Không đi theo lối mòn thụ động, dạy học theo dự án mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng của phương pháp dạy học phức hợp nhằm tạo ra “sản phẩm” hoàn hảo. Đó là “điểm cộng”của hội thảo chuyên đề “Dạy học theo dự án và một số phương pháp dạy học tích cực trong môn ngữ văn” do Trường THPT Phước Long (TP.HCM) tổ chức vừa qua.
Các em học sinh biểu diễn văn nghệ ca ngợi công ơn Bác Hồ |
Đây là dịp để các khối lớp trong trường tung ra những sản phẩm mà từng cá nhân và tập thể đã dày công sưu tầm và thiết kế dự án “Hồ Chí Minh – Nơi thành phố gọi tên Người”.
Bài học về một nhân cách lớn
Mở đầu là bộ sưu tập tư liệu và kiến thức về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới hình thức tập san do học sinh khối lớp 10 giới thiệu. Tuy mang đậm dấu ấn riêng của từng nhóm hay từng tổ nhưng mỗi cuốn tập san đều có chung một tiếng nói là dựng lên được một giai đoạn lịch sử từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước tại Bến cảng Nhà Rồng đến ngày Người trở về quê hương lãnh đạo cách mạng sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài. Xúc động hơn là những câu chuyện về đức hy sinh, tinh thần trọn đời vì dân vì nước của vị cha già dân tộc được các em “kể lại” bằng những hình ảnh ố màu thời gian gắn liền với từng giai đoạn dù trong đêm tối lịch sử hay buổi bình minh của ngày giành chính quyền. Đọc mỗi trang viết nắn nót bằng trái tim thành kính của các em càng thêm trân trọng vì gặp lại bóng dáng của một con người trong những cuốn sách một thời để nhớ như Những mẩu chuyện hoạt động của Bác Hồ, Vừa đi đường vừa kể chuyện, Bác Hồ với thiếu nhi, Miền Nam nhớ mãi ơn Người… Tất cả chỉ là bài học nhỏ nhưng lại chứa đựng một nhân cách lớn về tấm gương đạo đức cách mạng của một danh nhân văn hóa thế giới.
Đại diện cho các sản phẩm dưới dạng video clip, “Hồ Chí Minh – Nơi thành phố gọi tên Người” của lớp 11A5 là sản phẩm được kết nối bằng những hình ảnh sống động hội tụ niềm tự hào của mỗi người dân thành phố mang tên Bác khi ghé đến Bến cảng Nhà Rồng như một cách ghi nhớ công lao người thanh niên đầy nghị lực quyết ra đi tìm đường cứu nước trong đêm tối nô lệ…
Có thể khẳng định hầu như chưa có em nào đã học qua một lớp kỹ thuật quay video hay dựng phim tài liệu, nhưng chính những video clip các em hoàn thành đã là một minh chứng cho thấy rất nhiều tiềm năng còn ẩn giấu trong những con người chưa đủ tuổi bước vào đời. Không chỉ biết cầm máy quay mà các em còn biết cách lồng nhạc, ghép phụ đề vào từng cảnh quay giống như một nhà đạo diễn thực thụ.
Giáo viên hướng dẫn trò chơi Ô cửa tri thức cho học sinh |
Mở rộng chân trời sáng tạo
Em Phạm Hoàng Thúy Vy (học lớp 12A3) chia sẻ: “Dẫu còn nhiều vụng về trong cách trình bày, chưa đầy đủ về nội dung, hình ảnh còn sơ sài nhưng trong quá trình thực hiện chúng em đã thu hoạch được rất nhiều bài học qua chuyến đi này”. Từ một học sinh vốn chỉ biết ghi chép những điều trên bục giảng, các em đã biết làm mọi việc khi thực hiện chương trình “truyền hình thực tế” mà dự án đã mang lại một cách bổ ích. Không chỉ lớn khôn về cảm xúc mà các em còn trưởng thành hơn khi biết đồng sức đồng tâm tham gia vào những công trình có ý nghĩa đối với bài học làm người và bài học kỹ năng.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh
Trước khi vào tham dự hội thảo chuyên đề “Dạy học theo dự án và một số phương pháp dạy học tích cực trong môn ngữ văn”, các đại biểu thật sự bất ngờ khi được thưởng ngoạn những sản phẩm độc đáo như một lời chào thật ấn tượng do các em học sinh tự thiết kế. Đó là poster dã chiến dù chỉ bằng bảng đen phấn trắng đơn sơ nhưng lại là nơi cho các họa sĩ tay ngang có dịp thể hiện tài năng hội họa của mình. Thầy Nguyễn Tiến Hỷ (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết hội thảo là hướng đi mới của phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên; qua đó người học tiếp thu kiến thức và hình thành kỹ năng thông qua bài tập tình huống có thật cũng như tạo ra được sản phẩm cụ thể nhằm khắc phục những yếu kém, lạc hậu trong dạy học trước đây. Dịp này, đại diện 13 trường THPT thuộc cụm chuyên môn 8 được nghe TS. Trần Thanh Nguyện (giảng viên Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM) báo cáo cụ thể các phương pháp dạy học tích cực và dạy học theo dự án như cách chia sẻ kinh nghiệm dạy học tích cực theo dự án bộ môn ngữ văn. |
Đại diện cho lớp 10A8, hai em Trâm Châu và Thùy Trâm trở thành “nhà diễn thuyết” lưu loát khi tham gia mục Kể chuyện Bác Hồ. Bài học mà các em thu hoạch được vừa là phẩm chất đạo đức vị lãnh tụ vừa là kỹ năng thuyết trình và nghệ thuật nói trước đám đông. Sự nhút nhát và e ngại nhanh chóng qua mau để các em “nhập cuộc” suôn sẻ hơn nhiều.
Cùng với toàn thể giáo viên tổ ngữ văn, cô Nguyễn Thị Hà (Tổ trưởng chuyên môn Tổ ngữ văn) thật sự phấn khởi khi dự án các em đưa ra được dư luận đánh giá tốt. Là người điều hành chính từ đầu đến cuối, cô Hà chứng kiến bao khó khăn mà thầy trò phải đối mặt khi lần đầu tiên “khai sơn phá thạch” cho phong trào dạy học theo dự án tại cơ sở. Nhưng cũng qua đó mọi người mới thấy được “sức sống tiềm tàng” của đội ngũ giáo viên và đặc biệt là các em học sinh rất thông minh, sáng tạo. Chỉ cần mở ra một bầu trời cao rộng trong việc làm chủ tri thức thì các em đều đủ sức bay cao và vươn xa tới chân trời chiếm lĩnh tri thức bằng sự chủ động và tích cực. Có như vậy việc dạy học theo dự án tại các trường THPT mới hoàn thành tốt mục tiêu cao cả.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)