Y tế - Văn hóaThư giãn

Sân khấu kịch phía Nam khốn khó

Tạp Chí Giáo Dục

Cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp, không có mặt bằng cố định… là thực trạng chung của hầu hết sân khấu kịch nói hiện nay tại TP.HCM.

Từ nhiều năm nay, bộ mặt sân khấu kịch nói phía Nam, trọng điểm là sân khấu kịch nói tại TP.HCM hoạt động trở nên sôi nổi hơn, liên tục sáng đèn hàng đêm đều nhờ vào sự đóng góp của các sân khấu xã hội hóa (SK XHH). Nhiều SK XHH mới được thành lập bên cạnh Idecaf, Kịch Phú Nhuận như: Hoàng Thái Thanh, Lê Hay, Sao Minh Béo… thực hiện nhiều vở diễn hay, định hướng thị phần của riêng mình nhằm lôi kéo khán giả đến rạp hát, cạnh tranh cao với sân khấu ca nhạc, phim ảnh. Nhưng hiện nay, các SK XHH hầu như đều lâm vào tình trạng địa điểm, rạp hát tạm bợ, xuống cấp trầm trọng. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến sau một thời gian, khán giả đến với sân khấu lại giảm.

Vở kịch “Sông dài” được dựng bởi sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đang trên đường rong ruổi tìm điểm diễn mới vì chỉ còn vài tháng nữa phải chia tay địa điểm hiện tại do Nhà Thiếu nhi TP.HCM chuẩn bị xây mới lại và dự án đó kéo dài 2 năm. Sân khấu kịch Lê Hay đang đóng tại Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh cũng đang thấp thỏm, không biết bao giờ phải rời đi. Riêng sân khấu kịch Phú Nhuận – “bà bầu” NSND Hồng Vân chia sẻ: “Cơ sở hạ tầng của hai nơi xuống cấp trầm trọng”. 
Ý của “bà bầu” này cũng nói thay khó khăn của sân khấu 5B. Đây là sân khấu đi tiên phong trong chủ trương SK XHH và cũng là cái nôi trưởng thành của nhiều nghệ sĩ nhưng vẫn phải đi theo cơ chế nhà nước, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, ngày một tụt dốc đã khiến Hồng Vân cũng như nhiều nghệ sĩ khác buồn lòng.
Sáng 11.3, một số đại diện của các SK XHH đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Công Hùng-Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, bà Thi Thị Tuyết Nhung- Phó Trưởng ban, ông Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM cùng một số cán bộ ban, ngành… về những vấn đề khó khăn cùng mong muốn của mình.
Mong muốn tìm cho mình một cơ ngơi, khang trang riêng luôn là mong mỏi của nhiều sân khấu tư nhân nhưng không phải ai cũng dễ dàng có vốn đầu tư cao, kiếm được mặt bằng tốt. NSƯT Ái Như bức xúc trình bày: “Ước muốn của chúng tôi chỉ là có nơi diễn ổn định. Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Nhưng sân khấu Hoàng Thái Thanh không có gì và trong vòng 1-2 tháng nữa thôi là không biết “ra đường” lúc nào. Tất cả các nơi tôi đến tham khảo đều xập xệ, rất tệ. Nói rất chạnh lòng, SK XHH… như là con rơi chứ không phải cùng chung tay mang đời sống văn hóa cho thành phố”.
NSND Hồng Vân cho rằng: “TP.HCM là miếng đất màu mỡ cho văn hóa nghệ thuật phát triển, SK XHH đang nuôi sống thị phần này nhưng SK XHH hiện nay như con ngựa già nua có thể bị gẫy chân bất cứ lúc nào. Khán giả sân khấu đang bị già nua đi, nếu không có kế hoạch để tìm khán giả tiềm năng trong tương lai sẽ đi theo con đường sân khấu cải lương”. Chính vì vậy, NSND Hồng Vân mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tối đa trong công tác tuyên truyền kịch nói đến các trường học mà mình đã thực hiện thử nghiệm trước đó và Bắc tiến.  

Theo Dân Việt

Bình luận (0)