Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sân khấu thiếu vở diễn mang hơi thở thời đại?

Tạp Chí Giáo Dục

Giải thưởng năm 2023 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã không tìm được giải A ở cả vở diễn sân khấu và kịch bản văn học

Điều này chạm đến niềm trăn trở của nghệ sĩ sân khấu khi nỗ lực để sàn diễn sáng đèn nhưng chất lượng nghệ thuật càng sa sút.

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã trao 3 giải B, 6 giải C (không có giải A) cho các vở diễn sân khấu năm 2023. Trong đó 3 giải B thuộc về "Lôi Vũ" (Sân khấu Lệ Ngọc), "Nửa cõi sơn hà" (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), "Đại đội trưởng của tôi" (Nhà hát Chèo Quân đội).

Thực tế, khán giả đến xem các vở diễn này chưa đông, suất diễn không nhiều, có đơn vị chỉ phát vé mời chứ hoàn toàn không bán được vé.

Quá nhiều hệ lụy từ việc đầu tư dàn dựng các vở diễn trên sân khấu với tiền tỉ nhưng chỉ để giới nghệ sĩ xem, hay nói đúng hơn ở các liên hoan, cuộc thi, chỉ có ban giám khảo xem và chấm giải, còn để đưa đến phục vụ công chúng thì đều chung số phận: cất kho. Chính sự phí phạm này đã dẫn đến hệ lụy ê-kíp sáng tạo vở diễn chỉ nhằm thỏa mãn ban giám khảo, giới chuyên môn, còn đời sống sân khấu và tuổi thọ của vở diễn thì không được quan tâm.

Sân khấu thiếu vở diễn mang hơi thở thời đại?- Ảnh 1.

Một cảnh trong vở kịch “Lồng sắt” của Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ảnh: Thanh Hiệp

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có 218 hội viên là tác giả chuyên nghiệp và không chuyên. Thế nhưng, lượng tác giả có kịch bản thường xuyên dàn dựng ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phải chăng vẫn còn cục bộ trong việc chọn kịch bản khiến nhiều cây bút không được ban giám đốc các đơn vị sân khấu công lập chào đón.

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng thời gian qua, đội ngũ tác giả chuyển sang viết kịch bản phim để kiếm sống, vì hiếm có tác phẩm được chọn dàn dựng. "Cần bỏ cơ chế chỉ nhận kịch bản của những cây bút có tên tuổi mà tìm những kịch bản bám sát thời sự. Việc thành lập các tổ chế tác kịch bản rất quan trọng. Hãy ngồi lại, bàn bạc, tìm cách nâng chất để đưa lên sàn diễn" – NSND Trần Minh Ngọc đề xuất.

Thực tế, sân khấu nhiều năm qua và những tháng đầu năm 2023 vẫn thiếu kịch bản về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động đến con người và xã hội trong thời kỳ hội nhập. Nhưng tác giả sân khấu cứ bị các đơn vị sân khấu công lập hướng vào đề tài an toàn, né tránh, đứng bên ngoài thực tiễn sinh động của chuyện chống tham nhũng, quan liêu, đời sống một bộ phận công chức nhà nước lệch hướng, biến chất.

Chính hệ lụy này đã khiến vở diễn sân khấu rời xa đời sống sôi động hằng ngày, vở diễn thiếu tính chiến đấu, phản biện xã hội hoặc có tầm nhìn rộng hơn hướng tới tác động mọi mặt đến con người, xã hội và làm mới hơn các hệ giá trị.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho biết kế hoạch hoạt động trong năm 2024 của hội là sẽ xây dựng Đề án "Đặt hàng, dàn dựng, quảng bá tác phẩm về đề tài cách mạng" cho 5 tác phẩm bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác.

Hội sẽ phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức 4 cuộc liên hoan: Kịch nói, cải lương toàn quốc; múa rối quốc tế; cuộc thi tài năng xiếc toàn quốc; phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM tổ chức cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang. Tổ chức liên hoan sân khấu toàn quốc về đề tài thiếu nhi dự kiến trong quý II/2024; Liên hoan Sân khấu thủ đô toàn quốc lần thứ VI dự kiến tháng 10-2024; Liên hoan Sân khấu TP HCM toàn quốc dự kiến vào tháng 11-2024… Đặt hàng các tác giả, tổ chức các đợt quảng bá, đưa tác phẩm sân khấu đến gần hơn với công chúng trên cả nước. 

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)