu tố nữa khiến các ông bà bầu lo lắng là các trung tâm văn hóa quy định chỉ ký hợp đồng 3 tháng một lần, nên họ không dám đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất kỹ thuật, thành ra vở diễn không thể nào đạt tới chất lượng nghệ thuật như mong muốn. Tuy nhiên, theo một bà bầu tiết lộ, thì 3 tháng là nói cho đúng quy định vậy thôi, chứ trung tâm văn hóa cũng “chừa chỗ” lâu dài cho sân khấu, đâu nỡ cứng nhắc. Vậy nhưng tâm lý người đi thuê mặt bằng cũng lo người lãnh đạo khác lên thay liệu có thay đổi gì không, nên cũng không dám đầu tư.

Còn những rạp khác đang trong tình trạng thế nào? Rạp Công Nhân ngay mặt tiền Q.1 thì bị cháy, mấy năm trời chưa sửa xong. Rạp Kim Châu cũng ở Q.1, thuộc Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen quản lý, có sửa chữa lại đôi chút, dù ít biểu diễn nhưng cũng không chủ trương cho đơn vị khác thuê. Rạp Thủ Đô và Nhân Dân (Q.5), Đại Đồng (Q.3), Long Phụng (Q.1) đều ở vị trí mặt tiền rất đẹp nhưng giờ đã hư hỏng nặng, đang đóng cửa để đó. Rạp Vườn Lài (Q.10) xuống cấp, vừa đóng cửa chờ sửa lại. Sân khấu 5B Võ Văn Tần cũng xuống cấp trầm trọng, sửa chữa chắp vá dùng tạm vậy thôi. Khổ nỗi, nhà nước thiếu kinh phí sửa chữa, nhưng tư nhân muốn bỏ tiền làm theo phương cách xã hội hóa cũng không dễ. Một số anh em có vốn, chỉ cần nhà nước cho phép là họ vào cuộc ngay, đôi bên cùng có lợi, quan trọng nhất là sân khấu sáng đèn, sáng luôn bộ mặt văn hóa của thành phố.

Một số điểm diễn thì vướng thủ tục khiến nhà đầu tư bỏ cuộc. Chẳng hạn sân khấu của Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM nằm ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) vì thụt vào bên trong khá sâu nên nhà đầu tư xin dời phòng bán vé ra cạnh mặt đường để khán giả dễ mua, nhưng không được giải quyết. Hoặc Nhà hát Thế Giới Trẻ của NSND Hoàng Yến đang diễn rất tốt tại sân khấu Trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM thì đùng một cái bị nhà trường bắt ngưng, và khi chuyển sang sân khấu Trường Múa TP.HCM một thời gian cũng bị đơn phương cắt hợp đồng mà không có lý do rõ ràng, trong khi nghệ sĩ Hoàng Yến vừa đầu tư dàn đèn hơn 100 triệu đồng. Hoặc những trung tâm văn hóa khi có chương trình đột xuất của các đoàn thể thì sân khấu phải nhường lịch. Nhìn chung, hầu hết mặt bằng hiện nay đều là của nhà nước, nên các nhà đầu tư luôn nằm ở “chiếu dưới”.

Về vĩ mô, lâu dài, cần xây thêm rạp mới đủ tiêu chuẩn, hoặc chí ít là sửa chữa các rạp cũ, tận dụng mặt bằng quý giá. Về ngắn hạn, cần cởi mở các thủ tục, giảm giá thuê. Nói công tâm, so với cả nước thì chỉ TP.HCM là sân khấu sáng đèn hằng tuần, trở thành một nét văn hóa đáng trân trọng, vì vậy nhà nước cần quan tâm hơn nữa để sân khấu phát triển.

Theo Hoàng Kim/TNO

Bình luận (0)