Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sân khấu “khủng hoảng thiếu” đề tài đương đại

Tạp Chí Giáo Dục

Kịch bản cũ được dựng đi dựng lại. Kịch bản mới rất ít câu chuyện mang hơi thở đời sống hiện nay.

Vở đề tài hậu chiến, lịch sử lên ngôi

Liên hoan sân khấu thủ đô vừa kết thúc tối 2.10. Cả 3 vở diễn được giải vàng đều không mang tính đương đại. Trong đó, vở Mưa đỏ (tác giả Chu Lai, đạo diễn NSND Lê Hùng, đơn vị dự liên hoan là Nhà hát Kịch nói Quân đội) là tác phẩm đề tài chiến tranh. Hai vở còn lại về đề tài lịch sử: Vương quyền – Vụ án Tống Thị Quyên (tác giả kịch bản nhà văn Bích Ngân, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt, đơn vị tham gia là Chi hội Biểu diễn nghệ thuật Thăng Long – Hội Sân khấu Hà Nội); Trung trinh liệt nữ (tác giả Trần Hồng Vân, chuyển thể chèo Mai Văn Sinh, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai, đơn vị dự liên hoan là Nhà hát Chèo Hà Nội).

Sân khấu “khủng hoảng thiếu” đề tài đương đại - ảnh 1

Cảnh trong vở Mưa đỏ. Ảnh: T.L

Các vở diễn đề tài chiến tranh cũng như lịch sử còn “phủ sóng” kín giải thưởng dành cho cá nhân. Nhà văn Chu Lai đoạt giải thưởng Tác giả xuất sắc với vở diễn Mưa đỏ kể trên. Đạo diễn, NSND Lê Hùng nhận giải Đạo diễn xuất sắc cũng với Mưa đỏ. Thạc sĩ Hoài Anh nhận giải Biên đạo múa xuất sắc với vở Trung trinh liệt nữ. Cuối cùng, họa sĩ Đặng Minh Tuấn nhận giải Họa sĩ xuất sắc cũng với Mưa đỏ.

Về Mưa đỏ, nhà văn Chu Lai cho biết, tác phẩm này được giải kịch bản văn học của Hội Điện ảnh năm 2016. Sau đó, ông chuyển tác phẩm này sang tiểu thuyết Mưa đỏ khi phim chưa biết bao giờ mới bấm máy. Tiểu thuyết Mưa đỏ sau đó lại được giải Hội Nhà văn VN và Bộ Quốc phòng. “Nhưng tôi vẫn theo thói quen cũ chuyển thành kịch. Vở này đoạt giải A duy nhất của kịch bản văn học hằng năm, sau đó Nhà hát Kịch nói Quân đội đầu tư dựng vở thì nó được giải vàng, và giải tác giả xuất sắc. Nó là đề tài chiến tranh, là sở trường của tôi”, nhà văn Chu Lai nói.

Đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng các tác phẩm đề tài hậu chiến, đề tài lịch sử hoàn toàn có thể là một tác phẩm hay. Mặc dù vậy, theo ông, giải thưởng cho đề tài này quá nhiều thì… hơi buồn. “Cảm giác như các tác giả chưa đủ dũng cảm để động vào đề tài đương đại, chưa đủ tài năng để có đề tài đương đại hay. Chuyện này giống như khán giả hiện tại bị bỏ quên”, ông Dương nói.

Sân khấu “khủng hoảng thiếu” đề tài đương đại - ảnh 2

Trung trinh liệt nữ của Nhà hát Chèo Hà Nội. Ảnh: Lại Tấn

Cuộc khủng hoảng

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch VN, từng chia sẻ nhà hát của ông liên tục tìm kiếm các kịch bản tốt về đời sống đương đại nhưng rất hiếm. “Chúng tôi mong muốn đi thẳng và trực diện vào những vấn đề nóng nhất của xã hội hiện đại, những đề tài khai thác tâm lý, trăn trở và khát khao, ước mơ và hoài bão cũng như những toan tính, khổ đau của con người trong guồng quay hối hả của cuộc sống. Tuy vậy, việc tiếp cận và thể hiện những chủ đề ấy phải chân thực mà không trần trụi, hiện thực cần được chắp thêm đôi cánh của sự lãng mạn, của niềm lạc quan và khát vọng”, ông Hiếu nói.

Xã hội đang hừng hực cháy lên ngọn lửa của công lý và lẽ phải, nhưng dường như trái tim của các nhà văn và kịch tác gia hơi nguội lạnh và thờ ơ quá.

Đạo diễn Lê Quý Dương

Nhà phê bình sân khấu, TS Trần Trí Trắc đánh giá việc thiếu đề tài đương đại cho thấy nhiều nghệ sĩ chưa hiểu thấu đáo về sự chuyển hóa lớn của đất nước khi đi từ chiến tranh sang hòa bình, từ cách mạng dân tộc dân chủ sang định hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế… “Có nghĩa là văn nghệ sĩ chưa có vốn sống thực tế về đề tài hiện đại”, ông Trắc nói.

Một đạo diễn sân khấu chia sẻ, hiện tại có một cuộc khủng hoảng đề tài về vấn đề đương đại của sân khấu. Điều đó thể hiện ở chỗ các liên hoan sân khấu gần đây rất ít vấn đề đương đại, và nếu có cũng không để lại tiếng vang. “Có thể thấy những kịch bản có sức diễn lâu trên sân khấu thủ đô những năm gần đây nhất là của tác giả Lưu Quang Vũ. Một số kịch bản có thể diễn lâu lại cũng là đề tài chiến tranh hay hậu chiến như Điều còn lại. Gần như không có các kịch bản mới có thể diễn lâu dài như các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Xuân Trình… trước kia”, vị đạo diễn này nói.

Đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng sân khấu hướng về quá khứ, lấy đề tài lịch sử, hậu chiến để tìm ra cách giải quyết và những bài học kinh nghiệm cho các vấn đề của cuộc sống đương đại đang trở thành một xu thế khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, sân khấu có sứ mệnh to lớn của một loại hình nghệ thuật mang tính tiên phong, vừa dự báo, vừa định hướng, vừa dẫn dắt đời sống và xã hội. “Nhiều vấn đề xã hội đang chờ đợi, mong mỏi và khát khao tác giả kịch bản và đạo diễn sân khấu quan tâm tới. Xã hội đang hừng hực cháy lên ngọn lửa của công lý và lẽ phải, nhưng dường như trái tim của các nhà văn và kịch tác gia hơi nguội lạnh và thờ ơ quá”, ông Dương nói.

Mặc dù vậy, ông Dương vẫn cho rằng: “Xã hội của chúng ta hôm nay, với tất cả những vấn đề đang tồn tại và khát vọng đổi mới tốt đẹp hơn chính là mạch nguồn tiềm ẩn và sinh thành những kịch bản và vở diễn xứng với tầm vóc của thời đại”.

Theo Trinh Nguyễn/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)