Một thời, tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp khi cần nhân viên biết ngoại ngữ chỉ nhắm đến ứng viên giỏi tiếng Anh, nay những người thạo những ngôn ngữ hiếm như tiếng Ảrập, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Lào hay Campuchia lại trở thành đối tượng “săn lùng” của nhiều đơn vị.
Đối với người lao động ( NLĐ), việc trang bị cho mình vốn ngôn ngữ toàn cầu (tiếng Anh) là công cụ cần thiết để bước vào cuộc cạnh tranh tìm việc. Một số nhà đầu tư thuộc khối châu Á như Hàn Quốc, Malaysia hay Nhật Bản khi bước vào thị trường VN cũng phải qua trung gian tiếng Anh, trước khi tuyển người có chuyên môn giỏi để đào tạo thêm ngôn ngữ nước sở tại phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, chương trình dạy tiếng cho LĐ có chuyên môn gặp nhiều khó khăn vì chi phí cao, thời gian kéo dài, “vốn đầu tư” thường bị thất thoát do những cuộc “cướp người” lẫn nhau của DN. Vì thế, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đã phải tự đầu tư cho nhân viên nước ngoài học tiếng Việt.
Một doanh nhân Nhật Bản chúc mừng các HS đạt yêu cầu trong kỳ thi tiếng Nhật
Tại các sàn việc làm và công ty (CT) chuyên về nhân sự, nhu cầu tuyển nhân viên tiếng “hiếm” chỉ từ 1-5 người/tháng nhưng rao tuyển thường xuyên với mức lương “đỉnh” và chế độ hấp dẫn đến “choáng váng”. Một số văn phòng thuộc ngành ngoại giao, ban đối ngoại thuộc phòng thương mại các khối: Âu-Mỹ-Á… thường xuyên tuyển nhân viên công vụ, đặc phái viên với tiêu chuẩn rất cởi mở: sinh viên (SV) thuộc các chuyên ngành hoặc SV chưa tốt nghiệp (làm cộng tác viên) biết ngôn ngữ nước sở tại, thu nhập tối thiểu 1.000 USD/người/tháng. Thậm chí, có một số tiếng chưa phổ biến như tiếng Ảrập hay Lào, Campuchia, ứng viên chỉ cần biết nói (phiên dịch). Anh Phạm Đức Trung (Giám đốc nhân sự CT HPA – KCN phần mềm Quang Trung) chia sẻ: “Chúng tôi là DN đầu tư của Đức chuyên về phần mềm nên ngoài việc phiên dịch, ứng viên phải biết đọc tài liệu phần mềm, chuyển dịch phân tích phần mềm, quan trọng là chuyển dịch ngôn ngữ của nước họ qua tiếng Anh. Không nhất thiết ứng viên phải học đúng ngành, vì người có trình độ ĐH có thể tuyển dễ dàng nhưng thành thạo các ngôn ngữ hiếm thì phải mất 3-5 năm mới đào tạo được. Thực tế ở CT chúng tôi, một vị trí ở trình độ cao đẳng vẫn có nhiều cơ hội và lợi thế nếu biết tiếng Đức so với những LĐ trình độ ĐH. Tuy nhiên, đó chỉ mới là vé vào, còn sự hội nhập và tồn tại là còn do năng lực của từng người”.
Đã qua rồi cái thời phải làm việc thông qua phiên dịch, NLĐ phải trang bị thêm kỹ năng ngoại ngữ để làm việc trực tiếp. Song song với việc người nước ngoài học tiếng Việt để làm ăn thì nhân sự VN cũng hiểu là nếu chỉ dùng tiếng Anh thôi không đủ. Vì thế, nhà tuyển dụng luôn săn LĐ biết tiếng “hiếm” bằng bất cứ giá nào. Ông Trần Việt Hoàng (CT du lịch Khải Hoàn) chia sẻ: “VN ngày càng mở cửa, giới đầu tư nước ngoài ngày càng đa dạng. Chúng tôi không chỉ đón khách du lịch đến VN mà còn thiết kế các tour dã ngoại cho các DN nước ngoài đang làm việc tại đây. Vì thế, đòi hỏi nhân viên phải am hiểu ngôn ngữ và văn hóa của khách hàng. Nhân viên biết tiếng hiếm như Đức, Tây Ban Nha, Ảrập… rất khó tìm nên họ chỉ làm quản lý văn phòng, không phải đi tour. Khi gặp sự cố, thường thì khách hàng không thèm nghe phiên dịch (tiếng Anh) và nổi cáu, cần phải có người nói đúng tiếng nước của họ. Để giải quyết những sự cố như thế, nhân viên phải bay từ TP.HCM ra tận Nha Trang, Phan Thiết… dàn xếp, làm an lòng khách”.
Ông Dương Xuân Giao (Giám đốc CT nhân lực Netviet) cho biết: “Các CT tuyển dụng luôn ưu tiên LĐ biết tiếng nước sở tại với các chính sách đào tạo hấp dẫn như: tập huấn ngôn ngữ tại nước ngoài, cơ hội được làm việc và học tập cùng đồng nghiệp thuộc tập đoàn trên toàn cầu, mức lương choáng ngợp… Hầu hết nhà tuyển dụng đều cảm thấy sự đầu tư của mình là xứng đáng khi tuyển nhân sự có vốn ngôn ngữ nước mình”. Như trường hợp chị Loan Yến (từng là nhân viên của FPT, thạo ba ngoại ngữ Anh, Nhật và Đức), dù đang mang thai sáu tháng, chị vẫn được một CT của khối DN Đức “săn” tuyển với thu nhập đề nghị gấp đôi CT cũ.
Hiện nay, tại các trường ĐH như ĐH KHXH&NV, ĐH Mở TP.HCM đều có đào tạo ngôn ngữ hiếm như: Ảrập, Thái, Ấn Độ, Malaysia… Tại ĐHQG Hà Nội còn có đào tạo chuyên ngành tiếng Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ảrập… nhưng số lượng rất hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường. Trung bình mỗi khoa, hàng năm chỉ tuyển được từ 25-50 SV, nhiều SV chưa ra trường đã được mời gọi từ các cơ quan khối ngoại giao, văn phòng đại diện. Vì thế, số còn lại được các DN săn lùng ráo riết. Thầy Trần Thế Vĩnh (nhân viên Khoa Đông phương học, Trường ĐH Mở TP.HCM) nhận xét: “Đa số SV ra trường đã thông thạo hai ngoại ngữ làm “vũ khí” chính trên đường xin việc. Có SV còn táo bạo lựa chọn những ngôn ngữ khó học và lạ mà ban đầu chưa dám chắc có người tuyển dụng. Họ tin vào sự mở cửa đầu tư và đến nay, ngôn ngữ hiếm đã trở thành “hàng hot”, rất nhiều cơ hội cho những người học “tiếng lạ”.
Theo Song Khê
(PNO)
Bình luận (0)