Hiện nay, peel da là một phương pháp làm đẹp được nhiều chị em yêu thích và được các chuyên gia đánh giá cao. Tuy nhiên việc tự thực hiện peel da tại nhà tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể khiến làn da bị tổn thương nghiêm trọng…
Sau khi peel da tại nhà, da mặt nhiều chị em bị lột như da rắn…
Nhan nhản sản phẩm peel da
Vào Google gõ mấy chữ “Mỹ phẩm peel da tại nhà”, chỉ trong vòng 0,27 giây đã cho ra 646 ngàn kết quả. Theo đó có những sản phẩm giá cực “chát”, lên tới gần 7 triệu đồng/sản phẩm, “mềm” hơn chút xíu cũng phải 2,8 đến trên 3 triệu đồng/sản phẩm, “nhè nhẹ” thì 1,3 triệu đồng/sản phẩm… Tuy nhiên, bên cạnh một số sản phẩm có thương hiệu, được sản xuất bởi những hãng dược mỹ phẩm uy tín trên thế giới, có tem chống hàng giả với giá trên 1 triệu đồng/sản phẩm thì cũng có 1.001 sản phẩm peel da giá cực kỳ “hạt dẻ” – chỉ vài ba trăm ngàn đồng/sản phẩm, thậm chí có sản phẩm chỉ 75 ngàn đồng.
Lướt một vòng trên Shopee, Lazada…, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm gian hàng bán sản phẩm peel da tại nhà với những lời quảng cáo có cánh như: Bóc tách sẹo rỗ nám, tàn nhang, sẹo thâm, sẹo lõm lồi, se khít lỗ chân lông, da trắng mịn màng không tì vết. Hiệu quả sau 1 lần sử dụng. Không những thế, người bán hàng còn “mạnh miệng” cam kết 100% hài lòng với chất lượng của sản phẩm.
Điều đáng nói, tất cả các gian hàng đều tuyên bố sản phẩm là hàng chính hãng, sản xuất tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Pháp… Tuy nhiên, chúng tôi tìm đỏ mắt cũng không thấy tên, địa chỉ của công ty.
Với kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” này, nhiều người bán đã bị khách hàng “bóc phốt”, cụ thể như: “Nói hàng Mỹ mà bao bì, tem seal dán sơ sài. Nhìn là biết hàng Mỹ Tho. Shop bán hàng Việt Nam cũng được, miễn xài tốt, chứ cần gì phải nói hàng Mỹ mà bao bì tem seal nhìn là biết Việt Nam. Chỉ mong đừng bán hàng giả xài tội nghiệp người mua. Thất vọng về cách kinh doanh của một số người bán hàng không có tâm. Tem nhãn dán còn nhăn nheo. Mua xong thấy sợ…”.
Mà đúng là sợ thật. Nhiều khách hàng sau khi sử dụng những sản phẩm trôi nổi mua trên mạng xã hội, mặt mũi nhìn thấy sợ, phải vào bệnh viện “cầu cứu” bác sĩ.
Chẳng hạn như trường hợp chị N.T.P (26 tuổi, Hà Nội). Do da có mụn ẩn, lỗ chân lông to, xuất hiện sẹo lõm nên chị P. lên mạng và được giới thiệu liệu trình peel da nhằm cải thiện tình trạng này. Tin vào cam kết của người bán rằng “sau khi thực hiện 1 liệu trình, da mới tái sinh sẽ mịn như da em bé”, chị P. đã “xuống tiền” mua sản phẩm về peel da tại nhà. Một ngày sau đó, da chị xuất hiện tổn thương đỏ, đau rát.
“Tôi liên hệ với người bán thì được trả lời sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên (rễ cây) nên gây rát nhẹ và bong tróc. Bong tróc càng nhiều thì càng tốt, da sẽ rất nhanh đẹp. Tuy nhiên, những ngày sau đó da mặt tôi tiếp tục bỏng rát, từng mảng da thẫm màu loang lổ, lột như da rắn và có cảm giác vô cùng khó chịu… nên tôi đã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám”, chị P. kể lại.
Theo BS.CKII Nguyễn Tiến Thành – Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, đây không phải là trường hợp hy hữu. Khá nhiều phụ nữ thực hiện phương pháp trẻ hóa làn da bằng peel nhưng đẹp đâu chưa thấy mà phải nhập viện trong tình trạng da tổn thương nghiêm trọng.
Riêng trường hợp chị P., BS Thành cho biết, qua thăm khám cho thấy người bệnh bị viêm da tiếp xúc kích ứng, biến chứng tăng sắc tố sau viêm, có nguy cơ bị thâm và sẹo lâu dài do sử dụng các chất có tác dụng lột tẩy mạnh.
“Với tình trạng da của chị P., thời gian điều trị phục hồi rất lâu, cần sử dụng nhiều công nghệ và phương pháp để phục hồi da, rất tốn kém nhưng cũng khó phục hồi được như trước”, BS Thành nói.
Peel da tại nhà – lành ít, dữ nhiều
ThS.BS Nguyễn Thị Thu Phương – Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết, peel da hay còn gọi là thay da hoặc lột da, là một phương pháp phá hủy có kiểm soát thượng bì hoặc trung bì giúp bong vảy da đồng nhất, từ đó loại bỏ các tế bào chết, các tổn thương sắc tố và tăng sinh tế bào mới, tái tạo làn da mới sáng khỏe hơn. Có 3 loại peel da – peel hóa học, peel enzym và peel bằng laser. Phương pháp được sử dụng nhiều nhất hiện nay là peel hóa học, sử dụng một loại hoạt chất đơn độc hoặc kết hợp nhiều hoạt chất để mang lại hiệu quả tối ưu.
Peel da được áp dụng trong điều trị nhiều bệnh da và thẩm mỹ da. Có 3 mức độ peel khác nhau dựa trên độ nông sâu. Peel mức độ nông giúp điều trị trứng cá, rám má thượng bì, tăng sắc tố sau viêm nông, đồi mồi; Peel mức độ trung bình dùng để điều trị sẹo trứng cá, rám má trung bì hoặc hỗn hợp, lão hóa da nhẹ – vừa; Peel mức độ sâu áp dụng cho lão hóa da vừa – nặng, các nếp nhăn sâu, sẹo trứng cá nặng…
“Hiện nay, do nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp peel da ngày càng lớn nên nhiều sản phẩm peel da được bày bán tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, việc tự mua các sản phẩm và thực hiện peel da tại nhà tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Thứ nhất, sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần có thể khiến da bị kích ứng, mẩn đỏ, lâu ngày sẽ khiến da trở nên nhạy cảm; Thứ hai, việc không đánh giá chính xác tình trạng da, type da, các vấn đề mắc phải mà lạm dụng peel da sẽ khiến làn da tệ hơn, dễ bị nám sạm, giãn mạch; Thứ ba, việc thực hiện không đúng kỹ thuật peel sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có những loại hoạt chất peel cần trung hòa mà không trung hòa đúng cách sẽ khiến da tổn thương quá sâu, bỏng, thậm chí để lại sẹo. Các yếu tố như chuẩn bị da trước peel, dụng cụ quét, số lần quét, lực đè cọ quét, thời gian tiếp xúc… đều ảnh hưởng đến hiệu quả của peel cũng như các biến chứng có thể xảy ra. Các biến chứng thường gặp là tăng sắc tố, nhiễm trùng, viêm da dạng trứng cá, nhiễm độc…”, BS Phương nhấn mạnh.
BS Thành khuyến cáo: “Chị em không sử dụng các hoạt chất không rõ nguồn gốc, kem trộn, dùng theo phác đồ của người thân quen mách nước, do mỗi loại da, mỗi tình trạng da sẽ có những sản phẩm, những chỉ định phù hợp. Trong trường hợp muốn thực hiện kỹ thuật làm đẹp nào trên da, cần đến các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn, tư vấn…”.
Ngọc Hà
Bình luận (0)