Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Sân khấu TP.HCM “lừ đừ” vào hội diễn

Tạp Chí Giáo Dục

Vở Cánh đồng bất tận của Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM – ảnh: M.Châu

Còn hơn một tháng nữa là khai mạc Hội diễn Sân khấu toàn quốc 2009 tại TP.HCM, thế nhưng làng sân khấu chủ nhà vẫn nhẩn nha, lừ đừ theo kiểu có cũng được mà không… cũng được!

Ấy là vì mọi người đang chạy đua với doanh thu, nhất là trong mùa cúm A/H1N1, cứ lo khán giả tránh chỗ đông người. Mà với doanh thu thì không dám nhẩn nha đâu, bởi mỗi đơn vị phải nuôi hàng trăm nhân viên, nghệ sĩ, “nồi cơm” ấy to lắm. Thành ra, mọi người vắt chân lên cổ mà chạy, tính toán đủ thứ. Ngay cả nghệ sĩ cũng vào mùa quay phim truyền hình, chạy sô mệt nghỉ, có muốn tập tuồng cũng khó tập hợp lại đông đủ. Cuối cùng, đem vào hội diễn hầu hết là những vở đã làm từ lâu, hoặc đã được “thử lửa” với khán giả.

Đơn vị công lập duy nhất của làng kịch nói là Nhà hát Kịch TP.HCM, tham gia hội diễn vở Người thi hành án tử dựng từ năm 2007. Giám đốc Khánh Hoàng bảo: “Năm nay đã đầu tư một vở lớn là Lê Văn Duyệt, còn lại kinh phí tôi đem đầu tư cho các vở hài để nuôi anh em. Gánh nặng lắm. Sở VH-DL-TT đốc thúc mãi tôi mới tham gia, nhưng tôi nói rõ đó là nhà hát dự thi chứ cá nhân Khánh Hoàng không dự thi. Tôi không nôn nao gì chuyện huy chương, bởi khán giả đến với mình mới là quan trọng nhất”.

"Chúng tôi chỉ đem vào hội diễn đời sống thật của sân khấu, cái gì thật sự đã thu hút khán giả. Chúng tôi không làm “hàng cúng” rồi sau đó bỏ xó. Không đoạt giải thì coi như cơ hội giao lưu vậy thôi"

Phước Sang, Giám đốc Kịch Sài Gòn

Kịch Sài Gòn có vở Hồn ma báo oán từng bán vé rất chạy đem đi hội diễn. Hỏi Giám đốc Phước Sang không sợ mất cảm tình hội đồng nghệ thuật hay sao, vì có lẽ họ không mặn mà với đề tài kinh dị. Phước Sang đáp: “Cảm hay không cảm chẳng thành vấn đề. Chúng tôi chỉ đem vào hội diễn đời sống thật của sân khấu, cái gì thật sự thu hút khán giả. Chúng tôi không làm “hàng cúng” rồi sau đó bỏ xó. Không đoạt giải thì coi như cơ hội giao lưu vậy thôi. Vui là chính!”.

Sân khấu Nụ Cười Mới cũng theo tiêu chí “vui là chính”, nên dự kiến sẽ tham gia vở Ông bà vú hoặc Ông nội bà ngoại. Giám đốc Hữu Lộc phân trần: “Tụi tôi mới thành lập, còn non trẻ, làm sao sánh được các sân khấu lâu năm, nhưng vì anh Hoài Linh đòi tham gia cho vui nên tụi tôi cũng… chơi luôn!”.

Còn lại 3 “cây đa cây đề” là Nhà hát Sân khấu nhỏ (5B), Sân khấu IDECAF và Kịch Phú Nhuận xem ra có “trọng lượng” khi trình làng những vở khá hoành tráng. 5B dự kiến đưa vở Cánh đồng bất tận (tác giả – đạo diễn Minh Nguyệt) và vở Biển (tác giả Lê Duy Hạnh – đạo diễn Trần Ngọc Giàu) đi dự. Một sẽ diễn tại Nhà hát lớn, còn một sẽ làm theo phong cách sân khấu nhỏ, đều đặt tiêu chí nghiêm túc lên hàng đầu, xứng danh là anh cả của làng kịch Sài Gòn.

Kịch Phú Nhuận có vở Mẹ và người tình vừa nghiêm túc vừa ăn khách, lại định làm thêm vở Chiếc áo thiên nga của Lê Duy Hạnh. Thật ra Giám đốc Hồng Vân và đạo diễn Đức Thịnh đã mê vở kịch này từ lâu, nhưng đã “nhường” cho Nhà hát Trần Hữu Trang chuyển thể cải lương và dàn dựng trước. Hồng Vân không sợ “đụng hàng”, bởi cải lương diễn chỉ vài suất thôi, còn kịch có khán giả riêng, và có thể diễn lai rai mấy năm trời, lên tới vài trăm suất. Chị còn bảo sẽ đầu tư khoảng 300 triệu đồng, vì mình cũng mê lịch sử. Số tiền ấy tuy chưa sánh bằng đầu tư của Ngàn năm tình sử (400 triệu đồng) nhưng cũng không nhỏ đối với một sân khấu tư nhân, chứng tỏ Kịch Phú Nhuận rất tâm huyết với nghề. Hồng Vân cũng nói thật là chị dựng để kiếm khán giả chứ không phải để hội diễn, nên đoạt huy chương hay không thì… tính sau.

Giám đốc Sân khấu IDECAF Huỳnh Anh Tuấn có lẽ là người bức xúc nhất khi đọc quy định của hội diễn là mỗi vở chỉ được dài 120 phút, và đây là cơ hội để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Anh nói: “Vở Ngàn năm tình sử của chúng tôi dài gần 3 tiếng đồng hồ, chắc chắn là phạm quy, nếu đi thi có thể bị loại ra, sợ anh em buồn, lại phí thời gian, công sức. Mà vở chính kịch nào cũng phải dài hơn 2 tiếng, chỉ trừ kịch hài, kịch sinh hoạt mới rút ngắn được. Còn chuyện xét tặng danh hiệu, không lẽ những người tài năng hoạt động ngoài hội diễn thì không được ngó ngàng tới? Đã là nghệ sĩ thì dù họ hoạt động ở đâu cũng phải được quan tâm chứ. Nhưng thôi, chúng tôi vẫn sẽ tham gia, coi như chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Liên hoan hay hội diễn không phải để tranh huy chương, mà là dịp giao lưu, học hỏi”.

Tóm lại, sân khấu phía Nam nhiều năm nay không mấy mặn mà với chuyện “thi cử”, mà họ tham gia chỉ để chứng tỏ họ còn yêu nghề, và cái nghề của họ nhất quyết phải có hiệu quả với khán giả. Họ chỉ “ganh đua” trên thị trường thật sự. Tuy nhiên, một khi đã tham gia thì họ cũng đem đến những điều táo bạo, thú vị, bởi đó chính là quy luật cuộc sống, nếu không thì chính thị trường đã loại họ ra khỏi cuộc chơi từ lâu.

Hoàng Kim (Theo TNO)

Bình luận (0)