Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ… rác

Tạp Chí Giáo Dục

Đề tài Lọc nước bằng vỏ chuối của Nguyễn Hoàng Anh Minh và Nguyễn Ngọc Tuyết Vy (Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền)
Vỏ cam, vỏ chuối… lâu nay vẫn bị coi là rác. Song, nhờ áp dụng những kiến thức đã học ở trường, không ít học sinh tại TP.HCM đã biến rác thành các sản phẩm có ích cho cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe…
Điều này đã được thể hiện rõ nét trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2013-2014 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.
Dùng vỏ chuối để lọc nước
Đó là ý tưởng của hai em Nguyễn Hoàng Anh Minh và Nguyễn Ngọc Tuyết Vy – học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM). Trao đổi với chúng tôi, Anh Minh cho biết: “Trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước ta ngày càng phải hứng chịu nhiều cơn bão. Khi các cơn bão đi qua là lũ lụt, sạt lỡ đất, triều cường dâng cao… xuất hiện. Hậu quả là các nguồn nước đều bị ô nhiễm, người dân ở những vùng có bão đi qua không có nước sạch để sinh hoạt, bệnh tật cũng từ đó mà ra. Để mỗi hộ gia đình đều có thể chủ động trong việc tạo ra nguồn nước sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, nhóm chúng em đã nghiên cứu đề tài Lọc nước bằng vỏ chuối…”.
Theo đó, Anh Minh và Tuyết Vy đã nghiên cứu tính chất tạo kết tủa của tanin có trong vỏ chuối sứ khi tác dụng với các ion kim loại trong nước. Qua các thí nghiệm, hai em đã tạo nên mô hình lọc nước.

Đề tài Quy trình tách chiết tinh dầu cam của Tăng Siêu Thịnh, Ngô Trường Hoàng An, Trần Lê Bảo Châu (Trường THPT Lê Quý Đôn)
“Mô hình lọc nước bằng vỏ chuối có tính năng tốt, chi phí rẻ hơn so với những phương thức lọc nước đã và đang được sử dụng hiện nay. Không những vậy, trong suốt quá trình chúng em thực hiện nghiên cứu, các chất thải và sản phẩm cuối cùng được tạo ra đều không gây hại cho con người và môi trường. Lượng vỏ chuối sau khi làm chất lọc có thể rửa sạch để tiếp tục dùng làm phân bón hữu cơ”, Tuyết Vy cho biết thêm.
Đề tài Lọc nước bằng vỏ chuối đã được Sở GD-ĐT TP.HCM trao giải nhì.
Làm đẹp với vỏ cam
Lâu nay chúng ta vẫn thường nghe nói nhiều đến công dụng của nước cam. Cụ thể, nước cam có chứa flavonoid có lợi cho sức khỏe và là một nguồn cung cấp các chất chống ôxy hóa hesperidin. Đồng thời trong nước cam có chứa nhiều vitamin C, có tác dụng tăng cường đề kháng, chống mệt mỏi. Song, ít ai nói đến tác dụng của vỏ cam. Thường thì vỏ cam luôn bị bỏ vào thùng rác sau khi chúng ta đã vắt hết nước.
Tuy nhiên, bằng nghiên cứu của mình, nhóm học sinh Tăng Siêu Thịnh, Ngô Trường Hoàng An và Trần Lê Bảo Châu (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) đã cho mọi người thấy sự kỳ diệu của vỏ cam.
Hoàng An chia sẻ: “Vỏ cam được chúng em xay nhuyễn sau đó dùng các dụng cụ trong phòng thí nghiệm của trường để chưng cất lôi hơi nước. Rồi chiết nước đó vào lọ, làm khan và cho ra tinh dầu thô. Theo đó, tinh dầu thô này có thể dùng làm hương liệu thư giãn giảm stress, làm nước hoa, làm đẹp da, trị cảm, làm thuốc, làm thơm mát nhà cửa”.
Đề tài Quy trình tách chiết tinh dầu cam đã đạt giải ba tại hội thi.
Cây cỏ hôi làm thơm tóc
Theo đông y, cây cỏ hôi tươi phối hợp với bồ kết, nấu nước gội đầu sạch gàu, trơn tóc.Cách làm này không khó nhưng khá mất thời gian. Trong khi đó nhu cầu làm đẹp tóc thì không trừ một ai, còn gàu thì ai cũng có dù ít hay nhiều. Những người lạm dụng dầu gội đầu, dầu xả nhiều thì nguy cơ bị gàu càng cao, do những sản phẩm này có chứa hóa chất. Để mọi người dễ dàng tiếp cận với những công dụng của cây cỏ hôi trong việc chăm sóc tóc, nhóm 10CH5, gồm Trần Gia Khang, Đặng Diệp Tùng và Bùi Đăng Đoan Thùy (học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) đã tiến hành nghiên cứu tách tinh dầu nguyên chất từ cây cỏ hôi.
“Tách tinh dầu nguyên chất từ cây cỏ hôi, tinh dầu có màu vàng nhạt. Sau đó chúng em đã kết hợp tinh dầu này pha với nước bồ kết tạo ra một sản phẩm dầu gội trị gàu, giúp mượt và thơm tóc. Các sản phẩm dầu gội trị gàu trên thị trường hiện nay rất nhiều nhưng việc sử dụng tinh dầu cây cỏ hôi để trị gàu là lần đầu tiên được nghiên cứu và thử nghiệm”, Gia Khang chia sẻ.

Đề tài Trị gàu bằng tinh dầu cây cỏ hôi của Trần Gia Khang, Đặng Diệp Tùng và Bùi Đặng Đoàn Thùy (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa)

“Chúng em đã đem sản phẩm thử nghiệm trên 3 người, kết quả cho thấy những dấu hiệu về gàu và ngứa đều giảm, hơn thế tóc còn mượt hơn. Dựa trên những kết quả thu được, chúng em hoàn toàn tin rằng sản phẩm không gây độc hại cho cộng đồng và có hiệu quả tốt”, Đoan Thùy khoe.
Đề tài Trị gàu bằng tinh dầu cây cỏ hôi của nhóm 10CH5 đạt giải nhất và được chọn tham dự cuộc thi cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức sắp tới.
Ngăn chặn tế bào ung thư cổ tử cung bằng cây húng quế
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, có không ít cây cỏ có chứa các chất làm chậm quá trình phát triển của các tế bào ung thư. Một trong số những loại cây cỏ thần kỳ đó là cây húng quế. Cụ thể, nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, cây húng quế có tác dụng khống chế sự sinh sôi của các tế bào ung thư bạch cầu. Ngoài ra, chất xơ và canxi trong cây húng quế giúp loại bỏ các dịch mật thừa, ngăn ngừa những ảnh hưởng không tốt với tế bào ruột, từ đó giảm nguy cơ ung thư ruột kết. Một nghiên cứu của Trường ĐH Y Chung Shan (Đài Loan) cũng cho thấy, húng quế có hiệu quả chống lại ung thư cổ tử cung.
Với mong muốn khai thác tối đa công dụng y học thần kỳ của cây húng quế để tạo ra một sản phẩm mới mẻ hơn cho danh mục dược phẩm thảo dược của nước nhà, nhóm học sinh Trần Nguyễn Nhật Trà, Ngô Thùy Dương và Tôn Nữ Thúy Vy (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) đã chiết xuất ra OBEO và CAW. Trong đó, OBEO là tinh dầu chiết xuất từ húng quế sau khi ngâm lá đã phơi khô trong rượu và chưng cất. CAW là rượu thu lại được sau quá trình chưng cất.
“Trong thành phần của CAW có một lượng chất là Acid caffeic đã được nghiên cứu rằng có khả năng làm chậm và ngăn chặn tế bào ung thư cổ tử cung”, Thùy Dương cho biết. Đề tài này đã đạt giải nhì cấp thành phố.
Bài, ảnh: Anh Kim

Bình luận (0)