Tại tọa đàm Sân khấu truyền thống kết nối với du lịch do Câu lạc bộ Nhà báo sân khấu tổ chức tại Hà Nội hôm qua 16.6, NSND Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, rất hào hứng khi chia sẻ về sức hút của tuồng với du khách tại phố đi bộ hồ Gươm.
“Nhà hát vẫn diễn vào tối thứ hai, thứ năm. Chúng tôi cũng kết nối với Ban quản lý phố cổ và phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm để biểu diễn cho du khách. Họ thích thú, thấy đây là một sản phẩm tốt cho du lịch. Hết dịch họ lại bắt tay với chúng tôi ngay”, ông Tuấn nói. Nhưng cái bắt tay này vẫn chưa hẳn là ra tiền, ra các tour đi xem nghệ thuật tuồng cho nhà hát.
Nghệ sĩ Nhà hát Tuồng VN ở phố đi bộ. Ảnh: Tư Liệu Nhà Hát |
Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện tại vẫn phải bươn chải để mưu sinh, chưa thể làm được sản phẩm phục vụ du lịch. NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, cho biết họ cũng kết hợp xiếc để ra những vở cải lương – xiếc với cách thể hiện mới. Những vở này được ông Kiên đánh giá là học theo mô hình nổi tiếng Cirque du Soleil của Canada. “Nhà hát Cải lương của chúng tôi phải đi kiếm tiền tại các tỉnh, chưa dám mơ ước gì cao xa. Mô hình phục vụ du lịch chắc phải vài năm tới”, ông Kiên nói.
Khá hơn cả là Nhà hát Múa rối Việt Nam. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc nhà hát này, cho biết đơn vị đã có hướng sản xuất chương trình mới. Theo đó, nhà hát muốn càng mở rộng đối tượng khán giả càng tốt. Họ xác định sẽ kể câu chuyện Việt Nam để thu hút khách nước ngoài. Họ cũng xây dựng chương trình tổng hợp, dùng múa và âm nhạc dân tộc phụ trợ để làm nổi lên múa rối, nhất là rối nước.
Qua tọa đàm, có thể thấy các nhà hát nghệ thuật dân tộc khác vẫn xa xôi với du lịch. Về điều này, các nghệ sĩ đều cho rằng họ mong chờ Bộ VH-TT-DL hỗ trợ làm chương trình cũng như marketing để cú bắt tay sân khấu – du lịch chặt chẽ hơn.
Theo Trinh Nguyễn/TNO
Bình luận (0)