Nông dân Vĩnh Cửu mỏi mệt trước mùa sắn thất bát |
Hiện nay, giá sắn tươi dao động từ 450-550 đồng/kg, mức giá này chỉ bằng 30% của vụ sắn trước. Chúng tôi đã đến huyện Vĩnh Cửu, một huyện thuần nông của tỉnh Đồng Nai để ghi nhận sự khó khăn của người dân nơi đây.
Mất mùa lại mất giá
Năm 2008, khi giá sắn tăng cao, có lúc lên tới 1.300-1.400 đồng/kg việc trồng sắn là một hướng thoát nghèo. Còn với mức giá như hiện nay thì nông dân đang thực sự gặp khó. Anh Nguyễn Văn Mạnh, một nông dân trồng sắn ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Năm nay củ mì (sắn) mất giá quá. Đầu vụ còn được 650 đồng/kg bây giờ chỉ còn chưa tới 600 đồng/kg. Với mức giá này thì nông dân sẽ bị lỗ nặng”. Cũng theo anh Mạnh thì năm nay vật tư nông nghiệp tăng giá mạnh cùng với nhân công đắt đỏ khiến cho đầu vào tăng gấp đôi. Trung bình mỗi hecta nông dân lỗ từ 5-7 triệu đồng, như nhà anh Mạnh có hơn 2 hecta lỗ hơn 10 triệu đồng. Mất giá không phải là nỗi lo duy nhất của nông dân, anh Mạnh cho tôi xem đống sắn mới thu hoạch. Những củ sắn bị nấm đen hoặc trắng loang lổ có mùi thối. Theo anh Mạnh, ước tính sản lượng mỗi vụ giảm từ 15-20%. Anh Mạnh tâm sự: “Biết lỗ nhưng phải thu hoạch, để lâu nấm bệnh sẽ lây lan mạnh trong đất, tiếp tục nhiễm cho vụ sau nữa”.
Nhà anh Nông Văn Viện có 5 hecta trồng sắn cao sản cho năng suất khoảng 20 tấn/hecta thuộc loại khá nhất xã cũng không tránh khỏi thua lỗ. Anh Viện tâm sự: “Trồng được nhiều nhưng tính lại thì lỗ nặng. Năm nay, một bao phân NPK 50kg có giá xấp xỉ 500 ngàn đồng, công làm sắn cũng tăng gần gấp đôi như công nhổ sắn là 100 ngàn đồng/ngày, công bào sắn là 60 ngàn đồng/ngày. Tính chi phí năm rồi nhà tôi lỗ 30 triệu đồng. Anh Viện phân trần: “Trồng ít thì lỗ ít, trồng nhiều thì lỗ nhiều. Vay mượn ngân hàng để đầu tư vào cây sắn, sắp tới kì hạn không biết lấy tiền đâu mà trả cho ngân hàng”. Anh Viện đang nợ ngân hàng trên 30 triệu đồng chỉ mong đến mùa để trả nợ mà bây giờ chưa bán được vì giá quá thấp mà bán cũng không ai mua. Hiện nay, để bán được sắn nông dân phải tự chở đến nhà máy nhưng cũng không được trả tiền ngay, có khi đợi cả tháng trời mới được thanh toán. Lý do các nhà máy đưa ra là kinh tế khó khăn, giá bột mì liên tục giảm mạnh cộng với việc khó tiêu thụ nên các nhà máy cũng bị thua lỗ.
Cũng chính vì sự thu mua cầm chừng của các nhà máy mà nông dân chỉ còn cách sơ chế sắn tươi thành sắn lát phơi để trữ lại chờ giá lên hoặc bán làm thức ăn gia súc. Nhưng việc đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời do sắn phơi sấy chỉ để được có 5-6 tháng trong điều kiện bảo quản tốt.
Chị Nguyễn Thị Hợi tổ 3, ấp Hiếu Liêm nhà có 3 đứa con hiện đang đi học cũng được “huy động” ra đồng. Chị Hợi tâm sự: “Nhìn bọn trẻ làm lụng vất vả cũng thương lắm nhưng biết sao được, nhà neo người quá”. Lặng thinh hồi lâu chị Hợi tiếp: “Cha mẹ nào muốn con thất học chứ. Tại khó khăn quá chị phải cho thằng lớn nghỉ học. Năm nay sắn lại mất mùa nữa không biết có nuôi nổi hai đứa nhỏ đi học tiếp không”.
Chuyển đổi cây trồng không dễ
Không ít hộ dân ở đây có ý định chuyển đổi sang các loại cây trồng khác mà họ cho rằng hiệu quả hơn như cây cà phê, điều hay keo lai… Nhưng cũng không phải dễ mà thực hiện được vì phải cần một lượng vốn không nhỏ cộng đất trồng sắn lâu năm đã bị thoái hóa.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Cửu cho biết, hiện nay trên toàn huyện có khoảng 3.000 hecta cây sắn. Trong đó, diện tích chưa thu hoạch tới thời điểm này là 200 hecta. Trước niên vụ sản xuất 2008-2009 huyện đã có khuyến cáo với nông dân về nguy cơ nấm bệnh trên cây sắn và có đề nghị luân canh các loại cây trồng khác trên đất trồng sắn nhiều năm. Qua đó giảm khả năng lây lan của nấm bệnh và có điều kiện cải tạo đất nâng cao sản xuất. Năm nay do tình hình giá cả nông sản bất thường, khiến cho nhiều nông dân lao đao.
Huyện cũng đã vận động và liên hệ với các nhà máy, cơ sở chế biến để thu mua. Không thể yêu cầu các đơn vị này mua cao hơn giá thị trường nhưng cũng giúp cho dân đỡ phần nào gánh nặng. Bên cạnh đó là kêu gọi nông dân phải thu hoạch sắn nhiễm bệnh để phòng nấm bệnh cho vụ sau, khuyến khích nông dân phơi sắn lát trữ lại để chờ giá lên.
Quốc Quân
Bình luận (0)