Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sân khấu qua thời “tự nhiên hương”

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Phó Đoan (NSƯT Hồng Vân), Xuân tóc đỏ (Đức Hải), và thầy bói mù (Hoàng Thành) trong vở Số đỏ – ảnh: H.Kim

Đã qua rồi cái thời "hữu xạ tự nhiên hương", khán giả tự tìm đến với sân khấu mà không cần PR, quảng cáo.

Nhiều năm nay, sân khấu hòa mình vào cơ chế thị trường, nghĩa là chấp nhận quy luật cung-cầu, mua-bán. Mà đã là mua-bán thì ắt phải giới thiệu sản phẩm, phải chủ động tìm đến khách hàng, tổ chức tiêu thụ sao cho hiệu quả. Xem ra công việc PR rất đáng được coi trọng. Thế nhưng, hình như không phải đơn vị nào cũng ý thức được điều đó. Trong đó, có lẽ Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B) là nơi "bình thản" nhất trong công tác PR. "Anh cả đỏ" này từng có một quá khứ vàng son, là đơn vị tiên phong trong xã hội hóa sân khấu, là nơi sản sinh ra hầu hết ngôi sao của làng kịch thành phố nên có vẻ khá tự tin vào cái sự "tự nhiên hương" của mình, mà ít chăm chút đến việc tiếp thị, quảng cáo. Mở trang web của 5B ra, nhiều khán giả thất vọng vì nội dung hơi nghèo nàn, chậm cập nhật. Khung cảnh của nhà hát cũng chẳng có nhiều hình ảnh hay âm nhạc bắt mắt, lôi cuốn người xem.

Năm ngoái mới có được mấy tấm pano to đùng treo trước cổng, và mặt tiền tân trang lại chút đỉnh mới trông giống… nhà hát. Cô đào Mỹ Uyên bây giờ kiêm luôn "bà bầu" của một số vở nên đã mạnh dạn làm những khung ảnh cho các vở, đem treo dọc cầu thang để khán giả có cơ hội theo dõi. Cô còn nhắc các "bà bầu" khác việc chụp ảnh, chép ra đĩa tặng báo chí khi họ viết bài… Rất nhiều chuyện "lặt vặt" cần phải chú tâm tiếp thị. Thật ra những việc này IDECAF đã làm từ lâu và làm rất tốt. Đây có lẽ là đơn vị tiên phong và chuyên nghiệp nhất trong công tác PR. Trang web luôn cập nhật, sau khi phúc khảo xong vở nào là đĩa hình đã sẵn sàng, tất cả các vở đều in tờ chương trình đẹp mắt tặng khán giả, thậm chí còn đăng quảng cáo trên báo… Ngay một vở thiếu nhi diễn ở ngoại thành cũng có tờ chương trình in đàng hoàng, bắt mắt, và vé cũng được in rất đẹp.

Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn nói: "Dù đã có sẵn một lượng khán giả trung thành nhưng chúng tôi vẫn chú ý công tác PR, bởi đó là sự chuyên nghiệp. Làm sản xuất hay kinh doanh đều phải quan tâm tới người tiêu dùng, nhắc nhở người ta nhớ đến mình". Đặc biệt, IDECAF còn PR trước cho thiếu nhi bằng những vở cổ tích, coi như chuẩn bị cho đội ngũ khán giả tương lai làm quen và say mê sân khấu của mình.

Kịch Sài Gòn một thời cũng quảng cáo rầm rộ trên các báo, nhưng mấy năm nay ông bầu Phước Sang mải mê với phim, nên việc PR cho sân khấu xem ra khá ít. Trang web cũng không có gì phong phú. Nhà hát Kịch TP.HCM cũng thế. Trong khi Sân khấu kịch Phú Nhuận, tuy sinh sau đẻ muộn nhưng cũng nỗ lực trong khâu quảng bá. Trang web cập nhật rất nhiều bài viết trên các báo, mặt tiền sân khấu được chăm chút, nhất là rạp Kim Châu cứ sáng trưng hấp dẫn. Bước vào trong, sẽ thấy một màn hình LCD to đùng chiếu trước giờ mở màn cho khán giả xem những đoạn phim trích từ các vở khiến khán giả sẽ tò mò muốn xem cả vở. Chưa kể "bà bầu" Hồng Vân còn tiếp thị được với Sở GD – ĐT TP.HCM ký một kế hoạch biểu diễn cho học sinh các trường trung học xem những vở đầy chất văn học như Chị Dậu, Số đỏ, Chí Phèo, Bỉ vỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, xem như những buổi học ngoại khóa.

Hoàng Kim (Theo TNO)

Bình luận (0)