Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Sân khấu với học đường”: Một phương pháp dạy học rất hay

Tạp Chí Giáo Dục

Cảnh trong vở Tuổi dậy thì

Sân khấu Kịch Phú Nhuận và Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có buổi họp bàn về việc phối hợp thực hiện đề án Sân khấu với học đường. Có thể nói, đây là một đề án rất hay và vô cùng cần thiết cho giáo viên và học sinh trong toàn ngành giáo dục. Điều quan trọng là cách thực hiện như thế nào cho khả thi và đạt được những hiệu quả thiết thực nhất. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Hồng Vân – Giám đốc Sân khấu Kịch Phú Nhuận xung quanh đề án này.
PV: Điều gì đã khiến chị quyết định phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện đề án “Sân khấu với học đường” này?
– Ngay từ khi Sân khấu Kịch Phú Nhuận thành lập, chúng tôi đã dàn dựng rất nhiều vở kịch mang tính văn học, giáo dục giới tính phục vụ cho khán giả, đặc biệt là đối tượng học sinh. Thực tế cho thấy, văn học Việt Nam của chúng ta rất hay nhưng đa số các em học sinh lại ít đọc và tiếp cận. Việc giáo dục giới tính cho học sinh cũng thật sự cần thiết bởi các em còn rất lờ mờ về vấn đề này. Nếu như các em học sinh chưa đọc tác phẩm văn học Việt Nam hoặc chưa hiểu vấn đề giới tính một cách căn cơ thì thông qua những vở kịch của chúng tôi dàn dựng trên sân khấu, các em sẽ yêu thích và hiểu hơn những điều mình cần biết. Trường học và sân khấu đều có cùng mục đích là mang tính giáo dục, định hướng. Sân khấu Kịch Phú Nhuận có đủ khả năng cùng với nhà trường tham gia vào công tác giảng dạy với hình thức sống động, dễ hiểu cho bất cứ độ tuổi nào của học sinh. Mong muốn được phối hợp với ngành giáo dục thực hiện Sân khấu với học đường đã ấp ủ trong tôi từ rất lâu nhưng chưa biết sẽ thực hiện như thế nào. May mắn khi tôi được gặp anh Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, anh đã tán thành ngay ý tưởng này của tôi. Và thế là đôi bên đã quyết định phối hợp thực hiện.
Chị có thể nói rõ hơn về những kịch mục dự tính sẽ đưa vào phục vụ học đường?

Nghệ sĩ Hồng Vân

– Trong kho tàng văn học Việt Nam, đã có rất nhiều câu chuyện được đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh, nhưng chỉ là sự phân tích nội dung để cho học sinh thấy được sự ẩn ý của câu chuyện. Ở Sân khấu Kịch Phú Nhuận, với hình thức khác cũng đã xây dựng được hình tượng các nhân vật trong kho tàng văn học bằng hình ảnh sống động, có tính cách nhân vật qua các vở diễn như: Chị Dậu, Chí Phèo, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Số đỏ, Ba Giai Tú Xuất, Bỉ vỏ, Nghêu Sò Ốc Hến, Kỹ nghệ lấy Tây… rất thành công, gây được sự quan tâm đặc biệt trong giới chuyên môn cũng như khán giả. Chính vì thế, theo tôi thông qua các buổi được xem hình ảnh thật ở sân khấu, học sinh có thể tự nhận xét được thiện – ác, chính – tà từ đó hướng đến chân – thiện – mỹ, nắm rõ và chắc nội dung bài học cùng với sự hướng dẫn của giáo viên qua nội dung bài giảng. Trước mắt, chúng tôi sẽ diễn lại những vở có sẵn này, sau đó Sở GD-ĐT sẽ thống kê lại những tác phẩm văn học đang được giảng dạy trong khối THPT, chúng tôi sẽ nghiên cứu, chọn lọc và dàn dựng thêm. Còn với việc giáo dục giới tính, độ tuổi của học sinh cấp II – III là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Đây cũng chính là thời kỳ của những thay đổi lớn về mặt thể chất và tinh thần, tâm sinh lý. Kịch Phú Nhuận cũng đặc biệt quan tâm và khai thác vấn đề giáo dục giới tính thông qua các vở Cô giáo Hạnh, Tuổi dậy thì, Trai mới lớn… nhằm góp phần chuyển tải những nội dung “thắc mắc biết hỏi ai” đến với các em đang thay đổi tâm sinh lý một cách dễ dàng và thấm thía nhất, giúp các em hiểu được những vấn đề mà các em rất khó hỏi cha mẹ hoặc thầy cô. Ngoài việc giáo dục giới tính, chúng tôi sẽ dàn dựng những vở kịch giáo dục đạo đức, an toàn giao thông cho các em. Riêng khối tiểu học và mầm non, chúng tôi cũng đang có khá nhiều kịch mục cổ tích Việt Nam như Sọ Dừa, Bé Na và 5 con quỷ, chú Cuội – chị Hằng, Sơn Tinh – Thủy Tinh và sẽ dàn dựng thêm Bánh chưng – bánh dày, Thánh Gióng… để phục vụ các em thiếu nhi.
Về giải pháp thực hiện, chị có thể nói rõ hơn về điều này?
– Ngoài các giờ học chính thức ở lớp, nhà trường có thể sắp xếp thời gian cho học sinh xem các chương trình sân khấu với học đường bằng các hình thức: đưa học sinh đến sân khấu xem kịch, giao lưu, tham gia đối thoại trực tiếp nội dung cùng với các diễn viên trong vở diễn… Đây cũng là biện pháp giúp các em giải tỏa những căng thẳng, những buổi học lý thuyết “khô khan” trên lớp. Hình thức này có thể giúp các em tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng và thấm sâu, nhớ lâu hơn. Thực hiện đề án này, Kịch Phú Nhuận sẽ dàn dựng các chương trình sao cho phù hợp, có sự đồng ý của ngành giáo dục. Trước mắt, chúng tôi sẽ luân phiên phục vụ cho các trường với địa điểm tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận và Sân khấu Kịch Hồng Vân ở Rạp Kim Châu. Sau đó, sẽ thiết kế đem đến phục vụ tại địa điểm của nhà trường.
Riêng về vấn đề kinh phí thực hiện sẽ như thế nào?
“Trước đây, chúng tôi cũng đã từng làm đề án Đưa sân khấu cải lương vào học đường với Bộ GD-ĐT dành cho học sinh cấp II rất thành công. Chính vì thế mà chúng tôi rất vui và tâm đắc khi phối hợp với Sân khấu Kịch Phú Nhuận thực hiện đề án lần này, bởi đây là một phương pháp dạy học rất hay đã được thực hiện từ lâu trên thế giới. Đôi bên sẽ bàn bạc thật cụ thể để làm tốt đề án này” (ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết).
– Đào tạo cho thế hệ tương lai của đất nước, xây dựng một nền tảng vững chắc cho xã hội, trách nhiệm này không chỉ của riêng ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Kịch Phú Nhuận cũng muốn đóng góp một phần trong sự nghiệp chung với mức kinh phí thực hiện phù hợp với nhu cầu của ngành giáo dục. Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ vận động kinh phí thực hiện đề án này từ các hội phụ huynh học sinh. Phía chúng tôi sẽ thực hiện những vở kịch với nội dung thật hay, trước hết là thuyết phục các bậc phụ huynh bằng chất lượng vở diễn để họ thấy rằng cho con em của mình xem những vở kịch này là cần thiết và bổ ích cho việc học tập, đồng thời chúng tôi sẽ giảm giá 30% trong mỗi xuất diễn phục vụ này.
Xin cảm ơn chị.
SONG MINH

Bình luận (0)