Với việc đưa chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” trở lại phục vụ khách du lịch của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng mang đến kỳ vọng về một lối đi để môn nghệ thuật này tiếp tục “sống” và thu hút du khách đến với thành phố bên dòng sông Hàn nhiều hơn.
Chương trình nghệ thuật tuồng “Hồn Việt”
Bắt nhịp cùng đời sống hiện đại
Đi qua những năm tháng hưng thịnh, nghệ thuật tuồng trên mảnh đất Đà Nẵng từng lâm vào cảnh “chợ chiều”, khi có nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại khác “chen chân”. Để tuồng được “sống”, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động để đưa tuồng đến gần hơn với người dân, du khách. Suốt 7 năm qua, chương trình “Tuồng xuống phố” đều đặn được biểu diễn vào 20 giờ các tối chủ nhật hàng tuần, từ tháng 4 đến hết tháng 9 hàng năm tại sân khấu ngoài trời thuộc bờ đông cầu sông Hàn và chân cầu Trần Thị Lý. NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nói: “Chúng tôi đưa tuồng xuống phố với mong muốn nghệ thuật tuồng đến gần hơn với công chúng. Mặt khác nhằm quảng bá nghệ thuật và để kích cầu du lịch. Do đó, thay vì diễn các vở dài, các nghệ sĩ sẽ diễn các trích đoạn ngắn, giới thiệu cách vẽ mặt nhân vật, phục trang, đạo cụ… cho du khách và người dân. Còn nhớ những ngày đầu, tuồng vừa xuống phố, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang (70 tuổi) đèo nhau bằng xe máy từ huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), vượt chặng đường mấy chục cây số để kịp xem tuồng. Ông Quang bảo: “Ngày thơ ấu, tuồng là món ăn tinh thần của lớp chúng tôi. Tôi với bà ấy nên duyên cũng thông qua các buổi xem tuồng. Lâu nay tuồng vắng bóng, nhớ lắm. Nghe tin các nghệ sĩ Đà Nẵng biểu diễn nên về xem cho đỡ nhớ”.
Để tuồng “sống” bền hơn, nhiều tiết học, giới thiệu về tuồng đã được các nghệ sĩ đưa đến học sinh, sinh viên dưới hình thức nói chuyện, tọa đàm và biểu diễn các trích đoạn. “Đây là chương trình được nhà hát thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là vấn đề kinh phí nên tần suất ít và thưa thớt. Từ năm 2010, nhà hát tổ chức được nhiều buổi hơn và đã tạo được hiệu ứng xã hội tốt. Đến năm 2015, thành phố đã cấp kinh phí để nhà hát thực hiện chương trình này mỗi năm 30 buổi cho đến nay. Nhà hát đã đầu tư xây dựng nhiều trích đoạn tuồng lịch sử có nhân vật gắn với trường như: Trần Quốc Toản, Lê Lai, Lê Lợi, Trưng Vương, Lương Thế Vinh, Trần Hưng Đạo, Mai Thúc Loan… để các em hiểu hơn về lịch sử, tự hào hơn về ngôi trường của mình. Có thể nói đây là chiến lược “mưa dầm thấm lâu” để cho thế hệ trẻ hiểu, yêu mến nghệ thuật hơn và có trách nhiệm trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc. Điều đáng mừng là các em học sinh tiếp thu nghệ thuật truyền thống rất tốt, các buổi dạy đều đạt được kết quả khả quan. Hy vọng, tuồng sẽ được các thế hệ trẻ kế nối một cách bền vững”, ông Trần Ngọc Tuấn nói.
Khơi dậy tiềm năng du lịch
Tháng 7-2019, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng tổ chức biểu diễn chương trình nghệ thuật truyền thống “Hồn Việt” phục vụ du khách. Khơi dậy tiềm năng du lịch từ nghệ thuật truyền thống không chỉ là cách để tuồng được “sống” mà còn là cách để du khách thập phương biết đến văn hóa truyền thống đặc trưng của một vùng đất – điều mà mỗi du khách khi đặt chân tới một miền đất nào đó sẽ nhớ mãi về nơi ấy. Sau hơn hai năm tạm thời ngừng vì dịch bệnh Covid-19, chương trình sẽ được biểu diễn trở lại vào tháng 11-2022. NSƯT Trần Ngọc Tuấn cho biết: “Hồn Việt” là chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam và vùng Quảng Nam – Đà Nẵng. Nội dung và phương thức biểu diễn dựa vào nghệ thuật tuồng xứ Quảng, đồng thời lồng ghép những tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc trưng của các vùng miền khác. Chương trình diễn ra trong 60 phút với 7 tiết mục được lựa chọn và dàn dựng chuyên nghiệp gồm: Hòa tấu đàn đá “Cội nguồn”; hoạt cảnh Ngày hội quê tôi; độc tấu đàn bầu; múa Apsara/ Trăng trên tháp cổ; trích đoạn tuồng “Nguyệt Cô hóa cáo”; múa “Bến nước tình yêu” và giới thiệu hóa trang các nhân vật tuồng. “Đây là chương trình rất tâm huyết của anh chị em nghệ sĩ, diễn viên nhà hát và chúng tôi mong muốn lần quay lại này sẽ thực sự mang lại nhiều ý nghĩa. Qua đó, giới thiệu đến cho khán giả những nét tinh túy của nghệ thuật tuồng truyền thống Việt Nam thông qua các trích đoạn kinh điển và nghệ thuật hóa trang đặc trưng của tuồng xứ Quảng. Đưa khán giả về với không khí rộn ràng của những ngày hội tại các làng quê, cùng lắng đọng với những bản hòa nhạc trầm hùng của dàn nhạc dân tộc Việt Nam. Ngoài ra du khách còn được trải nghiệm thực tế không gian văn hóa với các loại hình đặc trưng, mặc các trang phục diễn viên tuồng, tìm hiểu các loại mặt nạ trong các vở tuồng, kỹ thuật vẽ mặt nạ và tự tay sáng tạo những nét vẽ trên chiếc mặt nạ xinh xắn, tham quan phòng trưng bày nghệ thuật tuồng tại nhà hát”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn cho biết thêm.
Các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tuồng
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết, sau dịch, nhiều du khách bắt đầu trở lại Đà Nẵng. Để tạo ra không gian du lịch phong phú, hiệp hội đã phối hợp với nhà hát đưa show diễn này quay trở lại. Đây là một sản phẩm văn hóa độc đáo của địa phương trong bối cảnh Đà Nẵng chưa có các show diễn nghệ thuật truyền thống hằng đêm mang tính chất định kỳ, thường kỳ để có thể phục vụ cho nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống của du khách như một số địa phương khác. Đồng thời đây cũng là một nhu cầu thiết yếu và rõ ràng của du khách khi tìm hiểu về văn hóa, du lịch tại địa phương. “Hy vọng chúng ta giữ được show diễn đến mùa hè năm 2023. Bởi đó là điểm rơi khách du lịch đến Đà Nẵng đông nhất. Mục tiêu đặt ra là khách đến kín rạp và có thể mỗi ngày biểu diễn 1, 2 suất phục vụ du khách. Vừa giữ được nghệ thuật truyền thống địa phương vừa có sản phẩm mới cho các công ty lữ hành, vừa tăng sức hấp dẫn cho điểm đến Đà Nẵng. Hiệp hội sẽ kêu gọi các doanh nghiệp cùng chung tay, truyền thông và quảng bá mạnh mẽ show diễn nghệ thuật truyền thống “Hồn Việt” để đèn sân khấu nhà hát đỏ đèn hằng đêm, mang giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam phục vụ đông đảo người dân, du khách”, ông Cao Trí Dũng nói.
Hàn Giang
Bình luận (0)