Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Sản phẩm du lịch nghèo nàn, sao bắt khách chịu “móc hầu bao”?

Tạp Chí Giáo Dục

Du lịch nội địa chính là cứu cánh, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, để thu hút khách cần phải có các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.
Du lịch Việt thiệt hại khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020
Tại hội nghị về “Cơ cấu lại thị trường khách du lịch” tổ chức sáng 19/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng tổng cục Du lịch cho hay, trong 5 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế nhanh nhất thế giới, bình quân 22,7%/ năm. Tổng thu từ du lịch cũng tăng từ 355 ngàn tỷ đồng lên 755 ngàn tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào GDP cả nước.
Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã khiến du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Từ tháng 2/2030, Việt Nam đã tạm dừng hoạt động đón khách quốc tế, thị trường du lịch nội địa cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay, du lịch Việt thiệt hại khoảng 23 tỷ USD trong năm 2020
Ông Khánh cho hay, dự kiến trong năm 2020, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 50% so với năm 2019. Thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam năm 2020 dự báo lên tới 23 tỷ USD.
“Thời điểm này, du lịch cần phải xem xét lại cơ cấu ngành, có ứng dụng công nghệ thông minh, du lịch số, đồng thời có các giải pháp để đa dạng hóa thị trường khách quốc tế…”, ông Khánh nhấn mạnh.
Để khách nội địa "móc hầu bao" phải có các sản phẩm mới lạ
Theo đại diện các doanh nghiệp, dịch bệnh đã thay đổi thói quen, hành vi của người đi du lịch. Bản thân du khách có tâm lý e dè, lo ngại và đòi hỏi an toàn cao hơn khi đi du lịch. Việc quyết định đi du lịch cũng khó khăn hơn do kinh tế phục hồi chậm hoặc thu nhập bị giảm sút.
Du lịch nội địa chính là cứu cánh, giúp các doanh nghiệp phục hồi, duy trì hoạt động trong bối cảnh hiện nay.
Trong bối cảnh đại dịch Covid chưa được kiểm soát trên thế giới, thị trường khách quốc tế chưa mở cửa trở lại, du lịch nội địa chính là cứu cánh, giúp các doanh nghiệp phục hồi, duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch phục vụ đối tượng khách này chưa đa dạng, vẫn có tính mùa vụ. Khách vẫn tập trung chủ yếu ở các trung tâm du lịch lớn như: Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long… nhiều điểm đến mới chưa được khai thác tốt.
"Hiện nay các sản phẩm phục vụ khách nội địa vẫn theo xu hướng truyền thống. Đi biển thì Phú Quốc, Nha Trang; miền núi thì Sa Pa, Hà Giang… Trong khi nhiều điểm đến hấp dẫn, cảnh quan đẹp lại chưa được khai thác hiệu quả.
Nếu không có các sản phẩm mới lạ, độc đáo thì du khách trong nước cũng chỉ đi 1-2 lần cho 1 điểm du lịch rồi lại chán", Ông Nguyễn Minh Tâm, đại diện Vietnam Airlines thẳng thắn. 
Bà Trâm Nguyễn, đại diện Google thông tin cuộc khảo sát của đơn vị này mới đây cho thấy, người Việt Nam lạc quan nhất thế giới về du lịch sau dịch bệnh. Trong đó, yếu tố hàng đầu đối với du khách Việt khi quyết định lựa chọn các dịch vụ du lịch là uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, sau đó mới là giá cả. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. 
“Doanh nghiệp phải đầu tư cho các kênh thông tin số, không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ, cải tiến các chuyến đi cho hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng, tạo sự thành công bền vững. Từ đó nâng cấp thương hiệu doanh nghiệp”, bà Trâm khẳng định.
Cần phải “tính xa” đón đầu khách quốc tế
Bên cạnh việc tập trung khai thác thị trường khách nội địa, đại diện các doanh nghiệp cho rằng cũng cần phải “tính xa” đón đầu khách quốc tế, với những sản phẩm mới, phù hợp với bối cảnh.
Về thị trường khách quốc tế cần nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với bối cảnh, xa hơn là hướng đến các thị trường khách "nhà giàu, chi trả cao".
“Chúng ta có thể tính đến các thị trường gần trước như là các nước Đông Nam Á, các nước lân cận với Việt Nam đã an toàn và mở cửa đón khách”,  ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, ông Phùng Quang Thắng Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cũng cho rằng, với thị trường khách quốc tế lượng khách đến Việt Nam thời điểm này chủ yếu là khách ngoại giao, khách đi công tác, khách theo đoàn… Với đối tượng khách đặc thù, có thể xem xét nghiên cứu các tour cách ly.
Thời gian qua thị trường khách quốc tế chiếm tỷ trọng nhiều nhất là các thị trường Đông Bắc Á gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với khoảng 66,8%. Một số thị trường khách Châu Âu, Châu Mỹ… có mức chi trả cao vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Đó là chưa kể, dù được đánh giá cao về tài nguyên thiên nhiên, thắng cảnh đẹp, song thời gian lưu trú và mức chi trả của khách quốc tế đến Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực còn thấp, chưa tương xứng…
Điều này theo các doanh nghiệp du lịch, cần phải nghiên cứu có các sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách, chú trọng các sản phẩm phục vụ khách du lịch có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.
Ngoài ra, sử dụng các sản phẩm du lịch mà Việt Nam có lợi thế, đảm bảo sự phát triển cân đối cơ cấu khách du lịch quốc tế đến từ nhiều thị trường. Cụ thể là tăng tỷ lệ khách đến từ các thị trường còn chiếm tỷ lệ thấp như Asean, hoặc các thị trường xa như Tây Âu, Bắc Mỹ có thời gian lưu trú dài và chi tiêu cao…
Trong bối cảnh này, Việt Nam cũng có thể nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế như: chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE, du lịch văn hóa, thể thao…
Đối với các thị trường có tỷ trọng cao về số lượng khách như Trung Quốc, Hàn Quốc… thời gian tới cần tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ khai thác các phân khúc khách có thu nhập cao, có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, sử dụng các dịch vụ cao cấp.
Hà Trang (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)