Các hoạt động văn hóa – nghệ thuật tại TP HCM đã diễn ra sôi động trong dịp Tết Nhâm Dần dù khán giả vẫn chưa phục hồi thói quen ra rạp xem phim
Sàn diễn sáng đèn
Hầu hết ông bà bầu sân khấu xã hội hóa và một số đơn vị công lập đều phấn khởi khi số đông khán giả đến rạp dịp Tết hài lòng về chất lượng các vở diễn. NSND Trần Minh Ngọc phấn khởi cho rằng nhờ cú hích từ Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2022 tại TP HCM trong tháng 1 vừa qua đã tạo điều kiện để các sân khấu sáng đèn mạnh mẽ. "Tôi tin rằng động lực này sẽ giúp sàn diễn kịch và cải lương có chuyển biến tốt, hướng đến những tác phẩm được đầu tư nghiêm túc" – NSND Trần Minh Ngọc đánh giá.
Ngoài Sân khấu Kịch IDECAF khai diễn trước Tết 3 suất, đa số sân khấu kịch và cải lương đồng loạt khai diễn từ mùng 1 và tiếp tục kéo dài suất diễn cho hết tháng 2. Sân khấu Kịch Hồng Vân phục vụ liên tục từ mùng 1 đến mùng 7 Tết với các vở: "Kỳ án 292", "Ma nữ không chồng", "Người vợ ma", "Điềm báo", "Thân sâu hồn bướm"…
Sân khấu Hoàng Thái Thanh mở cửa liên tục từ mùng 1 đến mùng 7 Tết với các vở "Bạch Hải Đường" (vào top 3 vòng bầu chọn Giải Mai Vàng lần 27-2021), "Nửa đời ngơ ngác", "Chờ thêm chút nữa", "Sài Gòn có một ngã tư", "Bông hồng cài áo", "Tình yêu trời đánh", "Giấc mộng vàng son", "Bao giờ sông cạn", "Bàn tay của trời"… Điều đáng ghi nhận là hầu hết các vở đều mang màu sắc tâm lý xã hội, có bi, có hài nhưng khán giả của sân khấu này đã không ngại "khóc đầu năm sẽ xui", vẫn ủng hộ các vở diễn.
Khán phòng Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM đông khán giả trong ngày mùng 2 Tết. Ảnh: Thanh Hiệp
Sân khấu Thế giới Trẻ là đơn vị duy nhất công diễn vở dài mùa Tết được dàn dựng mới là "Bật công tắc là yêu". Sân khấu này còn kín lịch từ mùng 1 đến mùng 10 với loạt vở diễn như: "Lò võ tiếu lâm", "Thâm cung nội chiến", "Cuộc chiến sắc đẹp", "Hồn ma cô đào hát"… Trong khi đó, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM diễn chùm hài kịch "Sướng quá Xuân". Các suất diễn đã tạo được hiệu ứng tích cực và nhận được lời khen ngợi của số đông khán giả trẻ.
Nhà hát Trần Hữu Trang tối mùng 3 đã biểu diễn Chương trình tổng hợp quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Riêng vở "Đứa con họ Triệu" diễn tối mùng 7 cũng thu hút đông người xem. Sàn diễn cải lương của các đơn vị xã hội hóa đều bán hết vé như: NSƯT Vũ Luân với vở "Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài" (tối 8-2), vở "Tình sử Dương Quý Phi" (tối 9-2); Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long với vở "Mạnh Lệ Quân" (ngày 8 và 9-2 tại rạp Hồng Liên, quận 6); nghệ sĩ Kim Thoa (Đoàn Cải lương tuồng cổ Tinh Hoa) với chương trình "Nghệ sĩ mừng xuân" (tối 10-2); nghệ sĩ Chí Linh – Vân Hà với vở "Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài" (tối 12-2)…
Ca sĩ tất bật chạy sô
Không khí xuân thêm rộn ràng khi các phòng trà ca nhạc ở TP HCM kín khán giả từ mùng 1 Tết. Nhiều ca sĩ cũng tất bật chạy sô sau khoảng thời gian chỉ ở nhà do tác động của dịch. "Cảm giác trở lại sân khấu, chạy sô thật hạnh phúc. Hồi hộp giống như những năm đầu tiên được đi diễn. Vui lắm, vì được thấy khán giả đứng quanh reo hò. Với mỗi ca sĩ, sau nhiều năm đi hát, cảm xúc trở nên chai lì ít nhiều. Nhưng sau một khoảng thời gian dài không được hát, cảm giác lại trọn vẹn như ngày đầu" – ca sĩ Đông Nhi bày tỏ.
Một số ca sĩ dường như không "ăn Tết" mà tất bật chuẩn bị cho những sản phẩm âm nhạc mới ra mắt khán giả. Sáng 5-2 (theo giờ Việt Nam), Mỹ Anh đã mở màn năm mới với sân khấu âm nhạc trực tuyến 88rising – Double Happiness được phát trực tiếp trên toàn thế giới. Tự tin mang chuông đi đánh xứ người, Mỹ Anh lại một lần nữa thuyết phục khán giả khi trình diễn lôi cuốn, phong cách nghệ thuật mới lạ không thua kém bất kỳ nghệ sĩ nước nào dù đây là một chương trình phát sóng toàn cầu.
Các ca sĩ Erik, Phương Mỹ Chi, Đức Phúc, Amee… cũng thông báo về sản phẩm mới. Trong số này, Amee trình làng ca khúc lãng mạn, gợi ý một câu hát tỏ tình đáng yêu với MV "Thay mọi cô gái yêu anh".
Phim Tết không như kỳ vọng
Tết Nhâm Dần có 5 phim Việt ra rạp gồm: "Chìa khóa trăm tỉ" của đạo diễn Võ Thanh Hòa, "1990" của đạo diễn Nhất Trung, "Nhà không bán" của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, "Trạng Tí: Phiêu lưu ký" của Phan Gia Nhật Linh và "Mưu kế thượng lưu" của đạo diễn Trần Bửu Lộc. Tính đến sáng 7-2, theo thống kê từ Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập, mang tính tham khảo), phim "Chìa khóa trăm tỉ" có doanh thu cao nhất mùa phim Tết Nhâm Dần với 43 tỉ đồng, theo sau là "1990" (hơn 20 tỉ đồng), phim "Nhà không bán" (hơn 17 tỉ đồng).
So với những năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mùa phim Tết Nhâm Dần sụt giảm về lượng doanh thu, lượng khán giả đến rạp.
Khán giả thưởng thức phim “Nhà không bán” ở rạp CineStar Quốc Thanh tại TP HCM vào dịp Tết Nhâm Dần. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp
Đại diện cụm rạp Lotte Cinema thông tin doanh thu mùa Tết Nhâm Dần giảm 55% so với Tết Kỷ Hợi 2019 (thời điểm chưa chịu ảnh hưởng dịch Covid-19). "Khán giả không mặn mà đến rạp xem phim Tết này như mọi năm. Tôi nghĩ do tình hình kinh tế chung suy giảm sau dịch. Chúng tôi vẫn đang chờ đợt khán giả từ quê trở lại TP HCM làm việc có thể họ sẽ đến rạp để thưởng thức các phim Tết" – bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và Truyền thông Mega GS, giải thích.
Một nguyên nhân khác là các cụm rạp ở Hà Nội và một số địa phương chưa được phép mở cửa hoạt động trở lại. "Tết là dịp tốt để thu hút khán giả, phục hồi thói quen thưởng thức phim trên màn ảnh rộng sau thời gian dài giãn cách xã hội nhưng các rạp ở Hà Nội và một số nơi vẫn chưa thể mở cửa trở lại như mong muốn. Có lẽ khoảng nửa năm nữa mới có thể phục hồi thói quen này ở khán giả và nếu như tình hình dịch bệnh không có gì phức tạp thì cần khoảng 1 năm để trở lại thời điểm trước khi có dịch" – ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành Công ty CJ CGV Việt Nam, dự báo.
Theo Thanh Hiệp – Thùy Trang – Minh Khuê/NLĐO
Bình luận (0)