Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Săn lan rừng ở Nam Trường Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Lan rừng An Lão – vùng rừng nguyên sinh ở Nam Trường Sơn thuộc tỉnh Bình Định – khá phong phú, có đến hàng trăm loài, trong đó có những loài rất quý hiếm. Mỗi loài lan rừng có thời điểm trổ hoa khác nhau. “Mùa hè, những nhánh lan rừng với đủ mọi hình thù, dáng vẻ thi nhau hé nụ, nở hoa, tỏa hương thơm ngát. Đây được xem là thời điểm tiêu thụ lan mạnh nhất, bởi người yêu lan rừng ra sức săn lùng”, anh Trần Quốc Việt, chủ một vườn lan rừng An Lão có tiếng cho biết.

Lan rừng được thu gom về ở một thôn nơi vùng cao Bình Định

Xuyên rừng săn lan

Một sớm chớm hè, tôi và anh Việt đã tìm gặp và theo chân hai anh thợ rừng người dân tộc H’rê ở xã An Dũng, huyện An Lão là Đinh Văn Đua, Đinh Văn Thanh lên rừng lấy lan.

Đồ nghề của chúng tôi khá đơn giản: Bao tải lớn, rựa và dao nhỏ, dây thừng, đinh mười phân, búa… Địa điểm hôm nay chúng tôi đến là cánh rừng già, nơi có con nước Kleng. Anh Đua cho biết đó là địa điểm thường có nhiều phong lan nhất. Bởi rừng này mọc nhiều cây chò, ké, tung, những loài cây mà lan rừng ưa thích.

“Lan rừng là loài thực vật sống gửi trên cây cổ thụ cao khoảng 30-40m. Muốn lấy được lan rừng đòi hỏi người hái phải leo trèo giỏi, không sợ độ cao”, thợ săn lan rừng Đinh Văn Đua chia sẻ. Người H’rê ở các bản làng An Lão lặn lội vào rừng, leo lên những cây cao ven suối thác hiểm trở, hái về những khóm lan rừng còn nguyên dáng vẻ rêu phong, xù xì vốn có. Nghề hái lan rừng thường được gọi đùa là hái lộc rừng, nhưng thấm đẫm những nhọc nhằn. Vượt qua những nguy hiểm đó, họ vẫn bám nghề, bám rừng.

Thợ săn lan chuyên nghiệp đang trèo lên cây cao để hái lan 

Anh Thanh chia sẻ kiếm lan rừng rất khó, có khi đi cả ngày rừng mới được một khóm. Giờ nhiều người đi tìm quá nên lan rừng ngày càng ít đi. Vì vậy, ít khi các anh đi rừng chỉ để săn lan, vào mùa này thường kết hợp với việc hái mật ong rừng.

Là người am hiểu sâu sắc đặc điểm sinh sống của lan rừng An Lão, anh Việt cho biết: thủy tiên, thập hoa, tiểu bạch câu, đại bạch câu thường mọc trên cây chò, quế lan và hoàng thảo sẽ sống trên thân cây ké, kim điệp vàng thường có trên cây tung… Bởi những loài cây này mọc bên cạnh những con nước, vỏ sần sùi, độ ẩm cao, có nhiều kiến làm tổ.

Thợ leo hái lan rường

Trên đường đi, chúng tôi đã nghe được nhiều câu chuyện về những thanh niên mất mạng vì săn lan. Khi ngang qua con nước Xà Lung, anh Đua kể: Ở cánh rừng này, từ nhiều năm trước, có một khóm đại châu mọc trên thân cây ké cổ thụ, cao chót vót. Người H’rê đi qua nhiều lần, dù biết là hoa quý hiếm nhưng không ai dám lấy vì cảm thấy vô cùng nguy hiểm. Nhưng rồi, có hai người, ở hai thời điểm cách nhau vài năm, cũng không cưỡng lại được, đã phải mất mạng khi quyết trèo lên cây lấy hoa. Sau đó, người làng rất sợ, không ai dám dừng chân ở con nước Xà Lung để tìm lan nữa.

Sau hơn 3 giờ đi bộ ròng rã, xuyên qua những tán rừng rậm rạp, vượt những dốc núi cao hiểm trở, chúng tôi cũng đến được con nước Kleng và bắt đầu công việc ngước mắt lên những thân cây cổ thụ tìm kiếm. Sau một thời gian lần tìm, chúng tôi cũng phát hiện được có lan. Quả thực, hôm nay chúng tôi đã may mắn. Sau đó là công việc khó khăn nhất, leo lên cây để gỡ lan.

Cả ngày rừng hôm ấy, chúng tôi hái được khá nhiều thủy tiên và quế lan, đặc biệt có một khóm to quế nhăn (quế lan đột biến) mà nghe bảo giá cả cũng không đến nỗi. Theo lời anh Việt, mỗi kg thủy tiên, quế lướt giá từ 100 – 200 nghìn đồng, quế nhăn khoảng 600 – 800 nghìn đồng.

Lan rừng đi muôn phương

Cách đây ít năm, mỗi kg lan rừng các loại có giá 100 – 150 nghìn đồng và trồng lan chưa thành phong trào như bây giờ. Lan đẹp, hiếm cũng nhiều hơn. Một số loại lan rừng An Lão so với lan cùng loại ở những vùng miền khác có nhiều điểm khác biệt đã thu hút người chơi lan từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Anh Việt chia sẻ: “Lan từ rừng xuống không nhiều so với trước. Giá lấy lại khá cao, nhưng được cái lan đẹp, nhánh to. Mình bán theo ký là lan rẻ tiền hơn, còn bán bó, bán chậu thường những loại đắt tiền”. Chỉ tay vào nhánh lan kim điệp đang hé nụ, anh cho biết loại này tương đối hiếm và khó nuôi trồng nên khách quen đến đặt hàng từ lâu rồi mà giờ mới có được một ít.

Nhiều người thường lên các bản làng của người H’rê, Ba Na để mua lan từ những thợ rừng nơi đây. Hoặc họ có thể đem hình ảnh của những loài lan yêu thích đặt hàng các thợ rừng săn cho mình. Mùa hè là mùa trổ hoa của kim điệp, thủy tiên, thập hoa, nhất điểm hồng… Lan được rất nhiều người yêu thích, sưu tầm, khiến nhiều loại lan lọt vào hàng hiếm như kim điệp, dã hạc, hạc vỹ, tam bảo sắc…

Ở An Lão có rất nhiều người chơi lan. Hầu như nhà nào cũng có vài chục giò lan làm cảnh. Anh Lỡ Ngọc Sơn là một giáo viên nhưng đam mê chơi lan và có những hiểu biết sâu sắc về loài hoa này. Anh cho biết đặc điểm lan rừng An Lão thân khỏe, cứng cáp, dáng vẻ “ngẫu hứng”, chuỗi hoa dài, tròn đều, sắc hoa tươi, hương dịu nhẹ, thơm dai, lâu tàn nên được người chơi ưa chuộng.

Anh Việt kể tháng 3 vừa rồi, một thanh niên H’rê săn được nhánh lan đại châu (còn gọi là nghinh xuân, ngọc điểm) hiếm hoi còn sót lại nơi núi rừng An Lão, với giá trên dưới 5 triệu đồng hoặc đếm lá để tính tiền. Từ thú chơi tao nhã nhiều năm nay, anh đã trồng được khoảng gần 2.000 giò lan các loại. Từ chơi chuyển qua kinh doanh, lan của anh hiện đã xuất bán trên khắp cả nước. Người mua có thể đến mua trực tiếp tại vườn hoặc đặt mua online. Dù sở hữu lượng lan lớn và phong phú về chủng loại như vậy nhưng hàng ngày anh vẫn có mặt tại các bản làng, với hy vọng sẽ bổ sung thêm loài lan mới. Hoặc anh thường theo chân những thợ rừng người H’rê, Ba Na xuyên rừng săn lan.

Anh Việt cho biết thêm một số loài lan gần như không còn ở rừng An Lão, dù khách mua trả giá rất cao, anh cũng không bán. Vì anh muốn giữ lại nguồn gen quý và đang mày mò tìm mọi cách tự nhân giống theo phương pháp thủ công.

Lan rừng An Lão có rất nhiều loại như thủy tiên, đại ý thảo, quế lan, thập hoa, hạc vỹ, kim điệp… Mỗi loại hoa ở từng vùng đất do ảnh hưởng khí hậu có sự khác biệt về cấu tạo, loại ra chùm hoa dày, loại thưa hoa, loại hoa to, nhỏ, cánh dày, mỏng, màu đậm, nhạt khác nhau. Theo kinh nghiệm của người chơi, giống nào đột biến về màu sắc thì đó là hàng đặc biệt quý hiếm. Ví dụ như đại châu thường tím trắng nhưng có nhành ra trắng phớt hồng hoặc toàn màu trắng; đuôi cáo màu tím hồng cũng ra vòi hoa trắng tuyền; quế lan lá láng mịn chuyển sang nhăn, nổi gân…

Người am hiểu về lan, dựa vào thân, lá, màu sắc, cánh hoa, mùi hương cũng đánh giá được đâu là lan rừng, đâu là lan cấy mô. Và thường mùa lan tháng 3 tháng 4, từ các mối lái quen biết ở nhiều tỉnh họ đặt hàng và săn lan, làm dày thêm bộ sưu tập lan rừng của mình. May mắn sở hữu được những giò lan này coi như thỏa niềm đam mê.

Trong nhịp sống hiện đại tất bật, người ta thường tìm về với thiên nhiên, tự thưởng cho mình những phút giây thư giãn. Vì vậy, một không gian tươi sắc, thoảng nhẹ hương thơm của nhành lan, dễ khiến lòng người thư thái.

Phương Thảo

 

 

 

Bình luận (0)