Tình yêu nghệ thuật truyền thống đã được nhân rộng khi chương trình "Sân khấu học đường năm 2022" của một số đơn vị xã hội hóa có sự cải tiến về nguồn kịch bản và hình thức dàn dựng.
Sau suất diễn này, nghệ sĩ Bình Tinh bày tỏ: "Ðể thu hút sự quan tâm của giới trẻ, những người làm nghệ thuật phải thử nghiệm nhiều phương thức, trong đó đẩy mạnh việc dàn dựng các chương trình, vở diễn đưa vào học đường. Đoàn Huỳnh Long đang triển khai kế hoạch này".
Nghệ sĩ Chấn Cường tại chương trình “Sân khấu học đường năm 2022” diễn ở Trường THCS Huỳnh Khương Ninh. Ảnh: Thanh Hiệp
Theo nghệ sĩ Bình Tinh, mẹ của cô là cố soạn giả Bạch Mai đã sáng tác nhiều trích đoạn cải lương tuồng cổ ca ngợi tấm gương anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, Sân khấu Lạc Long Quân với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi như: Kiều Phượng Loan, Mỹ Chi, Kim Tiểu Long, Tú Trinh, Bạch Long, Bình Tinh… đã dàn dựng các vở ngắn có thời lượng 15 đến 30 phút như: "Dũng tướng Nguyễn Địa Lô", "Lá cờ thêu sáu chữ vàng", "Triệu Thị Trinh"… cho đợt biểu diễn tại các trường cấp THCS, THPT.
Ba đơn vị công lập: Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam và Nhà hát Trần Hữu Trang cũng nỗ lực đầu tư các chương trình "Sân khấu học đường" mới. Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, cho biết những trích đoạn mới mang tính giáo dục tinh thần yêu nước, rèn luyện phẩm chất trong học tập. Các nghệ sĩ giao lưu, giới thiệu các nét đẹp tiêu biểu, tinh hoa của nghệ thuật truyền thống bằng những hình thức phong phú, sinh động hơn.
"Sự đầu tư cho tiết mục mới là tín hiệu đáng mừng, ghi nhận hiệu quả bước đầu là nhân rộng sự yêu thương, đoàn kết qua từng tiết mục ca ngợi lịch sử dân tộc. "Sân khấu học đường" đang đổi mới để đạt mục tiêu lâu dài là trao truyền kiến thức về nghệ thuật truyền thống, khơi gợi tình yêu dành cho sân khấu trong lòng giới trẻ" – ông Phan Quốc Kiệt nhấn mạnh.
NSND Trần Minh Ngọc gợi ý thêm rằng cần mời các chuyên gia và nghệ sĩ uy tín khái quát bài giảng trước mỗi chương trình, khởi động những cuộc thi trong từng trường học ở các quận, huyện về nghệ thuật truyền thống. Một số trường đã hình thành CLB sân khấu, dân ca, âm nhạc dân tộc… để các em trực tiếp thể hiện năng khiếu sau khi xem "Sân khấu học đường", góp phần nhân rộng hiệu quả hơn là thụ động ngồi xem mà không được thực hành.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO
Bình luận (0)