Một thời, nghề truyền thống tại Hà Nội không chỉ mang lại cuộc sống sung túc cho người dân, mà còn làm nên thương hiệu của nhiều địa phương trên mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan, không ít làng nghề bỗng trở lao đao vì khó tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Hiu hắt làng nghề mây tre đan Phú Vinh
Mây tre đan là nghề truyền thống của thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Vào thời kỳ thịnh vượng, từ trẻ nhỏ đến người cụ già phơ phơ đầu bạc, tất cả đều tham gia vào quá trình sản xuất. Người dân nơi đây từng rất tự hào rằng, tất cả các châu lục trên thế giới, chẳng nơi đâu là sản phẩm thủ công của họ không có mặt.
Dệt lụa tơ tằm ở làng nghề Vạn Phúc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).
Theo ông Vương Văn Cẩn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Nghĩa, giai đoạn từ năm 1999 đến 2008, chỉ riêng thôn Phú Vinh đã có tới 27 công ty mây tre đan xuất khẩu, ký kết hợp đồng với bạn hàng đến từ khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Đức, Đài Loan…
Sản xuất phát triển, mức thu nhập cao, từ đó những ngôi nhà cao tầng, khang trang trong xã cứ đua nhau mọc lên.
Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, còn giờ đây ở Phú Vinh, những mặt hàng đang đan dở dang vẫn chất đống tại nhiều hộ gia đình. Các cơ sở sản xuất cũng chỉ còn lèo tèo vài người, chủ yếu là người già và phụ nữ.
“Hiện toàn xã chỉ còn 7 doanh nghiệp mây tre đang hoạt động. Số còn lại chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác hoặc đóng cửa,” ông Cẩn giọng buồn buồn cho biết thêm.
Nguyên nhân chính được đưa ra để lý giải cho sự đi xuống của làng nghề là do mây tre đan là mặt hàng tiêu dùng chủ yếu phục vụ cho trang trí, nên vào thời kỳ khó khăn, đây là sản phẩm đầu tiên người tiêu dùng cắt giảm mua sắm.
Tuy nhiên, theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, mây tre đan Phú Vinh đang gặp khó vì cạnh tranh không nổi với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc và Thái Lan… So với các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc, hàng của Việt Nam đang kém hẳn về mẫu mã, trong khi giá thành lại cao hơn vì không chủ động được nguồn nguyên liệu.
“Do đó, nếu không có sự thay đổi từ chính các công đoạn sản xuất, từ việc phát triển vùng nguyên liệu thì sản phẩm mây tre đan khó có thể có được thời “hoàng kim” như trước đây, ngay cả khi cuộc khủng hoảng qua đi" – ông Trung nhìn nhận.
Làng Vạn Phúc “treo khung” vì “đuối” sức
Cách làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh không xa, làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội), nơi từng nức tiếng với sản phẩm lụa tơ tằm dệt thủ công truyền thống, tình hình sản xuất cũng rất đình trệ.
Dù ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến với làng lụa hiện nay là các cửa hàng bày bán sản phẩm có vẻ chuyên nghiệp hơn, hàng hóa cũng đa dạng phong phú hơn cả về chủng loại, màu sắc. Nhưng nếu tinh ý sẽ thấy tiếng máy dệt vải trong làng lại thưa hơn, chẳng rộn ràng như cách đây vài năm.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, cho biết hiện làng nghề Vạn Phúc có khá nhiều hộ dân đã ngừng hẳn sản xuất. Vào nững năm 2002-2006, mỗi ngày cả làng có cả nghìn máy cùng hoạt động, nhưng nay cũng chỉ còn lại vài trăm.
“Mặc dù, ai cũng biết rằng dừng dệt sẽ khiến cho máy móc bị hư hỏng. Song trước thực trạng giá nguyên liệu liên tục tăng cao, người sản xuất làm ra sản phẩm còn khó bán chứ chưa tính đến chuyện có lãi thì việc ngừng sản xuất vẫn được xem là sự lựa chọn phù hợp,” ông Phạm Khắc Hà, một người dân địa phương bộc bạch.
Theo quan sát, mỗi ngày Vạn Phúc vẫn có cả trăm lượt khách trong và ngoài nước tới thăm quan, mua hàng. Đặc biệt là khi thời tiết bước sang mùa Thu như hiện nay, chị em phụ nữ thường tới đây để mua các loại khăn quàng vì mẫu mã rất phong phú và giá bán chỉ từ vài chục đến hơn trăm nghìn đã có những chiếc khăn ưng ý. Đối với khách nước ngoài, các loại khăn, túi xách, quần áo may sẵn… là những sản phẩm khá phù hợp với việc dùng làm quà tặng trong chuyến du lịch.
Với nhiều ưu điểm và dễ dàng sử dụng trong thiết kế thời trang nên mặt hàng này ngày càng được sử dụng nhiều. Tưởng chừng đây là cơ hội để phát triển, nhưng cũng do các mẫu trang phục liên tục thay đổi nên người dân trong làng chủ yếu chỉ dệt ra các loại vải thô có phẩm cấp trung bình. Sản phẩm sau đó bán cho các gia đình khác chuyên làm các khâu truội, nhuộm các màu sắc khác nhau để bán tới tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, màu nhuộm cũng là những loại có chất lượng không cao nên thường hay bị phai trong quá trình sử dụng. Đó là chưa kể, rất nhiều loại vải dù không được sản xuất ở địa phương vẫn được người bán hàng quảng bá là sản phẩm của làng lụa.
“Khổ vải lụa do địa phương dệt chỉ từ 90-115 cm, còn những loại vải khổ lớn từ 1,2-1,5m chắc chắn không phải là hàng dệt thủ công của chúng tôi. Nhưng để bán được hàng, không ít người vẫn quảng bá lụa chính gốc,” một người dân địa phương cho biết.
Riêng đối với các loại khăn, một vài người bán hàng ở đây cũng thừa nhận, hầu hết hàng ở đây đều không phải do địa phương sản xuất. Thực tế, thợ của làng đều có thể làm nhưng do sản phẩm có giá thành không cao nên nhập về bán lại có lời hơn. “Khăn choàng được may và thêu bằng máy công nghiệp có giá bán chỉ khoảng 100.000 đồng/chiếc. Cũng chiếc khăn đó, sử dụng vải lụa Vạn Phúc, thêu tay, giá có thể đắt gấp 5 lần,” một người bán hàng chia sẻ.
Chính những sự “linh hoạt” trên đã vô tình làm mất đi hình ảnh, thương hiệu của những tấm vải lụa “thượng hạng” từng được sản xuất ra bởi những người thợ thủ công ở ngôi làng này. Trước thực trạng trên, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã không khỏi chua xót mà thốt lên rằng: Để làng nghề Vạn Phúc mai một là có tội với thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, đâu là hướng đi bền vững cho làng nghề Vạn Phúc vẫn là bài toán chưa có lời giải. Du lịch làng nghề cũng là phương án đã được địa phương tính tới để vừa thu hút khách tham quan và qua đó quảng bá được sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có các cửa hàng, hộ gia đình sản xuất, còn việc xây dựng cơ sở hạ tầng khác phục vụ cho hoạt động thăm quan, vui chơi giải trí của du khách lại chưa hề có.
Đó là chưa kể đến, ở các làng nghề như Phú Vinh, Vạn Phúc số nghệ nhân đã vào tuổi "xưa nay hiếm", thợ có tay nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lớp thanh niên phần lớn đều không mặn mà với nghề "cha truyền con nối". Hầu hết họ đều muốn thoát ly khỏi quê hương và tìm một nghề khác có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, vấn đề khó khăn, khả năng cải tiến mẫu mã kém, mức độ nhạy cảm với thị hiếu tiêu dùng không cao dẫn đến việc duy trì, phát triển nghề truyền thống rất khó khăn, chật vật.
Giờ đây, có lẽ các làng nghề chỉ còn biết trông chờ vào Quy hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của thành phố Hà Nội. Mong rằng quy hoạch này sẽ mang đến hơi thở mới cho các làng nghề vốn đã rất già nua, đuối sức trong thời kỳ nền kinh tế có nhiều biến động./.
Nguyễn Thắng
(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận (0)