Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Sân khấu truyền thanh” thu hút người nghe

Tạp Chí Giáo Dục

Một lượng lớn khán thính giả không có điều kiện trực tiếp xem kịch, cải lương tại rạp vẫn thỏa mãn được nhu cầu này thông qua "Sân khấu truyền thanh – VOH"

Năm năm qua, chương trình Sân khấu Truyền thanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH) đã tạo dấu ấn đẹp đối với công chúng, khi ngày càng có nhiều tác phẩm được đầu tư nghiêm túc, đạt chất lượng nghệ thuật.

"Thuộc" khung giờ phát sóng

Từ cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ của lãnh đạo thành phố cách đây 5 năm, các nghệ sĩ sân khấu nêu ý kiến là mong muốn được quảng bá những sáng tác để đưa đến số đông công chúng chưa có điều kiện đến xem tại các rạp hát, điểm diễn. Thành ủy TP HCM đã chỉ đạo trực tiếp VOH triển khai kế hoạch thực hiện chương trình "Sân khấu truyền thanh". Hội Sân khấu TP HCM và VOH đã phối hợp thực hiện, dự kiến mỗi năm 6 vở cải lương, 6 vở kịch nói chia thành nhiều kỳ phát sóng.

Sân khấu truyền thanh thu hút người nghe - Ảnh 1.

Ê-kíp thực hiện “Sân khấu truyền thanh – VOH”. Ảnh do VOH cung cấp

Năm 2022, đã có 8 vở cải lương và kịch phát sóng, nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của thính giả như: "Sức mạnh tình yêu", "Cây nhơn ái", "Cuộc gặp ở trần gian" (tác giả Đăng Minh), "Hạnh phúc ở quanh ta" (Vương Huyền Cơ), "Những ánh sáng băng" (Nguyễn Kháng Chiến), "Mắt biếc" (Hà Minh Mẫn), "Lương tâm bé nhỏ" (Lê Thu Hạnh), "Hợp lòng dân" (Ái Lan). Mỗi vở được dàn dựng và thu âm từ 7 đến 15 ngày. Hiện nay, nhóm nghệ sĩ gắn bó với chương trình này là đạo diễn Lê Hây và nghệ sĩ Tô Tấn Loan (Nhà hát Trần Hữu Trang).

Thính giả yêu thích "Sân khấu truyền thanh – VOH" trên làn sóng FM đều biết khung giờ phát: 2 giờ 30 phút và 12 giờ thứ tư; 13 giờ 5 phút thứ bảy và 13 giờ 5 phút thứ ba.

"Chúng tôi rất vui khi có thêm cơ hội để làm nghề thông qua một chương trình nghệ thuật truyền thanh được đầu tư chất lượng. Thính giả yêu thích "Sân khấu truyền thanh – VOH" đều thuộc lòng khung giờ phát sóng của chương trình, đó là niềm hạnh phúc đối với ê-kíp thực hiện. Phản hồi từ bạn nghe đài rất tốt, điều này giúp hun đúc thêm tinh thần cho nghệ sĩ tham gia, sẽ cố gắng làm thêm nhiều sản phẩm nghệ thuật có chất lượng gửi đến công chúng" – nghệ sĩ Tô Tấn Loan phấn khởi.

Chú trọng "cách truyền đạt"

Theo các nhà chuyên môn, nếu tính thuyết phục trong thông điệp được quyết định bởi sự chính xác, khoa học của thông tin, trình độ nhận thức của người tiếp nhận thì cách truyền đạt chính là hình thức chuyển tải thông tin nhanh, hiệu quả đến với người nghe. Các nhà chuyên môn cho rằng hình thức càng phong phú, hấp dẫn, đa dạng thì càng thu hút nhiều người nghe và càng đạt hiệu quả truyền thông. Đây chính là lợi thế của sân khấu truyền thanh.

Trên thực tế, xu hướng phát thanh ngày nay gắn với guồng quay tất bật của cuộc sống, người nghe không có nhiều thời gian và sự tập trung để theo dõi một kịch bản quá dài. Vì thế, hầu hết các kịch bản của sân khấu truyền thanh đều phải chia ra phát sóng nhiều kỳ. Bởi với quỹ thời gian ngày càng hạn hẹp, bạn nghe đài sẽ khó theo dõi trọn vẹn một vở diễn. Vấn đề cần lưu tâm là cách thực hiện sao cho hiệu quả, dù thời lượng ngắn nhưng vẫn chuyển tải đầy đủ, trọn vẹn thông điệp đến thính giả.

Về diễn viên, ngoài các nghệ sĩ của sân khấu TP HCM tham gia, VOH chủ trương giới thiệu các giọng ca mới từ cuộc thi "Bông lúa vàng" hằng năm trong các vở cải lương; còn với kịch nói là các giọng thoại của cuộc thi "Micro Vàng". Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng mà chương trình "Sân khấu truyền thanh – VOH" ngày càng tạo hiệu ứng tốt, thu hút lượng lớn thính giả trong khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.

Ông Lê Hồng Chinh, Phó trưởng kênh thông tin – thương mại – giải trí VOH, cho biết sắp tới "Sân khấu truyền thanh – VOH" sẽ cùng với Hội Sân khấu TP HCM khảo sát nhu cầu của thính giả để từ đó có định hướng thực hiện những kịch bản hay, phù hợp giới thiệu đến công chúng.

NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, đánh giá cao kết quả của "Sân khấu truyền thanh – VOH", đồng thời lưu ý chương trình ngoài chức năng là công cụ giúp thay đổi nhận thức và hành vi xã hội, lan tỏa tình yêu thương trong cuộc sống thì cũng cần có những cải tiến phù hợp, hấp dẫn như: cốt truyện hay, giàu cảm xúc, diễn viên thể hiện tốt, dàn dựng sinh động…


“Kịch, cải lương truyền thanh cần phải hấp dẫn người nghe, phản ánh những gì chân chất, bình dị nhất của cuộc sống. Nghe qua đài, thính giả mặc sức tưởng tượng về những nhân vật trong kịch, cải lương và thấy phảng phất đâu đó hình ảnh mình trong đời thường. Sức ảnh hưởng của những nhân vật trong chương trình, vì thế, rất lớn. Đây chính là đầu ra thứ hai bên cạnh sàn diễn của các trại sáng tác, các cuộc vận động để đưa sản phẩm sân khấu đến gần hơn với công chúng” – NSND Trần Ngọc Giàu nói.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Bình luận (0)