Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sân khấu không dành cho người thụ động

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Chuyện tình mùa thu - một trong những vở kịch đầu tiên làm nên phong cách lãng mạn của đạo diễn trẻ Đức Thịnh cách đây ba năm-Ảnh: T.T.D.Không nhiều, nhưng vẫn có những đạo diễn trẻ không chấp nhận nghịch lý: người già tất bật chạy sô dựng vở, người trẻ thất nghiệp nằm nhà hoặc chuyển nghề (“Khi các lão tướng vẫn làm việc mệt nghỉ!”, Tuổi Trẻ ngày 25-8). Họ không đổ lỗi: “Không ai tin chúng tôi!” mà khẳng định: “Sân khấu không dành cho những người thụ động!”.

Điểm lại những gương mặt đạo diễn trẻ được làm nghề thường xuyên của sân khấu TP.HCM có thể thấy không quá hai bàn tay. Những Vũ Minh, Đức Thịnh, Thái Hòa, Hoàng Duẩn… gần như trở thành những trường hợp đặc biệt khi được ở hẳn trong “biên chế” của một đoàn, được giao vở liên tục, được đầu tư bài bản cho những ý tưởng của mình trên sân khấu và điều quan trọng là được khán giả nhớ tên…

Nỗ lực không ngừng

Có được chỗ đứng vững vàng của ngày hôm nay, ngoài năng khiếu, sự yêu nghề và một chút may mắn, những đạo diễn trẻ nổi bật của sân khấu TP đã phải tự thân nỗ lực phấn đấu rất nhiều.

Đạo diễn Vũ Minh vốn xuất thân từ một cậu bé bán thuốc lá dạo chuyên đi xem kịch lóm để tự học nghề. Chính những ngày gian khó đã giúp anh có thêm vốn sống, sự chăm chỉ cần thiết, ngay khi còn đang học đã “dựng vở như điên” (NV) để thầy cô, bạn bè xem và góp ý (một điều các sinh viên đạo diễn khác rất ngại và chỉ dồn công sức để dựng vở tốt nghiệp). Đạo diễn Hoàng Duẩn thì tỏ ra là một người rất năng động và nhanh nhẹn trong việc nắm bắt cơ hội.

Đi tìm cái riêng

Tự định hình cho mình một phong cách, một lối đi riêng cũng là cách mà những đạo diễn gạo cội chia sẻ. NSND Doãn Hoàng Giang kể lại: “Ngày mới xuất hiện, tôi đã thổi luôn cái ngỗ ngược của tuổi trẻ vào những vở mình dựng, thế mà các đoàn lại mời tới tấp dù trước tôi là những bóng sừng sững của các bậc đàn anh!”. Đi tìm cái riêng, Đức Thịnh cũng đã tự chọn cho mình phong cách lãng mạn, Thái Hòa gây bất ngờ với kịch kinh dị, Lý Khắc Lynh mày mò kết hợp điện ảnh với sân khấu…

Trong nghệ thuật, có thể thành công sẽ đến với người này người kia nhờ năng khiếu bẩm sinh, sự nỗ lực không ngừng, một chút may mắn hoặc sự nhanh nhẹn cần thiết, nhưng rõ ràng họ đều không phải là những người thụ động ngồi chờ sung rụng hoặc phó mặc cho số phận.

 

Rời miền Trung nắng gió với vỏn vẹn 60.000 đồng trong túi, anh vào Sài Gòn lập nghiệp với kịch rối rồi chuyển dần sang viết kịch bản và dàn dựng những vở kịch ngắn, tiểu phẩm, kịch dài, kịch truyền hình, cải lương. Anh cũng trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Nhà hát Kịch TP.HCM khi chủ động đi tìm những nguồn tài trợ, những dự án hợp tác cùng có lợi hay những chuyến lưu diễn xa.

Đức Thịnh và Thái Hòa hiện là hai “con cưng” của Sân khấu Phú Nhuận khi vở diễn của cả hai luôn nhận được sự đầu tư lớn của bà bầu Hồng Vân và sự chờ đợi của khán giả. So với thời của Em và ngôi sao, Người đàn ông của trời, Chuyện tình mùa thu thì Đức Thịnh của bây giờ đã có vẻ “già” hơn, ít mơ mộng hơn nhưng vẫn là một trong những đạo diễn trẻ có nghề nhất hiện nay. Anh cũng mất ba năm trời đi tấu hài sau khi ra trường rồi loay hoay học nghề, dựng vở, đọc sách, xem phim, quan sát cuộc sống.

Thịnh bảo: “Tôi đã tranh thủ học tất cả, đọc tất cả để mày mò xây dựng tình huống, xây dựng tính cách nhân vật và nuôi dưỡng sự lãng mạn trong tâm hồn”.

Còn Thái Hòa lại là một trường hợp “cá biệt” với cái mác “đạo diễn không bằng cấp”. Từng bỏ nhà đi bụi hai lần, học hành trầy trật, mất năm năm lăn lóc làm hậu đài, quân sĩ, người nhắc tuồng, đi tấu hài, đóng vai quần chúng… rồi đột nhiên chuyển sang làm đạo diễn; Thái Hòa đã làm cho bà bầu Hồng Vân và khán giả phải tin mình qua các vở Sự lừa dối đáng yêu, Tứ hỷ lâm môn và đặc biệt là hiện tượng Người vợ ma với hơn 200 suất diễn.

Ngoài ra còn có thể kể thêm một số gương mặt khác như Đình Toàn, Châu Hùng Lâm, Chánh Trực, Nguyễn Lâm… cũng đã cố gắng có được những vở diễn trên sân khấu chuyên nghiệp.

Vì “vạn sự khởi đầu nan”

Một thực tế của mấy năm gần đây: các lớp đạo diễn sân khấu ra ràng có rất ít người trụ được với nghề. Trừ một số đi học vì mục đích khác, còn lại nhiều đạo diễn khi ra trường đã mang tư tưởng đến đâu hay đến đó! Trong số gần 60 đạo diễn trẻ từng đăng ký tham dự Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc (tháng 12-2007), có đến 2/3 đã bỏ cuộc với lý do “lực bất tòng tâm”.

Số còn lại sau cuộc thi cũng “im thin thít và lặn mất tăm”. Hỏi ra mới biết Bích Phượng đi làm ở công ty tổ chức sự kiện; Hoàng Thúy đi nước ngoài; Huyền Trân về Bình Phước; Kim Khôi, Ngọc Phòng đi phụ việc một nhà văn; Hoàng Bách Việt chuyển sang viết kịch bản phim; Long Hà về quê lấy vợ, thậm chí có người hiện đang… đi múa cho vũ đoàn!

Một vấn đề nữa là nhiều đạo diễn trẻ hiện nay rất coi thường việc học và thu nhận kiến thức từ nhiều nguồn để tích lũy vốn kinh nghiệm. Một giảng viên khoa đạo diễn cho biết đã phải dùng điểm số để bắt buộc học trò mình đi xem các vở phúc khảo ở các sân khấu, nhưng cũng có nhiều bạn viện đủ lý do để trốn. Thậm chí nhiều sinh viên lo chạy sô, đi làm thêm, đi tấu hài rồi thanh minh vì mưu sinh, vì giáo trình không thực tế, vì học cũng không thể hành bởi các sân khấu đã đủ người…

Các đạo diễn trẻ vẫn luôn than thở: mới ra trường, thân cô thế cô, kinh nghiệm không có làm sao các đoàn hát dám tin tưởng giao vở. Trong khi đó, các ông bầu, bà bầu cho biết họ rất hiếm khi thấy một đạo diễn trẻ nào dám tự tin cầm kịch bản đến trình bày ý tưởng rồi thẳng thắn đặt vấn đề. Những cuộc gặp gỡ này có thể thành công hoặc thất bại, vở có thể được dựng hoặc bị từ chối, nhưng ít ra các đạo diễn trẻ cũng đã tự giới thiệu được mình là ai và biết phải làm thế nào để nhà sản xuất tin tưởng.

Theo đạo diễn Trần Ngọc Giàu, có thể giáo trình giảng dạy vẫn còn nhiều điều phải bàn, có thể thị trường sân khấu hiện nay rất khắc nghiệt, nhưng tự bản thân mỗi đạo diễn trẻ cần phải bản lĩnh hơn để được làm nghề vì “vạn sự khởi đầu nan” chứ không thể cứ ngồi trách móc, đổ lỗi mãi. Đi lên từ những ngày gian khó để từng bước khẳng định mình, những đạo diễn trẻ như Đức Thịnh, Vũ Minh, Thái Hòa, Hoàng Duẩn vẫn luôn tâm niệm: “Còn trẻ là còn sáng tạo, còn khát khao!”.

HOÀNG OANH (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)