Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Sản phẩm khoa học của học sinh đồng bằng

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian qua có rất nhiều sáng chế khoa học của học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi được ứng dụng thành công trong cuộc sống, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu hai sản phẩm do học sinh đồng bằng sông Cửu Long sáng chế, được mọi người đánh giá cao bởi tính gọn, nhẹ và dễ sử dụng.

Từ chuông báo giờ tự động…

Hai em Ngô Liên Bửu Toàn và Ngô Tấn Phát với sản phẩm chuông báo giờ tự động dễ sử dụng

Đứng trước sản phẩm “Chuông báo giờ tự động” của hai em Ngô Liên Bửu Toàn và Ngô Tấn Phát (học lớp 11A4), các thầy cô và bạn bè trong Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Sóc Trăng) không ngớt lời khen ngợi, cảm phục. Chuông báo giờ này được lập trình bằng máy tính, sẽ tự động reo khi hết thời gian một tiết học. Do mạch được lập trình sẵn nên chỉ cần lắp chuông vào, cung cấp năng lượng (pin, nguồn điện) là nó sẽ hoạt động.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng để có được bộ chuông báo giờ tự động như vậy, Toàn và Phát đã kiên trì nghiên cứu, mổ xẻ thiết bị; tự tìm kiến thức về mạch điện tử, cách mắc ghép các linh kiện điện tử… Sau đó, nhờ người dạy lập trình, thử nghiệm qua nhiều lần sửa chữa và hoàn thiện. Hai em còn cho biết đã bao lần quên cả ăn uống để tìm ra cho được nguyên lý hoạt động của mạch điện tử. Những giọt mồ hôi rơi xuống ngày càng nhiều cũng là lúc chuông báo giờ sắp hoàn thành nên Toàn và Phát không cảm thấy mệt mỏi mà chỉ thấy niềm vui, hạnh phúc vì mình đã đóng góp một-cái-gì-đó cho nhà trường.

Nhớ lại cảnh các nhân viên văn phòng trực chuông báo hết tiết mà tội nghiệp! Mặc dù ngồi làm việc nhưng thỉnh thoảng mắt phải liếc nhìn xem đồng hồ đã đến giờ chưa để chạy đi bấm chuông. Có những tiết thao giảng, có nhiều thầy cô dự giờ, bài học đã kết thúc, tiết học đã hết 45 phút mà chuông chưa reo… nên mọi người chưa được ra! Sau này mới biết vào thời điểm đó, nhân viên có việc ra ngoài mà văn phòng lúc ấy lại không người coi nên mới ra nông nỗi vậy. Hoặc có những buổi (do nhiều nguyên nhân) chuông báo giờ trễ vài ba phút, ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên và học sinh. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, được sự động viên, tiếp sức của thầy Nguyễn Thanh Phong (Tổ trưởng bộ môn vật lý), Toàn và Phát, với lòng đam mê nghiên cứu đã xung phong nhận làm chuông báo giờ tự động. Thầy Phong tin tưởng “lực” của hai cậu học trò vì cả hai đều từng đạt giải đặc biệt cấp thành phố và giải nhất cấp tỉnh trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2015.

Sự kiên trì và nghị lực tìm tòi, nghiên cứu của hai em đã được đền đáp bằng sản phẩm chuông báo giờ tự động. Thiết bị này gọn, nhẹ, dễ vận hành và có tính ứng dụng cao trong trường học. Từ đó, công việc của nhân viên văn phòng trong việc báo giờ ra – vô lớp trở nên nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn. Có thể nói chuông báo giờ tự động là sản phẩm mà Toàn và Phát ưng ý nhất. Mỗi lần nghe tiếng chuông reo lên là trong lòng hai em thấy vui sướng.

Ước mơ của Toàn và Phát là trở thành kỹ sư điện tử, nghiên cứu về điện tử để sáng chế ra nhiều sản phẩm ứng dụng vào cuộc sống, phục vụ con người.

Đến tác hại của khói thuốc lá

Nguyễn Anh Nam và Lương Chí Khang bên mô hình “Tác hại của thuốc lá”

Đây là mô hình của hai em Nguyễn Anh Nam và Lương Chí Khang (học lớp 9A8 Trường THCS Ngô Quốc Trị, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), vừa đạt giải 3 quốc gia cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2015. Thầy Nguyễn Trí Vàng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quốc Trị, phấn khởi nói: “Thành tích của Nam và Khang thật bất ngờ và rất đỗi tự hào với thầy cô, bạn bè trong trường. Hai em là hai cây sáng kiến độc đáo của trường”.

Kể về ý tưởng thực hiện mô hình, Nam cho biết: “Bản thân em không thích mùi hôi và khói thuốc lá. Chẳng những vậy, khói thuốc sẽ tàn phá sức khỏe người dùng và có khả năng dẫn đến tử vong hoặc các loại bệnh nguy hiểm khác, vì vậy em quyết định thực hiện mô hình này”. Đồng quan điểm với Nam, Khang bộc bạch thêm: “Hiện nay nhiều người không lường trước tác hại nguy hiểm của khói thuốc, em muốn chứng minh mối nguy hiểm ấy thông qua mô hình này”. Nghĩ là làm. Cả hai nghiên cứu sâu quá trình khói thuốc tan trong không gian, lượng khói kết tủa, chuyển màu khi hòa tan trong nước rồi đầu tư mua sắm các vật dụng cần thiết như: bình ắc quy loại nhỏ, mô-tơ, bình chứa bằng nhựa trong, ống dẫn khói… với chi phí đầu tư xấp xỉ 500 ngàn đồng rồi bắt tay thực hiện.

Nguyên lý chung là khi đốt thuốc lá, lượng khói sẽ được dẫn qua các ống dẫn rồi lắng xuống bình nước làm chuyển màu nước đang có, lượng khói thuốc càng nhiều thì màu nước sẽ chuyển màu từ vàng sang đen đậm. Phần khói còn lại sẽ được lưu giữ trong bình nhựa còn lại. Cách thể hiện đơn giản nhưng rất hiệu quả vì tác động trực tiếp vào mắt của mọi người. Điều này minh chứng, người sử dụng thuốc lá càng nhiều thì sự nguy hiểm càng cao.

Sau nhiều lần thử nghiệm không như mong muốn, Nam và Khang vẫn không nản chí và quyết thực hiện đến cùng. Sau thời gian nghiên cứu, thử nghiệm khoảng 12 tháng, mô hình “Tác hại của thuốc lá” đã thành công tốt đẹp. Mô hình trên đã đạt giải nhất cấp tỉnh về cuộc thi Sáng tạo đồ dùng dạy học; giải nhì cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang và mới đây mô hình đã đạt giải 3 cấp quốc gia.

Nam xúc động nói: “Chúng em rất bất ngờ về kết quả đạt được. Hiện em và Khang đang ấp ủ thực hiện các mô hình sáng kiến khác tập trung về chủ đề làm trong sạch môi trường sống”.

Lê Đức – Thanh Liêm

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)